Thay mặt Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tôi xin báo cáo tham luận về giải pháp tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công tác phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh...
Tham luận của Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thành Công
Thay mặt Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tôi xin báo cáo tham luận về giải pháp tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công tác phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh, như sau:
Đồng chí Nguyễn Thành Công |
1- Về giải pháp tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 36 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt, trong đó có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; có hơn 18.500 doanh nghiệp (143 doanh nghiệp nhà nước, 1.115 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số còn lại là doanh nghiệp tư nhân) với tổng vốn đầu tư trên 27.470 ngàn tỷ đồng, thu hút gần 813.755 lao động làm việc (60.000 lao động trong doanh nghiệp nhà nước, 240.000 lao động trong doanh nghiệp tư nhân, 445.000 lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), số lao động ngoài tỉnh nhập cư chiếm khoảng 60%, lao động nữ chiếm 61% trên tổng số lao động trong các khu công nghiệp, đã đóng góp tích cực vào những thành tựu chung trong công cuộc đổi mới ở tỉnh Đồng Nai.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày 23/11/1996 Bộ Chính trị (Khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII) trong tình hình mới, chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố tổ chức đảng và đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, yêu cầu cấp ủy các cấp thường xuyên chăm lo việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Với nhận thức để đảm bảo cho các doanh nghiệp phát triển đúng định hướng, chấp hành đúng luật pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, tạo môi trường sản xuất ổn định trong các doanh nghiệp là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng và cấp bách đối với Đảng bộ tỉnh Đồng Nai. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, Kế hoạch số 12-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VIII); chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tỉnh, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các ban đảng tỉnh, các sở, ngành có liên quan nghiên cứu Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo 07 của Tỉnh ủy; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh có các khu công nghiệp tập trung đều thành lập Ban Chỉ đạo 07 trực thuộc huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy; phân công các đồng chí trong Ban Chỉ đạo theo dõi từng địa bàn, từng lĩnh vực cụ thể; chỉ đạo, phối hợp cùng các cấp ủy, các đoàn thể điều tra, khảo sát nắm số đảng viên đang lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang sinh hoạt Đảng ở địa phương nơi cư trú, qua đó gặp gỡ nhà đầu tư, đảng viên, tuyên truyền, vận động việc thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng và hoạt động của tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn nhiều hạn chế, do chủ doanh nghiệp hoặc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không ủng hộ, họ cho rằng có tổ chức đảng trong doanh nghiệp sẽ chia quyền, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của họ. Đặc biệt, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do các chủ đầu tư chưa hiểu về tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, về vai trò và chức năng của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nên không quan tâm đến công tác Đảng. Đứng trước những khó khăn trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh mở Hội nghị mời các nhà đầu tư (chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài) tham dự Hội thảo chuyên đề về công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đến tháng 8 năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có 116 tổ chức cơ sở đảng và 2.680 đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 03 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Hợp tác xã với 38 đảng viên, có 05 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân với 35 đảng viên, có 11 tổ chức cơ sở đảng trong công ty TNHH tư nhân với 121 đảng viên, có 28 tổ chức cơ sở đảng trong công ty cổ phần tư nhân với 491 đảng viên, có 19 tổ chức cơ sở đảng trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước dưới 50% với 979 đảng viên, có 46 tổ chức đảng (trong đó có 19 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở Liên đoàn lao động huyện) trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 937 đảng viên, có 04 tổ chức đảng trong doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài với 79 đảng viên.
Từ những kết quả đạt được và chưa đạt được, đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:
- Phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ về chủ trương của Bộ Chính trị, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tạo sự thống nhất cao trong các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và toàn Đảng bộ về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, phối hợp với các đơn vị có liên quan, khảo sát nắm số lượng đảng viên đang làm việc lao động trong các doanh nghiệp, để qua đó những doanh nghiệp có đủ điều kiện tiến hành thành lập tổ chức đảng.
- Phải kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích để nhà đầu tư thông hiểu chủ trương của Đảng về mục đích xây dựng và hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp là nhằm lãnh đạo đảng viên, tuyên truyền, vận động người lao động và nhà đầu tư thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Khi xúc tiến xây dựng và hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, cần có cách thức và bước đi thích hợp, làm điểm rút kinh nghiệm. Trước hết, xây dựng ở những doanh nghiệp có đảng viên giữ chức vụ, có ảnh hưởng trong doanh nghiệp; ở những doanh nghiệp nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ, những doanh nghiệp phát triển ổn định và sau đó ở những doanh nghiệp tiếp theo.
- Khi đã thành lập tổ chức đảng, cần tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là Thường trực Tỉnh ủy; ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy khối Doanh nghiệp giao các ban đảng và phân công 01 đồng chí cấp ủy viên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ tổ chức đảng trên tất cả các lĩnh vực có liên quan.
Để tiếp tục tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 07-CT/TW ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị, Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư và Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ.
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải hướng vào thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp; phát huy vai trò các đoàn thể cùng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động và doanh nghiệp.
- Tăng cường chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 15/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước” và Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh.
- Phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể, quan tâm kết nạp đảng đối với chủ doanh nghiệp; những công nhân trẻ có trình độ. Phát triển đoàn viên, hội viên mới. Các cấp ủy, chi bộ, ban chấp hành các đoàn thể phải đề ra nghị quyết, phân công trách nhiệm cụ thể phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên mới. Việc tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp Đảng phải chú ý đến những quần chúng có uy tín, nắm giữ các vị trí quan trọng, ủy viên ban chấp hành các đoàn thể. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy đảng, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng.
2- Về công tác phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh
Về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trên địa bàn tỉnh: tính đến tháng 8/2015, toàn Đảng bộ tỉnh có 699 tổ chức cơ sở đảng, trong đó: có 307 chi bộ cơ sở, 392 đảng bộ cơ sở với 3.703 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Có 65.909 đảng viên, trong đó: đảng viên chính thức 60.798 đồng chí, đảng viên dự bị 5.111 đồng chí, theo các loại hình sau: xã, phường, thị trấn có 39.507 đồng chí, cơ quan hành chính 8.430 đồng chí, đơn vị sự nghiệp 3.951 đồng chí, doanh nghiệp 9.057 đồng chí (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài 578 đồng chí), lực lượng vũ trang 4.315 đồng chí và Hội quần chúng 649 đồng chí.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ là kết nạp đảng viên mới đạt từ 7-8% so với đảng viên cuối năm trước; nhiệm vụ cụ thể là phải thực hiện tốt công tác phát triển đảng, nhất là trong các doanh nghiệp, trường học, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào theo đạo, đảm bảo đạt mục tiêu nghị quyết và coi trọng chất lượng phát triển đảng viên mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển đảng viên với tinh thần phấn đấu mỗi đảng bộ kết nạp từ 7-8% so với tổng số đảng viên có đến cuối năm. Phấn đấu 100% ấp, khu phố có đảng viên, trong tạo nguồn, cần chú ý đến các đoàn viên, hội viên ưu tú, những cốt cán trong lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên, những người ưu tú trong công nhân ở các doanh nghiệp, trong nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số, người Hoa, người có đạo, những nơi còn ít đảng viên.
Để thực hiện công tác phát triển đảng trong nhiệm kỳ đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra. Hàng năm, Ban thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc cho Tỉnh ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác phát triển đảng viên của các cấp ủy trực thuộc tỉnh, nhằm khắc phục những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc của các cấp ủy để tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương, giải pháp chỉ đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ tỉnh đã xem xét, kết nạp được 20.497 đảng viên (tăng 4.620 đảng viên so với nhiệm kỳ trước), đạt tỷ lệ 7,89% so với tổng so với đảng viên cuối năm (Nghị quyết Tỉnh ủy từ 7-8%) đảm bảo về cơ cấu. Chất lượng đảng viên mới kết nạp so với nhiệm kỳ trước được nâng lên rõ rệt như: tỷ lệ đảng viên trẻ có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi (tăng 12%); đảng viên có trình độ cao đẳng: 2.674 đ/c, tỷ lệ 13,05% (tăng 14%); Đại học: 7.091 đ/c, tỷ lệ 34,60% (tăng 19%); Thạc sỹ, tiến sĩ: 232 đ/c, tỷ lệ 1,14% (tăng 73%) so cùng kỳ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong đảng bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua về công tác phát triển đảng viên mới cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ phát triển đảng viên trên địa bàn khu dân cư còn hạn chế; việc quản lý, bồi dưỡng, giáo dục và giao nhiệm vụ thử thách cho trung kiên ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa thường xuyên; công tác xác minh lý lịch của quần chúng trung kiên gặp nhiều khó khăn do phải đi xa, đi nhiều địa phương khác nhau, lịch sử chính trị phức tạp...
Từ những kết quả trên, đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:
- Phải coi trọng chất lượng công tác kết nạp đảng viên, lấy tiêu chuẩn đảng viên làm cơ sở, đặc biệt tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng của Đảng, đạo đức lối sống, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về số lượng chỉ có ý nghĩa khi đảm bảo chất lượng, tuy nhiên cũng cần số lượng phù hợp để hoàn thiện tổ chức, thực hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở.
- Chú trọng và tăng cường công tác phát triển Đảng, trọng tâm là hướng vào quần chúng ở địa bàn dân cư, lực lượng quần chúng trẻ, các đoàn viên, hội viên ưu tú, những cốt cán trong lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên, những người ưu tú trong công nhân ở các doanh nghiệp, trong nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số, người Hoa, người có đạo, những nơi còn ít đảng viên.
- Kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú, thực sự có đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hoá, biến chất, không đủ tư cách đảng viên sẽ góp phần tích cực củng cố tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Để tăng cường công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm bồi dưỡng cho đội ngũ trung kiên nâng cao nhận thức chính trị và xác định động cơ đúng đắn khi phấn đấu vào Đảng.
- Các tổ chức cơ sở đảng phải xây dựng Nghị quyết, kế hoạch về công tác kết nạp đảng viên mới theo nhiệm kỳ, hàng năm để lãnh đạo thực hiện; tích cực chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc rà soát nguồn cảm tình đảng, lập danh sách theo dõi, bồi dưỡng, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú là nữ, trẻ, dân tộc, tôn giáo, là cán bộ nòng cốt ở ấp, khu phố, đoàn thể mặt trận, lực lượng vũ trang, giáo viên, công nhân...
- Các chi, đảng bộ cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải thường xuyên rà soát, phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng những cá nhân ưu tú, tiêu biểu thông qua các phong trào thi đua yêu nước để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, đảm bảo có chất lượng; có kế hoạch và phân công các đồng chí cấp ủy viên theo dõi, hướng dẫn tổ trung kiên sinh hoạt, hàng quý phải có báo cáo kết quả việc phân công theo dõi sinh hoạt của tổ trung kiên.
- Thực hiện đúng thủ tục, quy trình về công tác kết nạp đảng viên, chú ý việc thẩm tra, xác minh lý lịch chính xác, từng mốc thời gian, tránh ngại khó hoặc thụ động, khắc phục khuynh hướng hẹp hòi, định kiến. Đồng thời tránh tư tưởng dễ dãi, tình cảm cá nhân mà bỏ qua các nguyên tắc, tiêu chuẩn, làm giảm chất lượng kết nạp đảng viên.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kết nạp đảng viên, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tạo nguồn, giáo dục và kết nạp đảng viên. Bảo đảm thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng và nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên.
- Hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết chuyên đề công tác kết nạp đảng viên mới, qua đó biểu dương những tổ chức cơ sở đảng làm tốt, nhắc nhở, đôn đốc những tổ chức cơ sở đảng làm chưa tốt nhằm đảm bảo thực hiện hoàn thành tốt chỉ tiêu nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.
Trên đây là báo cáo tham luận của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về giải pháp tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công tác phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh.
Xin trân trọng cảm ơn.