Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

10:09, 30/09/2015

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích 5.903,940 km2. Dân số toàn tỉnh trên 2,7 triệu người, là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo (31 thành phần dân tộc, 62% đồng bào có đạo), là địa phương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng...

Tham luận của Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao - du lịch Lê Kim Bằng

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích 5.903,940 km2. Dân số toàn tỉnh trên 2,7 triệu người, là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo (31 thành phần dân tộc, 62% đồng bào có đạo), là địa phương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như: Nơi ra đời tổ chức Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ (Chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng ở Phú Riềng tháng 10/1929), nơi ra đời Trung ương Cục miền Nam (Chiến khu Đ tháng 01/1961), nơi diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam (trận Nhà Xanh ngày 07/7/1959) và nhiều chiến thắng vang dội khác đã trở thành giá trị truyền thống lịch sử, nền tảng tinh thần để cán bộ, đảng viên và nhân dân Đồng Nai vượt khó vươn lên trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao - du lịch Lê Kim Bằng
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao - du lịch Lê Kim Bằng trình bày tham luận tại đại hội.

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh nhiều giá trị văn hóa với sự hình thành Văn miếu Trấn Biên - Văn miếu đầu tiên của xứ Đàng Trong. Đây là nơi hội tụ nhiều nét đặc sắc của văn hóa các tộc người được phát triển qua các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng dân gian như: Lễ hội Kỳ Yên ở các đình miếu của người Việt, lễ đâm trâu của người Mạ, lễ cúng Thần lúa của người Chơro, Tả tài phán của người Hoa..., phản ảnh đa dạng đời sống văn hóa của cư dân Đồng Nai. Với trên 1.800 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, trong đó có 50 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia, 21 di tích cấp tỉnh). Đặc biệt, các di tích khảo cổ học thời tiền sử - sơ sử ở Đồng Nai được khai quật và hệ thống các giá trị văn hóa phi vật thể đã được điều tra nghiên cứu đã chứng tỏ bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đồng Nai đã đạt được những thành tựu đáng kể, đó là:

- Nhận thức của hầu hết cấp ủy, cơ quan và cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa được nâng lên; từng cấp, từng ngành xác định rõ nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa nên đã đưa nội dung này vào chỉ tiêu, nghị quyết, kế hoạch công tác hàng năm để triển khai thực hiện.

- Công tác chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy và cụ thể hóa bằng các quy định của UBND tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến quá trình xây dựng con người mới ở Đồng Nai với những đức tính tốt đẹp, tư tưởng đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đã thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội.

- Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa được tăng cường các chính sách, quy định, quy hoạch, định hướng, giúp cho các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa đi đúng hướng và chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm được xử lý kịp thời.

- Sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư ngân sách cho hoạt động văn hóa, thể thao, văn học nghệ thuật đã từng bước hình thành hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ tỉnh đến cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn khó khăn. Nhiều đề án, công trình văn hóa, đề tài nghiên cứu về văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện. 

- Thực hiện tốt quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa gắn với đề án phát triển văn hóa nông thôn và các chương trình mục tiêu về văn hóa đã phát huy thế mạnh từng chương trình và là tiền đề cơ bản cho kế họach đầu tư ngân sách phát triển các cơ sở hạ tầng, công trình văn hóa, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng, số lượng và hiệu quả của các hoạt động văn hóa.

- Việc trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích đạt được một số kết quả khả quan, đáng kể, đã động viên được các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia xã hội hóa, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi các nếp sống lạc hậu, hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:

- Một bộ phận công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống. Một bộ phận thanh niên, học sinh thiếu rèn luyện, ít tìm hiểu về lịch sử dân tộc,  phai nhạt lý tưởng, chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa xã hội.

- Việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ với phát triển kinh tế, chưa thật sự tương xứng với yêu cầu phát triển chung ở một tỉnh có tiềm năng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chưa giới thiệu nhiều nét đặc sắc của văn hóa địa phương trong quá trình tham gia hội nhập khu vực và quốc tế. Việc cưới văn minh, tiết kiệm chưa được thực hiện sâu rộng; tình trạng rải vàng mã làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị chưa được khắc phục triệt để.

