Tại Hội thảo "Kết nối mạng lưới Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam bộ" trong chuỗi các sự kiện của Techfest DongNai 2021 vừa được tổ chức, các chuyên gia, diễn giả đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để kết nối mạng lưới tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành tư duy đổi mới sáng tạo trong mỗi cá nhân để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam bộ phát triển, trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Nam bộ.
Tại Hội thảo “Kết nối mạng lưới Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam bộ” trong chuỗi các sự kiện của Techfest DongNai 2021 vừa được tổ chức, các chuyên gia, diễn giả đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để kết nối mạng lưới tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành tư duy đổi mới sáng tạo trong mỗi cá nhân để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam bộ phát triển, trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Nam bộ.
Hội thảo tại diểm cầu Sở KHCN |
* Kinh nghiệm từ Đà Nẵng và Bình Dương
Chia sẻ tại hội thảo về những kinh nghiệm cũng như định hướng trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương, ông Trần Thanh Trung đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cho biết, trong những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó nổi bật là đã hình thành được Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp Bình Dương, là không gian tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng; phát triển các sáng kiến, ý tưởng phục vụ thành phố thông minh, do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý và vận hành. Trung tâm được định hướng phát triển thành đầu mối then chốt trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực; không ngừng đổi mới, sáng tạo để hỗ trợ, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh và bền vững tại Bình Dương.
Đà Nẵng cũng là địa phương mạnh trong khởi nghiệp, nói về kinh nghiệm xây dựng vườn ươm và vai trò vườn ươm trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Lý Đình Quân - Vườn ươm Sông Hàn (SHi) cho biết, trải qua nhiều khó khăn trong 5 năm hình thành và phát triển, hiện Shi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm cũng như những kết quả quan trọng, trong đó đã hình thành được nhiệt huyết, bản lĩnh, kiên trì và năng lực sáng tạo, kết nối của Founder; Tầm nhìn dài hạn, hành động liên tục, Kết nối đa nguồn lực, luôn sáng tạo trong từng giai đoạn phát triển; Thu hút được nhiều nguồn lực hợp tác hỗ trợ : Bộ Khoa học và Công nghệ, Swiss EP, PUM - Hà Lan, TCDL, sở ngành địa phương...hình thành được mạng lưới chuyên gia được đào tạo theo chương trình SHi bởi chuyên gia quốc tế; Trong tương lai, SHI định hướng hình thành lĩnh vực ươm tạo phù hợp với thế mạnh của miền Trung, tạo được lợi thế riêng; Xây dựng thương hiệu cho ươm tạo mạnh mẽ để thu hút nguồn lực.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) cho biết, bức tranh về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây được thế giới đánh giá tương đối tốt với 38.000 Startups, trong đó, lần đầu tiên Việt Nam đạt đến con số 1 tỷ USD về kêu gọi vốn đầu tư, có hơn 138 trường đại học đã hình thành được các trung tâm ươm tạo, hình thành được quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp…Trong thời gian gần đây, nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thực hiện thông qua các cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên trên cả nước như: Cuộc thi toàn cầu về sáng tạo kinh doanh xã hội của Trung tâm sáng tạo ươm tạo FTU, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp CIC 2021, Chương trình tăng tốc khởi nghiệp của VSV Capital…Doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp thông qua hỗ trợ, đầu tư tài chính cho Startup; chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn; kết nối, mở rộng thị trường; dẫn dắt, tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp.
* Đồng Nai nỗ lực kết nối
Ông Nguyễn Văn Tân – Thành viên Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trưởng bộ phận khởi nghiệp Trường Đại học Lạc Hồng đặc biệt quan tâm đến nhà đầu tư và vai trò của nhà đầu tư trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thông qua việc giới thiệu, phân tích các cấu phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp, các loại nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp, các giai đoạn phát triển của một dự án khởi nghiệp, vai trò của các nhà đầu tư trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một số lưu ý khi các nhà khởi nghiệp tiếp cận với các nhà đầu tư.
Mô hình vườn ươm khởi nghiệp của Đà Nẵng |
TS. Nguyễn Văn Tân bày tỏ, để đạt được những thành quả bền vững hơn trong việc xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai nói riêng và Vùng Đông Nam bộ nói chung, các cơ quan chức năng thúc đẩy hình thành mạng lưới cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương trên địa bàn để kết nối các cấu phần của hệ sinh thái và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, trong đó có hỗ trợ về vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp.
Tại Hội thảo, ông Lại Thế Thông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án 844 tại các địa phương trong 6 năm qua là một hành trình nỗ lực thúc đẩy sự kết nối: Từ kết nối các nguồn lực trong vùng cho tới kết nối con người với nhau; Giữa những người triển khai xây dựng hệ sinh thái, giữa con người là chủ thể của hệ sinh thái, kết nối mạng lưới tri thức, đến các mô hình kết nối mới để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Sự liên kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để hình thành nên các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai hiện đang phối hợp cùng với các trường đại học, cao đẳng để xây dựng các vườm ươm, các khu ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp tại các trường. Trong thời gian tới, Đồng Nai mong muốn tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia tốt nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Đức Quân