Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ phóng của Triều Tiên: Các lãnh đạo quân sự Hàn - Mỹ thảo luận về diễn biến mới

08:05, 04/05/2022

Sáng 4-5, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) - Tướng Won In-choul đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) - Tướng Paul LaCamera, trao đổi về những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên.

* Mỹ muốn Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu về trừng phạt Triều Tiên trong tháng 5

Sáng 4-5, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) - Tướng Won In-choul đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) - Tướng Paul LaCamera, trao đổi về những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên.

Hình ảnh vụ phóng vật thể bay của Triều Tiên được đăng phát trên kênh truyền hình của Hàn Quốc ngày 4/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Hình ảnh vụ phóng vật thể bay của Triều Tiên được đăng phát trên kênh truyền hình của Hàn Quốc ngày 4-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã tái khẳng định các nỗ lực nhằm đảm bảo một thế trận phòng thủ phối hợp vững chắc.

Trước khi diễn ra cuộc hội đàm trực tuyến nói trên, cùng ngày, Triều Tiên đã phóng một vật thể bay chưa xác định ra vùng biển phía Đông nước này. Trong một thông báo gửi tới báo giới ngày 4-5, JCS nêu rõ: "Quân đội của chúng tôi đang theo sát các diễn biến liên quan nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra vụ phóng tiếp theo. Các binh sĩ đang trong tư thế sẵn sàng".

Phía Hàn Quốc cho rằng, vật thể bay trong vụ phóng này là một tên lửa đạn đạo, được phóng đi từ sân bay Sunan ở Bình Nhưỡng lúc 12 giờ 3, ngày 4-5 giờ địa phương - tức 10 giờ 3 cùng ngày giờ Việt Nam. Theo JCS, vật thể đã bay xa 470km và đạt độ cao tối đa 780km với vận tốc Mach 11. Các cơ quan tình báo của Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục phân tích chính xác về các thông số cụ thể.

Cùng ngày, Nhật Bản cũng nhận định vật thể bay nói trên là một tên lửa đạn đạo, đạt độ cao tối đa khoảng 800km và bay xa khoảng 500km trước khi rơi xuống khu vực biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã lên án vụ phóng của Triều Tiên, cho rằng động thái này đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu. Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc cũng chỉ trích hành động này của Bình Nhưỡng, kêu gọi nước này dừng ngay các vụ phóng thử và quay trở lại bàn đàm phán.

Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên được tiến hành chỉ vài ngày trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống mới của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Tổng thống đắc cử Hàn Quốc luôn khẳng định chính quyền của ông sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Mỹ cũng đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tiến hành bỏ phiếu trong tháng 5 về tăng cường trừng phạt Triều Tiên liên quan đến việc nối lại những vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Đây là vụ phóng vật thể bay thứ 14 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay. Ngày 24-3 vừa qua, Triều Tiên cũng đã phóng thử một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới mà nước này đặt tên là Hwasong-17. Vụ phóng thử này cũng được tiến hành tại khu vực gần Sunan, đạt các thông số lớn nhất từ trước đến nay về cả thời gian bay và độ cao.

Trong lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Quân đội cách mạng nhân dân Triều Tiên (KPRA) tối 25-4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có bài phát biểu khẳng định quyết tâm "tăng cường và phát triển" năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng với "tốc độ nhanh nhất".

* Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield ngày 3-5 cho biết, Washington mong muốn HĐBA bỏ phiếu trong tháng 5 về tăng cường trừng phạt Triều Tiên liên quan việc nối lại những vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Phát biểu với báo chí về khả năng Mỹ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu về Triều Tiên ngay trong tháng 5 khi Washington giữ cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, bà Thomas-Greenfield nói: “Kế hoạch của chúng tôi là thúc đẩy nghị quyết đó ngay trong tháng này. Chúng tôi rất quan ngại về tình hình".

Tháng trước, Mỹ đã chuyển một dự thảo nghị quyết cho 15 nước ủy viên HĐBA LHQ về việc cấm xuất khẩu thuốc lá và cắt giảm một nửa xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên, cũng như đưa nhóm tin tặc Lazarus vào “danh sách đen”. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã tỏ thái độ phản đối việc thắt chặt trừng phạt Triều Tiên. Nghị quyết của HĐBA LHQ đòi hỏi phải được ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không bị phiếu phủ quyết nào từ 5 nước ủy viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

TTXVN

Tin xem nhiều