Ngày nay nói đến Thành cổ Biên Hòa, mọi người nghĩ ngay đến di tích tại phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa với những tòa nhà kiểu Pháp cùng hệ thống tường, hầm, lô cốt công sự. Nhưng trong thực tế, lịch sử của Thành cổ Biên Hòa là cả một quá trình dài bắt nguồn từ lớp cư dân cổ xưa sinh sống, lao động, chiến đấu trên mảnh đất này và tiếp nối cho đến hôm nay.
Ngày nay nói đến Thành cổ Biên Hòa, mọi người nghĩ ngay đến di tích tại phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa với những tòa nhà kiểu Pháp cùng hệ thống tường, hầm, lô cốt công sự. Nhưng trong thực tế, lịch sử của Thành cổ Biên Hòa là cả một quá trình dài bắt nguồn từ lớp cư dân cổ xưa sinh sống, lao động, chiến đấu trên mảnh đất này và tiếp nối cho đến hôm nay.
Biệt thự trong di tích Thành Biên Hòa vừa được trùng tu. |
Cần có sự phân biệt giữa quần thể kiến trúc Thành cổ Biên Hòa với di tích Thành Biên Hòa (đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 876/QĐ/UBND ngày 21-3-2008). Bởi 2 kiến trúc này khác nhau về quy mô, thời điểm xây dựng, lối kiến trúc và cả công năng.
* Khẳng định vị trí quan trọng của Biên Hòa
Theo Gia Định thành thông chí (tác giả Trịnh Hoài Đức), khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hửu Cảnh dựng dinh Trấn Biên, lỵ sở trấn Biên Hòa đặt ở thôn Phước Lư (nay là phường Quyết Thắng). Do khu vực này thường xảy ra lụt lội vào mùa mưa nên đến năm Gia Long thứ 15 (năm 1816) lỵ sở được dời về khu gò đồi thấp ở thôn Bàn Lân. Năm 1834, vua Minh Mạng cho đắp Thành Biên Hòa, ban đầu chỉ đắp bằng đất, năm 1837 thành được xây bằng đá ong. Nhưng điều đáng chú ý, Thành Biên Hòa không phải được xây mới mà được xây dựng trên nền thành cũ của người Lạp Man, chính vì vậy còn có tên là Thành Cựu. Minh Mạng chính yếu có viết: “Tỉnh này trước kia cũng có thành và hào. Nay khâm mạng nhà vua phái Đoàn Văn Phú trình tấu lên để thi hành”.
Thành cổ Biên Hòa là quần thể di tích kiến trúc quân sự minh chứng lịch sử hào hùng của con người xứ Đồng Nai trong suốt quá trình phát triển. Những kiến trúc còn sót lại của di tích Thành Biên Hòa rất cần được bảo tồn và tôn tạo để những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc mà bản thân của di tích chứa đựng không bị mai một theo thời gian và khai thác triệt để hệ giá trị vốn có; không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu mà giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước. |
Quan khâm sai Đoàn Văn Phú đã chọn 1 ngàn dân trong hạt đắp thành vào tháng 6-1834. Cả 4 mặt thành đều dài 70 trượng (khoảng gần 300m), cao 4 thước 3 tấc (1,82m), tường thành dày 1 trượng (4,24m). Thành có 4 cửa, xung quanh có hào rộng 2 trượng (8,48m), sâu 6 thước (2,54m). Mặt chính của Thành Biên Hòa quay về hướng tây - nam, được án ngữ bởi sông Đồng Nai - đường thủy duy nhất nối Biên Hòa và Sài Gòn; phía sau thành là hướng núi Bửu Long, mặt hông là đường thiên lý (nay là quốc lộ 1K) - con đường bộ duy nhất đi kinh thành Huế. Ngoài ra, ở khu vực núi Châu Thới có đồn Mỹ Hòa với 3 ngàn quân đóng giữ.
Đến khi đắp lại bằng đá ong vào năm 1837, ngoài nới rộng chu vi thành (lên 1.645m), nâng độ cao của thành (lên 3,6m), mở rộng hào gấp đôi (gần 17m) và xây dựng 4 cầu bằng đá bắc ngang qua hào ở 4 cửa để lưu thông, thành còn được xây dựng thêm kỳ đài (cột cờ). Diện tích khuôn viên thành tính cả hào nước lên đến hơn 18 hécta. Trên sông Đồng Nai từ ngã ba Nhà Bè đến trước cửa thành có 9 cản gỗ đóng cừ, 1 cản đá hàn, 2 bên bờ sông còn có một số pháo đài nhỏ bố trí súng thần công, dưới sông có thuyền chứa chất cháy dùng đánh hỏa công. Việc thay đổi kiến trúc thành từ bằng đất sang đá ong, mở rộng diện tích, tăng cường phòng thủ cho thấy triều đình Nguyễn có sự đánh giá cao vị trí của Biên Hòa. Thành Biên Hòa được xem là công trình kiến trúc quân sự lớn thứ nhì ở Nam bộ, chỉ sau thành Gia Định (nay thuộc TP.Hồ Chí Minh).
Biên Hòa sử lược (tác giả Lương Văn Lựu) viết, sau khi chiếm Biên Hòa ngày 17-12-1861, quân đội Pháp đã tiến hành xây dựng lại Thành Biên Hòa, thu hẹp phạm vi thành chỉ còn 1/8 so với trước. Hào phía đông bị lấp lại, một phần tường thành bị phá bỏ xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương trong khuôn viên dành cho sĩ quan cao cấp. Thành lúc này được quy hoạch gần vuông theo lối Vauban (tên viên kỹ sư người Pháp đã xây dựng 33 thành, tu sửa 300 đồn lũy được mệnh danh là “bất khả xâm phạm”). Thực chất, thành Biên Hòa lúc này như một “trại lính cao cấp” dành cho quân đội Pháp, nên có tên gọi là thành Soldat, hay thành Xăng đá theo phiên âm của người Việt. Mỗi sáng, người lính trực nơi đây thổi kèn báo thức nên người dân địa phương còn gọi là Thành Kèn.
Theo bình đồ (Plan des rapides de Bien Hoa) do 3 kỹ sư thủy quân: Manen, Vidalin, Héraud đo đạc năm 1862-1863, Thành Biên Hòa có kỳ đài nằm ở gần tim cửa nam thành phía nhìn ra sông Đồng Nai. Đến năm 1879, Thành Biên Hòa hầu như thay đổi hết. Thành có hình vuông, giữa mỗi cạnh là một vòng cung nên từ trên cao nhìn như hình hoa mai 8 cánh, nội thành có 10 công đường chính. Một con đường mới được mở từ bờ sông chạy đến cổng thành tên là Boulevard Citadelle (đại lộ thành trì, nay là đường Phan Chu Trinh), trồng rất nhiều cây phượng vĩ. Các hào nước bị lấp lại và xây nhiều lô cốt, trại lính xung quanh.
Đến nay, một số kiến trúc xây dựng giai đoạn này vẫn còn dù đã hoang tàn, phải trùng tu. Cụ thể, đó là khu biệt thự dành cho các sĩ quan cao cấp, một kiến trúc lầu, một đoạn tường thành, lô cốt ở phía đông.
* “Nhân chứng” của nền văn hóa Biên Hòa
Năm 2012, bộ Môn Khảo cổ học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai (nay là Ban Quản lý di tích Đồng Nai) tiến hành khảo sát hiện trường tại Thành Biên Hòa. Kết quả khảo sát hé lộ nhiều điều thú vị, góp phần khẳng định nguồn gốc lịch sử của Thành Biên Hòa.
Trong tổng số 3.277 tiêu bản có giá trị thu thập được bên trong và ven thành, số hiện vật là đồ gia dụng chiếm đến 98,1% thuộc các thời kỳ lịch sử và nguồn cội văn hóa khác nhau. Có 1.324 mảnh gốm thuộc thời Cổ sử như: cà ràng (bếp lò), bàn xoa tạo hình gốm, các miệng gốm, thân gốm; có 324 tiêu bản là đồ sành và gốm mộc - gốm tráng men thời Trung - cận đại như: chum vại, vò, hũ, ấm tráng men, đĩa đất nung, tô, chén, hũ tráng men vẽ men lam. Đặc biệt, nhóm khảo sát cũng phát hiện tiêu bản là ngói diềm có trang trí hình lá đề cách điệu và một mảnh vòng rất cứng màu trắng đục, có thể là ngà voi.
Phân tích bằng phương pháp định tuổi bằng carbon C14 cho thấy một số hiện vật có độ tuổi khoảng 1.450 (sai số 40 năm). Kết quả này phản ánh giai đoạn đầu tiên của lớp người cư trú nơi đây tương ứng với giai đoạn truyền thống văn hóa Óc Eo phát triển ở Nam bộ.
Từ kết quả các di tồn văn hóa cổ thu thập được cho thấy, ở cương vực Thành cổ Biên Hòa và vùng ven có ít nhất 3 thời kỳ cư trú lớn. Xưa nhất, đây là nơi cư trú của cư dân thời Cổ sử thuộc truyền thống văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo mà minh chứng là cà ràng - dụng cụ gia đình tiêu biểu của thời này (từ thế kỷ thứ 6-7 trở đi) cũng rất giống với cà ràng được tìm thấy ở di tích khảo cổ học Cầu Hang và cà ràng vớt được dưới lòng sông Đồng Nai hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. Đặc biệt, những mảnh diềm ngói hình lá đề trang trí hình Phật xuất hiện ở vùng ven thành cổ xác nhận dấu tích kiến trúc tôn giáo đương thời ở địa bàn.
Tất cả những tiêu bản thu thập được qua đợt khảo sát chính là “bằng chứng sử đất” đáng tin cậy, xác thực cả truyền thống cư trú và sáng tạo văn hóa cổ kính và lâu đời ở vùng đất Biên Hòa trước cả thiên kỷ khi Gia Long, Minh Mạng xây thành Biên Hòa để trấn thủ. Sự hiện diện của nhiều đồ gốm sứ “ngoại nhập” từ Thái Lan, Campuchia và Nam Trung Hoa góp thêm bằng chứng về về hoạt động giao thương sôi nổi của cộng đồng cư dân bản địa.
PGS-TS.Phạm Đức Mạnh