Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Xấy đi tìm vùng đất hứa

07:12, 05/12/2017

Thu nhập từ mấy sào ruộng khoán ở quê khiến gia đình ông Bùi Văn Xấy (hiện ngụ khu 5, ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) quanh năm thiếu trước hụt sau. Đưa gia đình vào vùng kinh tế mới ở xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), ông Xấy mất 4 năm vất vả với cây lúa vùng đất phèn để nhận ra cuộc sống ở đây còn khổ hơn ở quê nhà.

Thu nhập từ mấy sào ruộng khoán ở quê (tỉnh Hải Dương) khiến gia đình ông Bùi Văn Xấy (hiện ngụ khu 5, ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) quanh năm thiếu trước hụt sau. Đưa gia đình vào vùng kinh tế mới ở xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), ông Xấy mất 4 năm vất vả với cây lúa vùng đất phèn để nhận ra cuộc sống ở đây còn khổ hơn ở quê nhà.

Ông Bùi Văn Xấy “Khu 5” luôn trân trọng những giấy khen mà xã, huyện khen tặng ông.
Ông Bùi Văn Xấy “Khu 5” luôn trân trọng những giấy khen mà xã, huyện khen tặng ông.

Vào năm 1994, ông Xấy rủ 4 hộ đồng hương cùng đi kinh tế mới trước đây rời vùng đất phèn tỉnh Long An về vùng đất ấp Hòa Bình tìm tương lai.

* Làm lại từ con số 0

Do cuộc sống quê nhà quá khó khăn, ông Xấy và 4 hộ cùng quê có đơn xin chính quyền được đi kinh tế mới theo chính sách giãn dân của địa phương. Được địa phương chấp thuận, cả 5 hộ đều được trợ cấp tiền tàu xe và 6 tháng lương thực để về vùng đất phèn giáp biên giới Campuchia lập nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hòa Nguyễn Xuân Hòa cho hay từ chỗ tay trắng, không có cục đất chọi chim, vợ chồng ông Xấy sớm tạo dựng cuộc sống khá giả ở khu 5, ấp Hòa Bình. Không chỉ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp xã và huyện, ông Xấy còn là cán bộ chi hội, đoàn thể ấp  nhiệt huyết trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Nơi ruộng đồng thẳng cánh cò bay, nước phèn vàng mặt nước, cây lúa được ông Xấy cấy xuống ruộng, vừa ngoi lên mặt nước phèn thì trở nên còi cọc, hạt lép nhiều hơn hạt chắc. Bao nhiêu mồ hôi, tiền bạc đổ xuống đồng, vậy mà vợ chồng ông Xấy chẳng thu được bao nhiêu lúa. Sau gần chục vụ lúa như vậy, vợ chồng ông Xấy vốn nghèo lại càng nghèo khó hơn.

Chiều xuống, đứng nhìn cảnh đồng không mông quạnh, 3 đứa con thất học mà kinh tế gia đình chẳng có gì khá hơn ở quê cũ, ông Xấy bàn với 4 hộ dân đang chung sống trên bờ đê cao ở xã Hưng Điền tìm vùng đất khác để lập nghiệp. Được các hộ này đồng tình, ông Xấy 3 lần khăn gói đến ấp Hòa Bình nắm tình hình rồi mới mạnh dạn đưa 4 hộ dân cùng về.

Đến ấp Hòa Bình, 5 hộ dân chẳng hộ nào còn tiền. Vì là người dẫn đường, ông Xấy thuê được 3 sào đất của một người địa phương tên Ba Hòa để làm nhà ở và trồng trọt. Ông cũng đánh tiếng với một nông dân khác bán nợ cho 2 hộ ông Thuyết và bà Cay (gia cảnh mẹ góa con côi) 3 sào đất rẫy để chia nhau làm nhà ở, trồng trọt. Riêng 2 hộ ông Mùi và ông Đình tự thuê được đất sản xuất nên không làm phiền đến vợ chồng ông Xấy.

Đến ấp Hòa Bình hôm trước, hôm sau vợ chồng ông Xấy và 4 hộ đồng hương đã lục đục kiếm cây, tranh cất chòi. Sau khi có chỗ ở tạm, mọi người lập tức vác cuốc, rựa đi làm thuê.

Vốn có kinh nghiệm trồng các loại rau, củ, quả ở quê, vợ chồng ông Xấy biến 3 sào đất thuê của ông Ba Hòa thành những vườn rau, đậu, bầu, bí...

Năm 1994, khu vực gia đình ông Xấy thuê đất chưa có điện lưới, để rau cải, hoa màu trồng được trong mùa nắng, vợ chồng ông Xấy phải gánh từng thùng nước ở suối lên ruộng tưới.

* Thương hiệu Xấy “Khu 5”

Thấy vợ chồng ông Xấy và 2 cô con gái nhỏ cả ngày cặm cụi ngoài rẫy, bà Chín Mô (người dân địa phương) ngỏ ý bán 7 sào đất với giá 1 cây 5 phân vàng, với điều kiện vợ chồng ông phải trả trước 5 chỉ vàng, còn lại 5,5 chỉ vàng tiếp tục trả vào cuối năm.

Từ những giàn rau, củ, quả tưới bằng tay, vợ chồng ông Bùi Văn Xấy trở thành hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Từ những giàn rau, củ, quả tưới bằng tay, vợ chồng ông Bùi Văn Xấy trở thành hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Vốn ham đất sản xuất, vợ chồng ông Xấy vui mừng khi được bà Chín Mô bán đất nợ. Nhưng để có 5 chỉ vàng trả ngay, vợ chồng ông đánh liều đi vay mượn những người khá giả trong vùng với lãi suất 20%/năm. Ông Xấy bàn tính với vợ rằng tiền lãi 5 chỉ vàng vay, vợ chồng ông trả bằng cách làm công trừ nợ. Riêng số vàng còn nợ bà Chín Mô, vợ chồng ông mỗi tháng phải chắt bóp sắm cho được 1 chỉ, đến cuối năm thì trả xong.

Với cách tính đó, tiền làm thuê và bán rau, củ, quả thu hoạch được, vợ chồng ông Xấy đã dành dụm được từng chút một. Nhờ gặp may cộng thêm biết tiết kiệm, đến cuối năm 1994, vợ chồng ông Xấy đã trả hết tiền mua đất cho bà Chín Mô, đồng thời còn dư được vài chỉ vàng.

Biết vợ chồng ông Xấy chí thú làm ăn, chủ cửa tiệm điện máy ở thị trấn Trảng Bom tin tưởng bán nợ cho vợ chồng ông chiếc máy tưới D9 cùng với mấy ống dây với giá trên 1 cây vàng. Còn một người khoan giếng địa phương thì giúp đỡ vợ chồng ông Xấy bằng việc khoan nợ cho ông miệng giếng để có nước tưới rau vào mùa nắng.

Nhờ sự giúp đỡ, tin tưởng của người dân địa phương, vợ chồng ông Xấy chẳng bao lâu trả hết nợ, xây được nhà và mua thêm 2 sào ruộng.

Ông Xấy kể, chỉ trong vòng 4 năm từ bàn tay trắng khi rời vùng đất phèn vùng biên giới Việt Nam - Campuchia (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), vợ chồng ông trở thành hộ có kinh tế ổn định.

Nhờ làm kinh tế giỏi, ông Xấy được chính quyền để ý tới và mời tham gia công tác Chi hội Nông dân, Chữ thập đỏ, Khu trưởng khu 5 (ấp Hòa Bình). Cũng vì tham gia công tác xã hội và là người có uy tín, vào năm 2000 ông Xấy mạnh dạn đứng ra vận động 40 hộ dân trong Khu 5 kéo điện lưới về thắp sáng, tưới cây thay cho việc dùng đèn dầu, đèn bình, máy nổ bấy lâu nay.

Đưa chúng tôi đi thăm những xóm dân cư Khu 5, ấp Hòa Bình, ông Xấy tự hào khoe rằng vợ chồng và các con ông có được cuộc sống đủ đầy như hôm nay là nhờ vợ chồng ông và các hộ đồng hương biết chọn “đất lành” để định cư và sự giúp đỡ chí tình của người dân địa phương đối với những hộ di cư nghèo khó như vợ chồng ông.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều