Ngẫu nhiên, cùng với nhận xét nặng nề của cựu Giám đốc kỹ thuật Enrique sau cuộc "hôn nhân" ngắn ngủi với CLB Hà Nội về việc HLV, cầu thủ Việt Nam không chú trọng đúng mức vấn đề thể lực, đặc biệt là tập gym; cựu HLV đội tuyển Việt Nam và CLB TP.HCM Toshiya Miura từ quê nhà mới đây cũng lên tiếng về vấn đề này.
Ngẫu nhiên, cùng với nhận xét nặng nề của cựu Giám đốc kỹ thuật Enrique sau cuộc “hôn nhân” ngắn ngủi với CLB Hà Nội về việc HLV, cầu thủ Việt Nam không chú trọng đúng mức vấn đề thể lực, đặc biệt là tập gym; cựu HLV đội tuyển Việt Nam và CLB TP.HCM Toshiya Miura từ quê nhà mới đây cũng lên tiếng về vấn đề này.
Các tuyển thủ Việt Nam rèn thể lực |
Ông Miura từng bị giới chuyên môn trong nước chỉ trích chỉ ưa chuộng mẫu cầu thủ to cao, thể hình vạm vỡ và lối chơi bóng dài, đi ngược với truyền thống và sở trường của người Việt Nam là khéo léo, kỹ thuật. Cũng như vị chuyên gia người Uruguay của CLB Hà Nội, HLV Nhật Bản cho rằng: “Mỗi HLV trên thế giới đều có quan điểm dùng người khác nhau. Với tôi, bóng đá là môn thể thao đối kháng và hơn thế, nó còn là một môn tập thể có tới 11 người. Tức HLV phải dung hòa được hai yếu tố đối kháng và tập thể. Một cầu thủ khỏe là chưa đủ, mà cả 11 cầu thủ cần nền tảng thể lực ngang nhau”.
Nhà cầm quân từng bị “bầu” Đức (khi ấy là Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF) quyết liệt chấm dứt hợp đồng 2 tháng trước thời hạn, hỏi ngược lại: “Chúng ta hay nói về kỹ thuật, nhưng bao nhiêu người hiểu đúng về khái niệm kỹ thuật?”. Ông giải thích: “Kỹ thuật bóng đá không chỉ là chuyện đảo chân, rê dắt qua người mà bắt đầu từ những thứ hết sức cơ bản, như chạm một, chuyền bóng và sút bóng”. Và ông Miura khẳng định: “Kỹ thuật hay chiến thuật bóng đá đều bắt nguồn từ nền tảng thể lực. Bạn phải đủ khỏe thì mới có thể tỉnh táo tới những giây cuối cùng. Chỉ có tỉnh táo mới giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn, nhất là khi trận đấu đi về những phút cuối”. Để minh chứng những phút cuối trận là thời gian các cầu thủ dễ mắc sai lầm nhất vì xuống sức, ông dẫn chứng trận gặp Iraq ở Mỹ Đình tại vòng loại thứ hai World Cup 2018 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam dẫn 1-0 đến tận phút bù giờ, Công Vinh (được HLV Miura đánh giá là cầu thủ dẻo dai, bền bỉ và sung mãn nhất) có cơ hội dốc bóng và đối mặt thủ môn Iraq để quyết định trận đấu, nhưng vì thể lực đã cạn kiệt nên kết thúc không tốt, và Việt Nam bị gỡ hòa sau đó vì sai lầm của hàng phòng ngự.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải, cựu danh thủ Thể Công, đúc kết: “Nghệ thuật của bóng đá là nghệ thuật của thể lực”, bởi không có thể lực sẽ không có gì cả, không chạy chỗ, giữ cự ly đội hình, bứt tốc hay kèm người. Phải có thể lực tốt mới có chuyên môn tốt được”. Rõ ràng, song song với việc phát triển kỹ, chiến thuật, yếu tố thể lực là nền tảng, bởi bóng đá là mối liên hệ khăng khít giữa thể lực, kỹ chiến thuật, tư duy.
Với bóng đá châu Âu, các thông số của mỗi cầu thủ trong một trận đấu đều được ghi nhận chi tiết như: chạy bao nhiêu, thực hiện bao nhiêu đường chuyền, thường xuất hiện ở khu vực nào trên sân... Qua đó giúp cho HLV, chuyên gia thể lực và những người làm chuyên môn có cái nhìn chính xác và đưa ra các bài tập để nâng cao, hoàn thiện cho từng cầu thủ. Đáng tiếc, sau tròn 20 năm lên chuyên nghiệp và đã bước vào thời 4.0 bóng đá Việt Nam vẫn chưa làm được điều này.
Để khẳng định mình cũng ưu ái các cầu thủ có phẩm chất kỹ thuật chứ không chỉ sức vóc, HLV Miura dẫn chứng việc sử dụng Phi Sơn: “Phi Sơn có thể hơi rườm rà nhưng bản năng của cậu ấy là sự bùng nổ. Những thứ thuộc về động tác thì uốn nắn được nhưng bản năng là thứ không HLV hay trường lớp nào dạy được”. |
Phương Duy