Để làm rõ thêm những kết quả đạt được trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thay mặt Đảng bộ thị xã Long Khánh tôi xin trình bày báo cáo tham luận về "Giải pháp tổ chức huy động nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn" trên địa bàn thị xã Long Khánh trong những năm qua.
THAM LUẬN của Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh Hồ Văn Nam
Để làm rõ thêm những kết quả đạt được trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thay mặt Đảng bộ thị xã Long Khánh tôi xin trình bày báo cáo tham luận về “Giải pháp tổ chức huy động nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn” trên địa bàn thị xã Long Khánh trong những năm qua.
Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh Hồ Văn Nam trình bày tham luận tại đại hội. |
Kính thưa đại biểu Đại hội!
Long Khánh mặc dù là thị xã nhưng chỉ có 6 phường, có đến 9 xã. Tổng diện tích đất tự nhiên là 19.186 ha, trong đó diện tích 9 xã là 18.233,7 ha, chiếm 95%. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 16.465 ha, chiếm 85,8% diện tích đất tự nhiên toàn thị xã. Cơ cấu dân số khu vực nông thôn chiếm 60% dân số toàn thị xã (85.889 người). Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đảng bộ thị xã luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, thường xuyên và cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trước khi có Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từ năm 2003 - 2008, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ về xây dựng nông thôn “4 có”, đó là: Có đời sống kinh tế được cải thiện; Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; Có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; Có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Ban Thường vụ Thị ủy đã quán triệt và tập trung chỉ đạo các biện pháp tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ; ưu tiên mọi nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm; đời sống và thu nhập của nông dân ngày được nâng lên, từ đó có điều kiện để vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nông dân, đã tạo được nền tảng quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới sau này theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương.
Ngay sau khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương, Kế hoạch số 97-KH/TU của Tỉnh ủy, Đảng bộ thị xã đã quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã xây dựng Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng các xã trên địa bàn thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; Thị ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai, chỉ đạo với tinh thần thống nhất, đồng bộ và quyết liệt hơn, bằng nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp phù hợp; sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào “Toàn thị xã chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiều nhóm giải pháp tổ chức huy động nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, cụ thể là:
1/ Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập của nông dân: Đảng bộ thị xã xác định mục tiêu quan trọng là nâng cao đời sống và thu nhập của người nông dân, cái gốc của vấn đề là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nông dân đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm với nhiều ngành nghề ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho người nông dân có thu nhập ngày càng cao, ổn định cuộc sống. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thị xã đã phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh tập trung hướng dẫn, tạo điều kiện để nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đảm bảo theo nội dung “4 có”, đó là: Có giá trị kinh tế, năng suất cao; Có chất lượng tốt; Có thị trường tiêu thụ ổn định; Có thu nhập cao cho người nông dân.
Qua triển khai thực hiện, kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn thị xã đã có bước chuyển dịch khá tích cực; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đạt mức tăng trưởng khá, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung; 100% diện tích cây hàng năm được gieo trồng bằng giống mới; sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, đầu tư hệ thống điện và giếng khoan vào các cánh đồng không đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất để tăng vụ, bảo đảm nước tưới, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó năng suất, sản lượng cây trồng ngày một cao hơn; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất nông nghiệp bình quân đạt trên 150 triệu đồng (tăng 2 lần so với năm 2009); lợi nhuận bình quân trên 1 ha là 105 triệu đồng (tăng 2,1 lần so với năm 2009); cá biệt có nhiều vùng cây sầu riêng, cây tiêu cho sản phẩm thu được từ 250 - 350 triệu đồng/ha, lợi nhuận 150 - 250 triệu đồng/ha. Đời sống của đại bộ phận nông dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,6 triệu đồng, tăng 2,13 lần so năm 2009 (trong đó xã thấp nhất là Bàu Trâm, đạt 34,2 triệu đồng, cao nhất là xã Xuân Tân đạt 48,2 triệu đồng).
