Báo Đồng Nai điện tử
En

Trung Phi tiếp tục hỗn loạn sau khi Tổng thống lâm thời từ chức

01:01, 12/01/2014

Ngày 11/1, cựu Tổng thống lâm thời Cộng hòa Trung Phi Michel Djotodia đã đến Benin sau khi phải từ chức do không thể ngăn chặn tình trạng bạo lực phe phái đẫm máu tại nước này.

Ngày 11/1, cựu Tổng thống lâm thời Cộng hòa Trung Phi Michel Djotodia đã đến Benin sau khi phải từ chức do không thể ngăn chặn tình trạng bạo lực phe phái đẫm máu tại nước này.

Ngoại trưởng Benin Nassirou Bako cho biết Chính phủ nước này đã chấp nhận yêu cầu của các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế các nước Trung Phi (ECCAS), cho phép ông Djotodia đến Benin.

Một khu chợ ở thủ đô Bangui. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một khu chợ ở thủ đô Bangui. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước đó, ngày 10/1, ông Djotodia và Thủ tướng Nicolas Tiengaye đã tuyên bố từ chức tại hội nghị đặc biệt về Cộng hòa Trung Phi của ECCAS diễn ra ở thủ đô Ndjamena của Cộng hòa Chad.

Các cuộc đàm phán nhằm quyết định một ban lãnh đạo mới của Cộng hòa Trung Phi sẽ diễn ra tại thủ đô Bangui của nước này.

Quốc hội lâm thời Trung Phi dự kiến họp phiên khẩn cấp vào ngày 13/1. Chủ tịch Quốc hội lâm thời, Alexandre Ferdinand Nguendet sẽ tạm thời đứng đầu nhà nước trong 15 ngày.

Trong khi đó, bạo lực vẫn diễn ra ở thủ đô Bangui làm ít nhất năm người thiệt mạng, nhiều nơi nạn cướp phá đang hoành hành.

Trước tình hình trên, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Trung Phi, Babacar Gaye kêu gọi người dân kiềm chế. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng yêu cầu Liên minh châu Phi cung cấp quân để giúp ngăn chặn "cuộc khủng hoảng tồi tệ" ở Trung Phi.

Trong khi đó, Tổ chức di trú quốc tế ngày 11/1 đã bắt đầu chở khẩn cấp hàng nghìn người nước ngoài ở Trung Phi theo yêu cầu của các nước láng giềng.

Cộng hòa Trung Phi rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng Ba năm ngoái và ông Djotadia lên làm Tổng thống lâm thời.

Mặc dù đã chính thức giải tán quân nổi dậy, song ông Djotadia vẫn không thể ngăn chặn các vụ bạo loạn do nhóm này gây ra.

Gần 1 triệu người, tương đương 1/5 dân số, đã phải đi lánh nạn. Tính riêng trong tháng 12 vừa qua, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người./.
 

(TTXVN)

 

Tin xem nhiều