Báo Đồng Nai điện tử
En

Gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng: Cần kéo dài thời gian vay, hạ thêm lãi suất

Hoàng Lộc
16:20, 16/03/2024

(ĐN) - Sáng 16-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Cùng dự có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tham dự tại điểm cầu Đồng Nai có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, chăm lo, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 338/QĐ-TTg về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Ngay sau đó, gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi ưu đãi cũng được triển khai.

Sau hơn 1 năm thực hiện đã có những điểm sáng tích cực, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của đề án. Hội nghị này sẽ tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án.

Quyền chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Lộc

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong giai đoạn 2021-2023 cả nước đã quy hoạch hơn hơn 8,6 ngàn hécta làm nhà ở xã hội, tăng hơn 5 ngàn hécta so với năm 2020. Có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411 ngàn căn, trong đó hoàn thành 72 dự án với quy mô hơn 38 ngàn căn.

Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của đề án; mới có 8/68 dự án đủ điều kiện được giải ngân vốn vay theo chương trình tín dụng 120 ngàn tỷ đồng. Pháp lý liên quan đến triển khai dự án, xác định đối tượng mua, thuê còn phức tạp và mất nhiều thời gian.

Tại hội nghị, các bộ, ban, ngành, chuyên gia kinh tế, ngân hàng, địa phương đã bàn luận sâu những tồn tại cần tháo gỡ: quy trình thủ tục triển khai dự án, quỹ đất; những chính sách ưu đãi cụ thể hơn đối với nhà đầu tư; điều chỉnh thời gian vay, lãi suất ưu đãi để chương trình tín dụng 120 ngàn tỷ đồng thực sự phát huy hiệu quả với doanh nghiệp, người mua nhà ở xã hội… Kiến nghị sớm có thông tư, nghị quyết hướng dẫn thi hành 3 luật mới: nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói về Chương trình tín dụng 120 ngàn tỷ đồng giải ngân thấp
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói về chương trình tín dụng 120 ngàn tỷ đồng giải ngân thấp. Ảnh: Hoàng Lộc

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định lại: phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nội dung quan trọng của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và mỗi người dân.

Thủ tướng yêu cầu tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, sáng tạo, kịp thời, cộng với trách nhiệm, đạo đức xã hội để thực hiện các công việc cho tốt, chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều