Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Giao thông ùn tắc giờ cao điểm

08:05, 03/05/2018

Những năm gần đây, TP.Biên Hòa thường xảy ra kẹt xe ở một số khu vực, đặc biệt vào giờ cao điểm. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt  của nhiều người, mà còn ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Những năm gần đây, TP.Biên Hòa thường xuyên xảy ra kẹt xe ở một số khu vực, đặc biệt vào giờ cao điểm. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng tới giờ giấc làm việc, học hành, sức khỏe của nhiều người mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Lực lượng cảnh sát giao thông rất vất vả điều tiết giao thông ở khu vực ngã tư Amata.
Lực lượng cảnh sát giao thông rất vất vả điều tiết giao thông ở khu vực ngã tư Amata.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng kẹt xe ở đô thị loại I Biên Hòa được xác định là do phương tiện cá nhân tăng lên nhanh chóng, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu khiến thành phố ngày càng chật chội.

Có những tuyến đường, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài hàng cây số khiến việc lưu thông trở nên khó khăn. Các phương tiện phải di chuyển chậm chạp, thậm chí phải “bò” từng chút một...

* Những điểm “nóng” kẹt xe

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại ngã tư Vincom (đường Võ Thị Sáu, Phạm Văn Thuận, Phan Trung), tình trạng kẹt xe diễn ra “như cơm bữa”, nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Ở những thời điểm này, xe máy và xe ô tô chen chúc nhau. Đáng kể khi dòng xe từ đường Phan Trung (đường 5 cũ), Trương Định (đường 4 cũ) cùng đổ ra đã cắt ngang dòng xe từ ngã tư Vincom chạy về nên rất dễ xảy ra ùn tắc.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có hơn 2,1 triệu xe cơ giới, trong đó có gần 2 triệu xe máy và hơn 111 ngàn xe ô tô. So với năm 2015 tăng hơn 21 ngàn xe ô tô và khoảng 300 ngàn xe máy. Riêng phương tiện đăng ký mới là 150 ngàn xe. Đây chỉ là số phương tiện đăng ký chính thức tại Đồng Nai, còn lượng xe ngoài tỉnh lưu thông trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ dao động nhiều hơn.

Đó là chưa kể ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao. Tình trạng tài xế xe ô tô lấn sang làn xe 2 bánh thường xuyên xảy ra ở khu vực này làm dòng xe kẹt cứng, không di chuyển nổi. Những lúc như vậy, chỉ đến khi có mặt lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều tiết phương tiện đi lại thì tình hình trật tự mới được vãn hồi.

Tương tự, khu vực Vườn Mít (nút giao trước Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh) luôn là “điểm nóng” về tình trạng ùn tắc giao thông. Vào giờ cao điểm, xe ô tô khi vào khu vực này thường xuyên phải dừng lại... nằm chờ. Bởi nơi đây là nơi giao nhau của 3 tuyến đường lớn: Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc và 30-4 nên dù có đèn tín hiệu giao thông nhưng phương tiện di chuyển tại đây lúc nào cũng lộn xộn, mạnh ai nấy luồn lách để “được” đi trước.

Nguyên nhân một phần còn do khu vực này có Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường THCS Trần Hưng Đạo. Cứ vào giờ tan tầm, xe của phụ huynh dồn về dày đặc. Ngoài xe 2 bánh đậu trên đường còn có rất nhiều ô tô đậu bừa bãi khiến lòng đường phía trước 2 trường học trở nên chật hẹp.

“Đó là chưa kể, mỗi lần kẹt xe, nhiều phụ huynh còn vô tư chạy ngược chiều, góp phần gây nên tình trạng ùn ứ giao thông. Đường hẹp, xe cộ đông nên ùn tắc là điều khó tránh khỏi. Thực tế, hàng ngày lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa đã khá vất vả để điều tiết giao thông, nếu không tình trạng ùn tắc sẽ còn căng thẳng hơn” - ông Hồ Tấn Tài (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) nhận định.

Đáng kể là ở khu vực cầu Sập (nút giao giữa quốc lộ 1 với đường Điểu Xiển, thuộc phường Tân Biên) dường như mọi thời gian trong ngày đều xảy ra ùn tắc kéo dài. Tình trạng kẹt xe ở khu vực này có khi lên đến 2-3 giờ và trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường. Những lúc đó, cả trăm chiếc xe như “chết đứng” giữa đường, không thể nhúc nhích được.

Ông Trần Đức (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Ngày nào tôi cũng chở hàng trên xe tải nhỏ đi qua khu vực cầu Sập. Nếu gặp may thì cũng mất từ 5-10 phút tôi mới thoát khỏi khu vực này. Còn giờ cao điểm có khi phải ngồi trên xe chờ cả tiếng. Thu nhập vì vậy cũng không còn bao nhiêu nên tôi rất ngại nhận chở hàng đi qua tuyến đường này”.

* Phương tiện lưu thông dày đặc

Theo ghi nhận của chúng tôi, những vị trí liên tục xảy ra ùn tắc giao thông hiện nay còn có các tuyến đường: Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, Bùi Văn Hòa... Ngoài ra còn có các nút giao ngã tư Amata, ngã ba Bình Đa, ngã ba Phát Triển (đoạn giao quốc lộ 1 với đường Hoàng Văn Bổn vào Nhà máy nước Thiện Tân)... Những khu vực này đều là các trục đường giao thông quan trọng, lưu lượng phương tiện đi lại đông đúc dẫn đến quá tải vào những giờ cao điểm.

Xe ô tô đậu kín đoạn đường trước Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường THCS Trần Hưng Đạo(TP.Biên Hòa)..jpg
Xe ô tô đậu kín đoạn đường trước Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường THCS Trần Hưng Đạo(TP.Biên Hòa)

Nhiều năm trước, TP.Biên Hòa có rất ít xe ô tô cá nhân, nhưng hiện nay phương tiện này trở nên phổ biến với nhiều gia đình. Điều đáng nói là do không có bãi đậu xe công cộng nên tại một số tuyến đường trong trung tâm thành phố như: Hưng Đạo Vương, Phan Trung, Trương Định... xe 4 bánh nối đuôi nhau dừng, đậu khá thoải mái trên lòng đường gây cản trở giao thông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình hình ùn tắc giao thông ở Biên Hòa trở nên phức tạp.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, năm 2015 toàn tỉnh có gần 90 ngàn xe ô tô, hơn 1,7 triệu xe máy. Nếu so với năm 2010, giai đoạn 2011-2015 lượng xe tăng hơn 594 ngàn phương tiện, trong đó ô tô tăng 32 ngàn chiếc (tăng 60,5% so với lượng xe ô tô của những năm trước đó), xe máy tăng 562 ngàn chiếc (tăng gần 47% so với lượng xe máy của những năm trước đó). Tính trung bình, mỗi năm Đồng Nai tăng hơn 12% xe ô tô, 9,3% xe máy.

Đặc biệt, TP.Biên Hòa hiện có hơn 1,3 triệu dân, nhưng lượng xe cộ đã gần bằng một nửa số phương tiện của tất cả các huyện và TX.Long Khánh cộng lại. Biên Hòa cũng là địa phương đứng đầu tỉnh về số lượng xe máy. Nhiều năm qua, đời sống của người dân ngày càng nâng cao nên hầu như nhà nào cũng có 1-2 chiếc xe máy. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của thành phố thời gian qua chưa theo kịp với yêu cầu phát triển, nhất là mật độ dân cư và phương tiện giao thông tăng một cách nhanh chóng.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa đã triển khai một số giải pháp để khắc phục, hạn chế phần nào tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, để giải quyết hữu hiệu vấn đề này còn cần nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn.

Thanh Hải

Bài 2: Hạ tầng giao thông chưa theo kịp

Tin xem nhiều