- Bảo tồn, khai thác vốn di sản văn hóa truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế về thiết chế, nhân lực, việc gắn kết các di tích với hoạt động du lịch nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống chưa đạt hiệu quả cao; một số bản sắc văn hóa dân tộc (nếp sống sinh hoạt, trang phục, ngôn ngữ,...) có nguy cơ bị mai một, lai căng. Vai trò của văn hóa trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chưa được đề cao; một số người lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước tổ chức kinh doanh văn hóa vụ lợi và truyền bá mê tín dị đoan tại một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Việc phát huy giá trị của di sản, trong đó có việc cưới, việc tang, lễ hội, có biểu hiện lệch lạc và bị lợi dụng để “thương mại hóa”, biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan.

- Đầu tư cho phát triển văn hóa chưa đồng bộ với phát triển kinh tế và chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của xã hội. Hoạt động xã hội hóa văn hóa chưa được đẩy mạnh, chính sách khuyến khích nguồn lực trong và ngoài tỉnh chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư phát triển những khu văn hóa quy mô, hiện đại hoặc tổ chức những hoạt động văn hóa tầm cỡ khu vực. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa lớn ở cấp tỉnh còn chậm, thiết chế văn hóa cấp huyện chưa đa dạng, cấp xã, cấp ấp cũng còn khó khăn.

- Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã phát triển trên diện rộng, nhưng vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích; số lượng gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao nhưng tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, buôn bán, sử dụng ma túy,... vẫn còn tồn tại và có nơi có chiều hướng gia tăng. Nhiều ấp, khu phố không giữ vững được danh hiệu ấp, khu phố văn hóa liên tục nhiều năm liền.

- Việc triển khai thực hiện và chấp hành các quy định về hoạt động văn hóa còn lỏng lẻo, nhất là ở cơ sở. Việc kiểm tra, xử lý sai phạm chưa thường xuyên, kịp thời. Việc triển khai thực hiện các chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa hoạt động văn hóa,.. còn hạn chế, vẫn còn doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của công nhân lao động, chưa khai thác nhiều các nguồn lực xã hội hóa, chưa có nhiều công trình văn hóa quy mô lớn, hiện đại.

- Công tác đào tạo cán bộ văn hóa còn thiếu tính chiến lược, tính hệ thống nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa thời hội nhập. Bộ máy quản lý văn hóa thiếu ổn định, nhất là cấp huyện và cơ sở.

Đánh giá đúng thực trạng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là cơ sở để đề ra những giải pháp cụ thể nhằm xây dựng và phát triển văn hoá, con người Đồng Nai phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu bền vững trong thời gian tới, trong đó cần tập trung thực hiện những giải pháp sau đây:

1. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa

- Nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện và bền vững.

+ Các cơ quan truyền thông đại chúng, trang web, bản tin, tăng cường công tác quản lý nhà nước để báo chí, xuất bản hoạt động đúng pháp luật, đúng định hướng, có hiệu quả. Thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.

+ Đưa các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai vào kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội hàng năm, từng nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, chính quyền, đoàn thể chính trị.

- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật. Tăng cường định hướng chính trị, tư tưởng cho văn hóa, báo chí, văn học - nghệ thuật. Phát huy tính tự giác, ý thức, trách nhiệm công dân của văn nghệ sỹ trên cơ sở mục đích đúng đắn, hướng tới chân - thiện - mỹ. Phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong cơ quan văn hóa, Đảng đoàn văn học nghệ thuật tỉnh.

- Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, hội viên.

- Thường xuyên đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa

- Các cấp chính quyền phải tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa trên địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở các luật liên quan đến lĩnh vực văn hóa và các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đầy đủ hệ thống quy chế quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh; quy hoạch các loại hình dịch vụ văn hóa; các quy chế hoạt động của hội đồng thẩm định, hội đồng khoa học về lĩnh vực văn hóa…

- Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa. Trong phát triển kinh tế phải đảm bảo yếu tố văn hóa, trong phát triển văn hóa phải tính đến yếu tố kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách đặc thù đối với văn nghệ sỹ, cán bộ văn hóa và đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhất là các dân tộc bản địa.

- Nâng cao hoạt động quản lý nhà nước nhằm khai thác tốt công năng và hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là các Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, khu phố nhằm xây dựng và phát triển đa dạng đời sống văn hóa cơ sở; làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu và lan tỏa trong cộng đồng dân cư, thu hút ngày càng cao số lượng người dân đến sinh hoạt tại các thiết chế văn hoá thể thao.

- Xây dựng đề án và triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 chuyển các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa, kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của mặt trận, các thành viên mặt trận và công dân đối với tổ chức, quản lý hoạt động văn hóa.

- Chủ động đấu tranh phòng và chống các biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Ngăn chặn kịp thời trình trạng báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, chạy theo xu hướng thương mại hóa, thị hiếu tầm thường.

- Sớm nghiên cứu và xây dựng trung tâm thuộc tỉnh dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và quảng bá văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh Đồng Nai và khu vực Đông Nam bộ.

3. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa

- Xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực văn hóa ở địa phương. Tiếp tục bổ sung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn trên lĩnh vực văn hóa theo phân cấp quản lý.

- Nghiên cứu để sớm triển khai xây dựng trường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, nghệ thuật của tỉnh. Tiếp tục thực hiện liên kết với các trường đại học, học viện, các trung tâm đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật ở trong nước và ngoài nước đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh.

- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức quản lý chuyên ngành văn hóa cho toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện đang làm công tác quản lý ngành văn hóa, nghệ thuật trong tỉnh, cán bộ thư viện trường học…

- Lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa đủ tiêu chuẩn cho đi đào tạo nâng cao trình độ ở các cơ sở đào tạo chất lượng trong và ngoài nước. Có chính sách ưu đãi để thu hút các nghệ nhân, các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật về địa phương sinh sống, làm việc. Chú ý xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ trong các dân tộc thiểu số trên địa bàn và có chính sách khuyến khích họ trở về phục vụ quê hương.

- Điều chỉnh chế độ cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, cán bộ thư viện, bảo tàng phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương. Trọng dụng những người thật sự có tài, có đức trong lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật.

4. Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa

- Đầu tư cho văn hóa phải tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế của địa phương. Nguồn ngân sách đầu tư cho văn hóa phải sử dụng có hiệu quả, công khai, minh bạch, tránh dàn trải, gây lãng phí, không hiệu quả, không đáp ứng được mục tiêu phát triển chung của tỉnh. Ưu tiên đầu tư cho vùng nông thôn, vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo; các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hoá phi vật thể và các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh đang xuống cấp.

- Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực của các cá nhân, tổ chức trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa và xây dựng con người.

- Quy hoạch quỹ đất tương xứng với nhu cầu phát triển văn hóa của tỉnh. Thực hiện đúng và đầy đủ chính sách của Nhà nước ưu đãi về đất đai, thuế, phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do tổ chức, cá nhân ngoài công lập đầu tư. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản…

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp toàn bộ hệ thống các thiết chế văn hóa thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo quy định của Trung ương và phù hợp cho vùng nông thôn, thành thị, cơ quan, công sở, trường học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nông, lâm  trường…

 - Đầu tư cho hoạt động khoa học để nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người ở Đồng Nai.

Quá trình chỉ đạo thực hiện những giải pháp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Đồng Nai phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu bền vững, cấp ủy các cấp phải gắn việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới và phát triển văn hóa nông thôn, các chương trình mục tiêu quốc gia về văn học - nghệ thuật, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ nhằm tăng cường nguồn lực cho phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nâng cao  hiệu quả ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, hy vọng rằng chúng ta sẽ xây dựng được văn hóa và con người Đồng Nai phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, truyền thống văn hóa, lịch sử trên 300 năm, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ Biên Hòa - Đồng Nai, tạo động lực mạnh mẽ đảm bảo phát triển bền vững sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Trân trọng cám ơn!

 

Tin xem nhiều