2/ Tập trung tuyên truyền, vận động toàn thị xã chung sức xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn: Đảng bộ thị xã đã tập trung lãnh đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân nhận thức rõ và thấy được tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xem đây là một chương trình lớn mang tính tổng hợp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống - xã hội, do đó phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Chú trọng vận động, thuyết phục để người dân nắm và hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi tham gia thực hiện; từ đó nhận thức sâu sắc vai trò chủ thể của mình, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn là của dân, dân làm, dân hưởng, tích cực đóng góp ngày công, tiền của, đất đai... để đầu tư xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Chính từ việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên từ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đều thông suốt, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.
3/ Tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn: Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, Đảng bộ thị xã đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo” gắn với phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới, kể cả các doanh nghiệp đóng chân trong và ngoài địa bàn thị xã cũng được vận động đóng góp. Từ việc tuyên truyền, vận động và định hướng cho nông dân trong sản xuất nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển, thu nhập của nông dân ngày càng cao nên việc vận động, huy động nguồn lực trong dân để lo lại cho dân được nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng. Những chủ trương, chính sách liên quan đến xây dựng nông thôn mới đều được tiến hành công khai, dân chủ, có sự bàn bạc thống nhất của nhân dân, do nhân dân trực tiếp thực hiện và giám sát. Qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân cùng tham gia đóng góp tiền, hiến đất, ngày công lao động,... để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, đã chú trọng vận động nhân dân, huy động mọi nguồn lực xã hội, từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các tổ chức tôn giáo,... nhằm phát huy sức dân để chăm lo trở lại cho dân.
Kết quả huy động từ các nguồn để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2009 - 2014 là 8.988 tỷ 029 triệu đồng. Trong đó: Nhà nước đầu tư (nguồn vốn ngân sách) 817 tỷ 668 triệu đồng (chiếm 10%); nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: đường giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa... là 3.220 tỷ 529 triệu đồng (trong đó: Nhà nước đầu tư 817 tỷ 668 triệu đồng, chiếm 25,4%; vốn huy động nội lực trong nhân dân 2.402 tỷ 861 triệu đồng, chiếm 74,6%).
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương, Kế hoạch số 97-KH/TU của Tỉnh ủy, kinh tế khu vực nông thôn Long Khánh đã có bước chuyển biến tích cực, tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao mức sống và thu nhập của nông dân nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn ngày càng được cải thiện. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đến nay đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; đã tập trung huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. An sinh xã hội được đảm bảo, công tác giảm nghèo đạt kết quả khá tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn giữ vững ổn định, môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Đến tháng 10/2014, 9/9 xã thuộc thị xã Long Khánh đã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, 5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2013). Cuối năm 2014, thị xã Long Khánh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là 01 trong 02 đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.
Kính thưa quý vị đại biểu Đại hội!
Để thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực trong thời gian tới để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; Đảng bộ thị xã Long Khánh xin đề xuất, kiến nghị một số giải pháp lãnh đạo trong thời gian tới như sau:
1/ Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để cải thiện, nâng cao đời sống của nông dân, từ đó, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và khu vực đô thị. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa; tăng cường đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng cường công tác thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
2/ Khai thác tốt lợi thế về đất đai, khí hậu, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị tăng cao và có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bảo vệ và sử dụng linh hoạt, hiệu quả diện tích đất trồng lúa, đồng thời, có các giải pháp khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện của từng vùng, khu vực và đặc điểm của từng loại cây trồng, sản phẩm.
3/ Đề ra các giải pháp tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Khuyến khích phát triển mô hình liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp.
4/ Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý. Áp dụng rộng rãi các loại giống mới và kỹ thuật nuôi trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Có các chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
5/ Thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn (nhất là các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, sản xuất giống, vật tư nông nghiệp, ngành nghề có sử dụng nhiều lao động nông thôn tại chỗ); tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề truyền thống và ngành nghề phi nông nghiệp có điều kiện phát triển, phù hợp với địa phương để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân.
Trên đây là báo cáo tham luận của Đảng bộ thị xã Long Khánh về giải pháp tổ chức huy động nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thị xã trong thời gian qua. Xin cảm ơn các đồng chí đã theo dõi.
Thay mặt Đảng bộ thị xã Long Khánh, kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu mạnh khỏe, chúc Đại hội thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!