Báo Đồng Nai điện tử
En

Người nghèo, doanh nghiệp phá sản sẽ được ngân hàng xóa nợ trong trường hợp nào?

09:06, 03/06/2021

Phó giám đốc NHCSXH chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường cho biết: Ngày 11-3-2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ rủi ro tại NHCSXH, quyết định có hiệu lực từ ngày 19-5. Theo đó, nhiều người nghèo, mất khả năng lao động vĩnh viễn hay doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản sẽ được xem xét xóa nợ.

Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường. Ảnh: Kim Liễu
Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường. Ảnh: Kim Liễu

Giải đáp thắc mắc của bạn đọc về một số trường hợp được xóa nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định mới của Chính phủ, Phó giám đốc NHCSXH chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường cho biết:

Ngày 11-3-2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ rủi ro tại NHCSXH, quyết định có hiệu lực từ ngày 19-5. Theo đó, nhiều người nghèo, mất khả năng lao động vĩnh viễn hay doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản sẽ được xem xét xóa nợ.

* Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ rủi ro tại NHCSXH theo hướng có lợi cho người vay, cụ thể là những quy định nào, thưa ông?

- Trước ngày 19-5-2021, cơ chế xử lý nợ rủi ro của NHCSXH được quy định trong Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28-7-2010 của Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH, tuy nhiên trong quá trình triển khai đã có phát sinh một số nguyên nhân khách quan khác cần được bổ sung. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg với nhiều quy định sát với tình hình thực tế, theo hướng có lợi cho người vay.

Cụ thể như quy định rõ thời gian xem xét, xử lý rủi ro từng đợt tối đa là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị thẩm định, phê duyệt hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro phải triển khai nhanh chóng, kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Ngoài ra, còn cụ thể hóa và bổ sung một số nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro để được xem xét, xử lý nợ, đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn triển khai tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng vay vốn khắc phục kịp thời khó khăn khi gặp rủi ro làm thiệt hại đến tài sản, vốn…

Ngoài ra, Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg đã cụ thể hóa và quy định chi tiết hơn về hồ sơ, thẩm quyền xác nhận trên hồ sơ pháp lý nhằm đảm bảo hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro được thiết lập chặt chẽ, chi tiết đến từng món nợ bị rủi ro, đảm bảo việc xử lý rủi ro chính xác, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.

* Thưa ông, theo quy định mới, những trường hợp nào người vay được xem xét xóa nợ?

- Trong Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg, Điểm b, Khoản 3, Điều 6 Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg về điều kiện xóa nợ được sửa đổi thành: “Tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn không có khả năng trả nợ và thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được xem xét xóa nợ (gốc, lãi)”, cụ thể: Khách hàng sau khi hết thời gian khoanh nợ mà vẫn không có khả năng trả nợ và NHCSXH đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi nhưng không thu được nợ. Tất cả các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn đều bị rủi ro do một trong các nguyên nhân nêu tại Khoản 4, Điều 5 quy chế này (khách hàng vay vốn là cá nhân hoặc có thành viên khác trong hộ gia đình - là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung tại thời điểm khách hàng đề nghị xử lý rủi ro - mắc bệnh tâm thần; mắc bệnh hiểm nghèo; mắc bệnh khác dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên; chết hoặc bị tuyên bố là đã chết; bị tuyên bố mất tích). Khách hàng vay vốn bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể theo quy định của pháp luật. Các khoản nợ nhận bàn giao từ Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Kho bạc Nhà nước đã được NHCSXH áp dụng mọi biện pháp thu hồi nhưng không thể thu hồi được; các khoản nợ bị chiếm dụng mà người chiếm dụng chết, mất tích và không còn tài sản để trả nợ.

Quy định mới về việc xóa nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội có lợi hơn cho người nghèo, những doanh nghiệp thuộc đối tượng được vay vốn. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất). Ảnh: Kim Liễu
Quy định mới về việc xóa nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội có lợi hơn cho người nghèo, những doanh nghiệp thuộc đối tượng được vay vốn. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất). Ảnh: Kim Liễu

* Doanh nghiệp và cá nhân thuộc diện được xóa nợ phải làm các thủ tục gì để được hưởng chính sách này?

- Khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan đủ điều kiện xem xét xóa nợ, cá nhân, doanh nghiệp vay vốn cần thực hiện một số thủ tục sau:

Khách hàng vay vốn phải có đơn đề nghị xử lý nợ bị rủi ro, trong đó nêu rõ: nguyên nhân dẫn đến rủi ro không trả được nợ, mức độ thiệt hại về vốn và tài sản, khả năng trả nợ, số tiền gốc và lãi đang còn nợ ngân hàng, số tiền gốc và lãi xin xóa nợ.

Trường hợp khách hàng chết, mất tích, vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 2 năm liền trở lên đã hết thời gian khoanh nợ; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; mất năng lực hành vi dân sự; mắc bệnh tâm thần mà không còn các thành viên cùng tham gia ký kết hợp đồng vay vốn và trường hợp khách hàng bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể theo quy định của pháp luật thì không cần phải có đơn đề nghị.

Việc xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn. Ngoài đơn đề nghị xử lý rủi ro, tùy từng trường hợp khách hàng cung cấp thêm các giấy tờ, hồ sơ phù hợp theo quy định.

* Theo ông, quy định mới về xử lý nợ rủi ro này sẽ tác động như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay?

 - Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg không chỉ xử lý cho những khoản nợ hiện tại tồn đọng mà đây là giải pháp giải quyết lâu dài sau này. Quy định mới về việc xóa nợ của NHCSXH có lợi hơn cho người nghèo, những doanh nghiệp thuộc đối tượng được vay vốn tại đây. Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong quyết định này nhằm đảm bảo đủ căn cứ pháp lý khi xử lý nợ rủi ro phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm sự công bằng, minh bạch, qua đó hỗ trợ người vay vốn ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất và trả nợ cho NHCSXH.

* Xin cảm ơn ông!

Theo NHCSXH chi nhánh Đồng Nai, tính đến ngày 30-5, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh là hơn 3.034 tỷ đồng với hơn 109 ngàn khách hàng vay vốn đang còn dư nợ; trong đó nợ quá hạn, nợ khoanh là 6,792 tỷ đồng, chiếm 0,224% tổng dư nợ (gồm: nợ quá hạn 6,711 tỷ đồng, chiếm 0,221%; nợ khoanh 81 triệu đồng, chiếm 0,003%). Với quy định mới trong Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg, qua rà soát, phân tích đánh giá các khoản vay bị rủi ro hiện nay đang phát sinh “nợ xấu” với dư nợ khoảng 600-700 triệu đồng là đủ điều kiện thiết lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro để trình hội đồng quản trị xem xét, phê duyệt.

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích