Tin Thai League vừa bán bản quyền truyền hình (BQTH) trong 8 năm với mức giá bình quân 975 tỷ đồng/năm khiến bóng đá Việt Nam không khỏi choáng và một lần nữa câu chuyện BQTH V.League không thể không đặt ra.
Tin Thai League vừa bán bản quyền truyền hình (BQTH) trong 8 năm với mức giá bình quân 975 tỷ đồng/năm khiến bóng đá Việt Nam không khỏi choáng và một lần nữa câu chuyện BQTH V.League không thể không đặt ra.
VTVcab sản xuất trực tiếp các trận đấu tại V.League 2020 |
V.League lần đầu tiên “bán” được BQTH là ở mùa giải 2005. Tuy nhiên, ở thời điểm đó thực tế để một trận đấu được phát sóng trực tiếp VFF và các CLB còn phải trả VTV một khoản tiền và lo cả chi phí lưu trú, di chuyển, bồi dưỡng cho nhà đài.
Năm 2011, để chuẩn bị cho sự ra mắt của kênh NCM (nhanh - cao - mạnh), truyền hình AVG ký hợp đồng với VFF mua BQTH V.League trong thời hạn 20 năm với giá 6 tỷ đồng cho năm đầu tiên và sau đó mỗi năm tăng 10% lũy tiến. Thế nhưng, “củi mục bà để trong rương, động vào bà bảo trầm hương của bà”. Bản hợp đồng còn chưa kịp thực hiện thì VPF ra đời và đã có một cuộc chiến công văn nảy lửa về việc BQTH giải đấu thuộc về VFF hay VPF, đồng thời cho rằng cái giá trên là quá rẻ? AVG bất ngờ rút lui và tuyên bố không nhận đền bù một xu để nhường lại BQTH cho VPF. “Ông bầu” Nguyễn Đức Kiên “cha đẻ” VPF mạnh miệng tuyên bố sẽ khai thác được BQTH V.League tối thiểu 50 tỷ đồng mỗi năm và tăng lên 100, 300 tỷ đồng thậm chí 500 tỷ đồng (!?) nhờ sự kêu gọi các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam vào cái gọi là “Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam”.
Tuy nhiên, sau đó “bầu” Kiên sa vòng lao lý, “miếng bánh” 50 tỷ đồng và nhiều, nhiều hơn thế đi vào quên lãng như câu chuyện đùa trong phút cao hứng.
Năm 2017, Next Media ký hợp đồng với VPF sở hữu toàn bộ BQTH 3 giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League, hạng Nhất, Cúp QG) trong 5 năm từ 2017-2022. Cái “được” là 100% các trận đấu của V.League được phát sóng trực tiếp trên truyền hình (chủ yếu là VTVcab) và các nền tảng OTT, mạng xã hội. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống 3 giải chuyên nghiệp mỗi năm chỉ thu được 2 tỷ đồng “tiền tươi” BQTH từ Next Media (chỉ bằng 1/3 mức giá AVG đề nghị 6 năm trước). Mặc dù theo hợp đồng mỗi trận đấu VPF có 9 phút quảng cáo trên các đài truyền hình (mỗi TVC quảng cáo 30 giây giá trung bình 20 triệu đồng, V.League một mùa có 182 trận x 18 TVC, VPF có thể khai thác được 3.276 TVC, tức hơn 65,5 tỷ đồng), nhưng đó chỉ là… trên giấy. Thực tế phần lớn của khoảng thời gian 9 phút quảng cáo mỗi trận này đều được VPF dùng để thanh toán, trả quyền lợi (quảng cáo) cho các nhà tài trợ của giải. Mà cho dù còn thừa thời lượng VPF cũng không thể tìm đâu ra thêm quảng cáo bên ngoài. Cho nên con số hơn 65,5 tỷ đồng là chuyện… “đếm cua trong lỗ”.
Vì sao giải đấu hàng đầu của quốc gia số 1 Đông Nam Á, ĐKVĐ cả AFF cup và SEA Games lại “bèo bọt” như vậy và hệ lụy của nó, chúng tôi sẽ đề cập trong số sau.
Đông Kha