Sau khi lập kỷ lục 3 năm lên 3 hạng, chỉ trong vòng 10 năm xuất hiện ở sân chơi cao nhất, Hà Nội FC đã vượt mặt tất cả trở thành CLB giàu thành tích nhất với 4 chức vô địch V.League, 4 ngôi á quân và 1 lần hạng 3.
[links()]Sau khi lập kỷ lục 3 năm lên 3 hạng, chỉ trong vòng 10 năm xuất hiện ở sân chơi cao nhất, Hà Nội FC đã vượt mặt tất cả trở thành CLB giàu thành tích nhất với 4 chức vô địch V.League, 4 ngôi á quân và 1 lần hạng 3.
Duy Mạnh và Quang Hải trở thành tương lai của Hà Nội FC. |
Yếu tố đầu tiên và quyết định đưa đội bóng thủ đô trở thành “đế chế” của bóng đá Việt Nam là vai trò của “ông bầu” Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)… Ngoài việc thừa thãi tiềm lực tài chính phục vụ cho tình yêu bóng đá (trong khi hiện hầu hết các doanh nghiệp nhảy vào bóng đá đều đã “bỏ của chạy lấy người” hoặc ngãng ra thì “bầu” Hiển vẫn đầu tư, tài trợ cùng lúc cho 4 đội bóng ở V.League và 1 đội hạng nhất), ông Hiển thực sự nghiêm túc với niềm đam mê sân cỏ.
Nếu “bầu” Kiên (Hà Nội ACB), “bầu” Trường (V.Ninh Bình), “bầu” Long (Hào Phát)… “khởi nghiệp” bóng đá ngay từ sân chơi đỉnh cao bằng cách mua luôn một đội bóng ở V.League, thì “bầu” Hiển bắt đầu từ giải phong trào với đội bóng hạng 3. Những mùa đầu lên chuyên nghiệp, Hà Nội T&T cũng vung tiền chiêu mộ ngôi sao mà điển hình là 2 bản hợp đồng “bom tấn” với thủ môn Dương Hồng Sơn (cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2007) và tiền đạo Lê Công Vinh (tác giả bàn thắng quyết định vào lưới Thái Lan mang về chức vô địch cho Việt Nam ở giải đấu này). Nhưng “bầu” Hiển sớm ý thức “có thể mình đạt được một lần trên đỉnh cao nhưng để bảo vệ được thành tích là chuyện không hề đơn giản. Để CLB có sự phát triển bền vững và lâu dài, đào tạo trẻ phải là cái nôi, cái gốc” (lời Chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội), CLB đã sớm bắt tay vào công tác này bằng cách kết hợp với Sở Thể dục - thể thao Hà Nội và lò đào tạo của anh em nhà Văn Sĩ của Nghệ An. Những tài năng Quang Hải, Hùng Dũng, Văn Kiên, Đức Huy, Duy Mạnh, Văn Hậu... hôm nay chính là thành quả của quá trình “đãi cát tìm vàng” nhiều năm. Thực tế, 3 mùa bóng gần đây Hà Nội hầu như không cần mua sắm cầu thủ, nhưng khác với HAGL họ không chỉ đảm bảo sức mạnh mà còn “lợi hại” hơn bởi cách dùng người. Không nôn nóng, gặt lúa non mà cài cắm lứa cầu thủ trẻ với sự dìu dắt của các đàn anh, cựu binh như: Thành Lương, Văn Quyết để từng bước trưởng thành.
Cũng hoàn toàn khác với HAGL của “bầu” Đức, Hà Nội của “bầu” Hiển rất khôn ngoan và cả may mắn trong tuyển mộ ngoại binh. Không lấy thứ làng nhàng, đã mua thì mua hàng chất lượng cao, tên tuổi và trình độ đã được kiểm chứng. Thực tế những Cristiano, Gonzalo, Hoàng Vũ Samson, Moses, Oseni đều “đắt xắt ra miếng”, “đáng đồng tiền bát gạo”.
Với lực lượng đồng đều, đội hình có chiều sâu, Hà Nội cũng kiên định với lối chơi dựa trên khả năng kiểm soát bóng, kỹ thuật đã được định hình từ “kiến trúc sư” Phan Thanh Hùng, qua đó trở thành đội bóng có bản sắc rõ rệt nhất của bóng đá Việt Nam.
Có thể nói, không chỉ bằng những danh hiệu mà nhà tân vô địch V.League 2018 còn là hình mẫu của mô hình chuyên nghiệp trong quản lý, đào tạo và xây dựng đội ngũ CĐV. Con đường họ đi được xây trên nền móng khá vững cùng tầm nhìn và tiềm lực của ông chủ đội bóng.
Đông Kha
Bài cuối: Đã đến lúc nâng cấp tham vọng