Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẵn sàng thích ứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

09:01, 02/01/2019

Đoàn công tác của Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa tiến hành khảo sát, đánh giá khả năng thích ứng nghề nghiệp trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lao động nữ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh.

Đoàn công tác của Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa tiến hành khảo sát, đánh giá khả năng thích ứng nghề nghiệp trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lao động nữ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh.

TS.Lê Thị Tường Vân (phải) tìm hiểu thông tin về lao động nữ thông qua cán bộ Công đoàn tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
TS.Lê Thị Tường Vân (phải) tìm hiểu thông tin về lao động nữ thông qua cán bộ Công đoàn tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Trưởng đoàn công tác, TS.Lê Thị Tường Vân, chuyên viên chính Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết:

- Điện tử, may mặc, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch lữ hành được cho là sẽ chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, đối tượng lao động nữ ngoài nguy cơ về việc làm sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội khác như: tâm tư tình cảm, nuôi dạy con cái, an ninh trật tự…

 * Bà đánh giá thế nào về nhận thức của lao động nữ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

- Đồng Nai là một trong những địa phương tập trung đông khu công nghiệp và có lượng lao động nữ rất lớn. Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng rất nhiều lao động nữ còn rất mơ hồ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phần lớn họ chỉ quan tâm đến việc hằng ngày đi làm, tăng ca, có chút tiền dành dụm và chăm sóc con cái. Rất ít người để ý đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang len lỏi vào từng nhà máy, đang lấy đi cơ hội việc làm của nhiều lao động phổ thông.

 * Những thông tin mà cán bộ nhân sự các công ty chia sẻ với đoàn khảo sát ra sao, thưa bà?

- Tại một công ty chuyên sản xuất hàng điện tử, chúng tôi được biết trước đây doanh nghiệp này có quy mô 8 ngàn lao động, hiện chỉ còn 4,2 ngàn lao động. Tương lai họ còn muốn giảm xuống còn 2 ngàn người. Trong khi đó, sản lượng sản phẩm tăng gấp 5 lần so với trước kia, từ 100 triệu sản phẩm/năm lên 500 triệu sản phẩm/năm.

Nhiều cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp giải thích việc đưa máy móc công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất sẽ giúp họ giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chế độ cho người lao động như: tăng lương, thưởng, các loại bảo hiểm, hay đình công, lãn công…

Và sắp tới đây, công ty của họ đang có ý định nhập vào những dây chuyền máy móc không cần người điều khiển. Ngoài khâu sản xuất trực tiếp, họ còn đầu tư máy móc trong cả khâu quản lý, điều hành.

 * Nguy cơ người lao động, đặc biệt là lao động không có tay nghề mất việc làm đã rất rõ. Vậy theo bà, lao động nữ cần làm gì để thích ứng?

- Rất khó để nói được rằng người lao động, trong đó có lao động nữ cần phải được học gì, được đào tạo những kỹ năng gì để đáp ứng tối đa yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, từ đào tạo nghề đến việc làm còn một khoảng cách rất lớn. Tuy nhiên, có những kỹ năng cơ bản có thể giúp lao động nữ “tồn tại” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước tiên là phải có kiến thức phổ thông, kiến thức nền tảng, ít nhất phải tốt nghiệp THCS, THPT. Phải năng động, linh hoạt, có khả năng giao tiếp, ý thức học hỏi, kỷ luật lao động, khả năng làm việc nhóm.

Ngoài ra, ngoại ngữ và tin học là 2 yêu cầu rất quan trọng người lao động cần phải có. Người lao động cần phải hiểu trong thời buổi hiện nay không có gì là bền vững cả, phải chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng thay đổi, thích ứng.

 Xin cảm ơn bà.

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều