Báo Đồng Nai điện tử
En

EP thông qua các biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc

06:11, 17/11/2017

Ngày 16/11, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một luật mới cho phép Liên minh châu Âu (EU) "tự do hơn" về mặt pháp lý trong việc thắt chặt các rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Ngày 16/11, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một luật mới cho phép Liên minh châu Âu (EU) "tự do hơn" về mặt pháp lý trong việc thắt chặt các rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Toàn cảnh một cuộc họp Nghị viện châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh một cuộc họp Nghị viện châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Được thông qua với tỷ lệ áp đảo 554 phiếu thuận và 48 phiếu chống, luật trên sửa đổi những quy định về hành vi bán phá giá và trợ giá của các nước thứ ba, và cho phép các cơ quan điều tra xem xét các tiêu chuẩn lao động và môi trường khi áp thuế nhập khẩu.

Dự kiến, các biện pháp mới của EU sẽ chính thức có hiệu lực trước cuối năm nay.

Trước cuộc bỏ phiếu, Ủy viên Thương mại châu Âu Cecilia Malmstroem cho biết luật mới "sẽ đảm bảo ngành công nghiệp của EU được trang bị tốt để ứng phó với hành vi cạnh tranh không công bằng."

Phía Trung Quốc đã chỉ trích các biện pháp mới của EU không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng các biện pháp trên "gây tổn hại nghiêm trọng" hệ thống luật chống bán phá giá của WTO, đồng thời kêu gọi EU tôn trọng các luật lệ thương mại quốc tế.

Trong các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc vào năm 2001 có nội dung quy định rằng các nước thành viên có thể không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường trong 15 năm.

Theo đó, EU và các thành viên lớn thuộc WTO có quyền đơn phương thiết lập nhanh các quy định chống bán phá giá khắt khe mà không vi phạm quy định của WTO.

Điều luật mới của EU được đưa ra trong bối cảnh thời hạn 15 năm nói trên đã kết thúc vào cuối năm 2016 và Bắc Kinh đã lên tiếng yêu cầu các nước thành viên WTO công nhận nước này là nền kinh tế thị trường./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều