Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp nông dân trồng hoa màu trên đất đá

07:07, 29/07/2022

Vùng đất ấp 3, xã Phú Lợi (H.Định Quán) đá to, đá nhỏ lộ thiên trên khắp rẫy vườn. Để giúp nông dân nơi đây (chủ yếu là đồng bào dân tộc Hoa) canh tác, ông Chín Sơn (tên thật là Nguyễn Văn Sơn, 56 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) tận tình hướng dẫn nông dân trồng hoa màu trên đá.

Vùng đất ấp 3, xã Phú Lợi (H.Định Quán) đá to, đá nhỏ lộ thiên trên khắp rẫy vườn. Để giúp nông dân nơi đây (chủ yếu là đồng bào dân tộc Hoa) canh tác, ông Chín Sơn (tên thật là Nguyễn Văn Sơn, 56 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) tận tình hướng dẫn nông dân trồng hoa màu trên đá.

Ông Chín Sơn (bên trái) trao đổi với một cán bộ xã Phú Lợi, H.Định Quán, về nhận biết sâu bệnh khi cây còn nhỏ. Ảnh: Đoàn Phú
Ông Chín Sơn (bên trái) trao đổi với một cán bộ xã Phú Lợi, H.Định Quán, về nhận biết sâu bệnh khi cây còn nhỏ. Ảnh: Đoàn Phú

* Tìm đất mưu sinh

Khi 4 người con (nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất 15 tuổi) ngày càng lớn, chi phí sinh hoạt, học hành tốn kém hơn, ông Chín Sơn nhận thấy 5 sào đất ruộng ở quê (thôn 8, xã Đa Kin, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) dù vợ chồng ông cật lực trồng lúa, đồ laghim (bầu, bí, dưa leo, mướp, khổ qua…) vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình với nhiều khoản cần chi tiêu. Vì vậy, năm 2018, được bạn bè giới thiệu, ông về vùng đất H.Định Quán tìm nơi thuê đất để trồng trọt.

“Nhờ ông Chín Sơn mà tôi vừa có thời gian chăm sóc ông bà nội bệnh tật, vừa lo được cuộc sống bản thân khi nhà chỉ có 1,2ha đất” - nông dân THOÒNG SỦI SÁNG (ngụ ấp 3, xã Phú Lợi) bộc bạch.

Đứng trước những khu đất đẹp, thích hợp với điều kiện để phát huy tay nghề trồng laghim, ông Chín Sơn cũng đành lắc đầu tiếc nuối bỏ đi vì giá thuê đất quá cao. Vô tình ông gặp được một đồng bào người Hoa tốt bụng chỉ cho khu rẫy đá 1,4ha của 12 người Hoa ở tổ 7, ấp 3, xã Phú Lợi đang bỏ hoang với giá cho thuê chỉ 4 triệu đồng/sào/năm. Vậy là ông đồng ý.

Ông Chín Sơn kể, khi bắt tay vào dọn dẹp khu đất, những cây bụi được dọn sạch thì lồi ra toàn đá. Tuy vậy, ông vẫn không nản chí khi cho rằng, đá sẽ giữ nhiệt cho cây khi được che mát dưới ánh mặt trời bởi những giàn bầu, bí, dưa leo, khổ qua của ông.

Phụ nữ trong ấp, xã được ông Chín Sơn tạo việc làm với tiền công 300 ngàn đồng/8 tiếng. Ảnh: Đoàn Phú
Phụ nữ trong ấp, xã được ông Chín Sơn tạo việc làm với tiền công 300 ngàn đồng/8 tiếng. Ảnh: Đoàn Phú

Tháng 8-2018, trời mưa dầm. Thời điểm đó, nông dân nơi đây ít ra vườn thăm rẫy thì vợ chồng ông Chín Sơn dầm mưa tỉa hạt, dựng giàn trồng laghim nghịch vụ. Ai thấy cũng lắc đầu ngao ngán cho rằng, tỉa hạt vào tháng mưa dầm là trái với lẽ trời nên thế nào cũng thất bại. Dù ông Chín Sơn cố giải thích, làm laghim mà theo số đông xuống giống đồng loạt, thuận vụ thì được mùa nhưng không được giá. Làm nghịch vụ năng suất chỉ bằng 2/3 so với chính vụ, sâu bệnh phát sinh nhiều nhưng nếu biết cách xử lý và giá bán nông sản gấp 4-5 lần thì mới là dân trồng laghim có kinh nghiệm.

“Nhiều lần cố gắng giải thích người dân ở đây vẫn không tin. Đến khi họ tận mắt chứng kiến cây bầu, bí, mướp, dưa leo, khổ qua của tôi kín giàn, chi chít trái dù trời mưa dầm vẫn không bị sâu bệnh thì mới tìm đến học nghề” - ông Chín Sơn bộc bạch.

* Sẵn lòng truyền bí quyết

Nông dân đầu tiên đến gặp ông Chín Sơn nhờ chỉ bí quyết xử lý hoa màu trồng nghịch vụ vào mùa mưa là anh Dín Dẩu Cường (tổ 7, ấp 3, xã Phú Lợi). Tiếp đó là các ông: Dương Xuân Minh, Lai Kinh Tuấn, Thoòng Sủi Sáng… có rẫy vườn lân cận cũng tới “học nghề”.

Nhờ sự tận tình “cầm tay, chỉ việc” của ông Chín Sơn về cách: ngâm tỉa hạt, lập giàn đúng quy cách, bón phân, xử lý thuốc đúng từng loại bệnh theo từng loại cây… nên các nông dân này đã nhanh chóng thực hành. Ngay trong vụ trồng đầu tiên, các nông dân này đã gặt hái ngay thành quả với năng suất: mướp 3-4 tấn/sào, dưa leo 5 tấn/sào, riêng bầu, bí, khổ qua đạt 7 tấn/sào trồng nghịch vụ, cho lãi từ 15-20 triệu đồng/sào.

Ông Chín Sơn (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn cho nông dân xã Phú Lợi cách thức xử lý sâu bệnh trên cây trồng khi mưa nhiều. Ảnh: Đoàn Phú
Ông Chín Sơn (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn cho nông dân xã Phú Lợi cách thức xử lý sâu bệnh trên cây trồng khi mưa nhiều. Ảnh: Đoàn Phú

Thấy đồng bào người Hoa trong ấp 3 học ông Chín Sơn trồng laghim nghịch vụ đạt năng suất cao, sâu bệnh không phát triển, nông dân ở trong và ngoài xã Phú Lợi cũng tìm tới học hỏi kinh nghiệm. Cho nên, chỉ sau 2 vụ trồng thắng lợi (6 tháng), ông Chín Sơn tiếp tục truyền bí quyết trồng hoa màu nghịch vụ cho trên 15 nông dân trong vùng.

Nông dân Thoòng Sủi Sáng bày tỏ, năm 2019, anh bắt đầu học ông Chín Sơn trồng thử 2 sào dưa leo, 3 sào khổ qua trong diện tích 1ha đất anh vừa chuyển đổi từ điều sang sầu riêng, mít, măng cụt. Vậy mà anh đã có lãi được 70 triệu đồng/5 sào/3 tháng ngay vụ đầu. Vụ tiếp theo, anh trồng bầu, bí, mướp thêm 3 sào nữa thì cho lãi trên 100 triệu đồng/8 sào.

“Khi cây công nghiệp như: tiêu, sầu riêng, mít, chôm chôm… xuất hiện trên vùng đất đá thì đồng bào Hoa mình ai cũng chê cây màu ít tiền, dễ bị sâu bệnh nên lười trồng. Từ ngày thấy ông Chín Sơn trồng laghim hiệu quả nên mới học theo, giờ nơi đây ít nhà vườn nào bỏ đất trống” - nông dân Dín Dẩu Cường tâm sự.

Không chỉ giúp cho nông dân kinh nghiệm, kỹ thuật trồng bầu, bí, dưa leo, mướp, khổ qua, ông Chín Sơn còn hướng dẫn nhà nông cách thức tiếp cận thị trường như: giá hằng ngày tại các chợ, các mối lái thu mua, độ tuổi đồng đều của trái khi thu hoạch, tránh trồng cùng loại cây mà thị trường đang trồng nhiều do thời tiết thuận lợi… để hoa màu trồng ra không bị dội chợ, rớt giá.

“Nông dân nơi đây vốn thật thà, lợi dụng sự thật thà đó có những trường hợp thương lái ép giá bà con như: mua chỉ bằng một nửa giá so với mua hoa màu của tôi, loại bỏ quá nhiều trái đẹp hoặc bắt ép bà con thu hoạch khi trái còn nhỏ làm nhà nông thua thiệt. Tôi phải chỉ cho bà con biết để đối phó với thương lái. Điều này quan trọng không thua kém việc hướng dẫn nhà nông làm đúng kỹ thuật” - ông Chín Sơn bộc bạch.

Tháng 7 gió lao xao, vùng đất đá ấp 3, xã Phú Lợi ngoài màu xanh của cây công nghiệp còn có thêm màu xanh của những giàn bầu, bí, mướp, dưa leo, khổ qua đung đưa. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lợi Trần Đình Lâm cho biết, cách làm của ông Chín Sơn là “cầm tay chỉ việc” nên nông dân dễ tiếp thu, ứng dụng. Điều quan trọng nữa là ông dù thuê đất trồng laghim nhưng vẫn nuôi được 4 con ăn học đàng hoàng. Vì vậy, ngày càng nhiều nông dân nơi đây tận dụng đất trồng cây công nghiệp để trồng hoa màu tăng thêm thu nhập, có việc làm những tháng nông nhàn.

“Do ông Chín Sơn không phải là dân địa phương nên chúng tôi chỉ thăm hỏi, động viên, không tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được. Tuy vậy, ông vẫn vui vì việc làm của ông được địa phương ghi nhận, khuyến khích, nhất là được nhà nông ghi công” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lợi TRẦN ĐÌNH LÂM cho biết.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều