Buổi tối lang thang ở thị trấn Côn Đảo, tôi không thấy bất ngờ trước những dãy hàng quán sáng choang treo bảng hiệu sặc sỡ sắc màu của các quán nhậu đặc sản, cà phê, karaoke, spa… bên cạnh các khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ đầy đủ tiện nghi.
Bài 2: Nửa đêm ở Nghĩa trang Hàng Dương
Buổi tối lang thang ở thị trấn Côn Đảo, tôi không thấy bất ngờ trước những dãy hàng quán sáng choang treo bảng hiệu sặc sỡ sắc màu của các quán nhậu đặc sản, cà phê, karaoke, spa… bên cạnh các khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ đầy đủ tiện nghi. Điều làm tôi bất ngờ là vào lúc 23 giờ, những dòng người ôm hoa quả, nhang đèn và lễ vật vào Nghĩa trang Hàng Dương đông như đang đi trẩy hội.
>>> Bài 1: Rùng mình với “địa ngục trần gian”
Đền thờ liệt sĩ Côn Đảo. |
Trong khuôn viên rộng gần 20 hécta, Nghĩa trang Hàng Dương được chia làm 5 khu với 1.921 ngôi mộ liệt sĩ. Trong số đó, chỉ có 713 mộ có tên, còn 1.208 mộ chưa tìm được danh tính. Nơi đây còn sáng hơn phố xá ngoài thị trấn nhờ những trụ đèn sử dụng năng lượng mặt trời.
* VÙI CHÔN BAO SỐ PHẬN
Theo một báo cáo gần đây của UBND huyện Côn Đảo, từ một hòn đảo không có cơ cấu kinh tế - xã hội, đến nay dân số Côn Đảo có trên 7 ngàn người, đưa hoạt động dịch vụ, phục vụ du lịch chiếm tỷ lệ 71%, công nghiệp 20%, nông nghiệp 8%. Nổi bật là Côn Đảo có đội tàu đánh cá hùng hậu 30 chiếc với tổng công suất 10 ngàn CV. Ngoài 4 mạng điện thoại di động phủ sóng, cùng mạng điện thoại cố định không dây, Côn Đảo đã kết nối internet tốc độ cao ADSL. Các hãng hàng không, như: Air Mekong, Vietnam Airlines, Vasco... hoạt động liên tục với các tuyến bay Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Trên đảo còn có taxi, xe điện hoạt động gần như suốt ngày đêm. |
Qua tìm hiểu, tôi thấy sự khác biệt của Nghĩa trang Hàng Dương so với rất nhiều nghĩa trang khác trong cả nước mà tôi từng viếng là tất cả mộ liệt sĩ ở đây đều không quy tập ngay ngắn theo hàng lối mà nằm rải rác trên các khu đất đồi, dưới những tàn cây hoặc cạnh các lối đi ngoằn ngoèo trong nghĩa trang.
Người quản trang già cho biết khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ nằm ở chỗ nào thì tổ chức ốp đá chỗ đó thành mộ nên trong Nghĩa trang Hàng Dương nơi nào cũng có mộ liệt sĩ. “Dưới chân chúng ta đang đứng, trong từng nắm đất, gốc cây của Côn Đảo còn lẩn khuất xương cốt của rất nhiều liệt sĩ...” - người quản trang già nói với giọng ngậm ngùi.
Điều này cũng rất đúng với Nghĩa trang Hàng Keo, “bãi tha ma” đầu tiên ở Côn Đảo, nơi bọn chủ ngục Pháp hành hình và vùi xác hàng ngàn tù nhân, sau đó cày lấp, trồng thành dãy rừng cây che sóng gió biển.
Những nghĩa trang này đã góp phần hình thành nên diện mạo của những vần thơ oán thán ngất trời mà tôi đọc được đâu đó khi nói về Côn Đảo: “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người” hoặc “Nghĩa trang Hàng Dương vùi chôn bao số phận/ Hết lớp này, lớp khác dập lên trên”…
* MỘT CUỐN TRUYỆN TRANH
Ngôi mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu nằm trong khu B2 đang có hàng trăm người xếp quanh cúng tế, bái lạy trong màn khói hương nghi ngút. Nhìn cây lê ki ma khẳng khiu nhưng đã có vài trái chiến trồng trước mộ chị Sáu, tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện có liên quan.
Tháng 4-1979, tôi được anh Phạm Công Toàn, biên tập viên của Phòng Xuất bản (tiền thân của Nhà xuất bản Đồng Nai, thuộc Ty Văn hóa - thông tin Đồng Nai) vừa mới thành lập, mời viết truyện tranh phục vụ Ngày Quốc tế thiếu nhi.
Nhận đề tài về chị Võ Thị Sáu, tôi cùng phóng viên Ngọc Tuấn đến Đất Đỏ (quê hương chị Võ Thị Sáu, lúc đó thuộc huyện Long Đất, tỉnh Đồng Nai, nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thu thập tư liệu. Chúng tôi đã gặp bà Võ Thị Bảy (em gái chị Sáu), ông Võ Văn Me (anh chị Sáu), Đại tá Trần Việt Thanh (người chỉ huy đầu tiên của nữ trinh sát Võ Thị Sáu trong lực lượng Công an xung phong quận Đất Đỏ)... Thậm chí, tôi tìm ngắm cho được hoa lê ki ma...
Viết phần lời xong, tôi được ông Nguyễn Văn Sâm, Phó trưởng ty phụ trách mảng văn hóa, đang là Quyền Trưởng ty thay đồng chí Sáu Khánh (Vũ Hồng Phô), mời đến trao đổi.
Ông Sâm cho rằng mở đầu truyện bằng câu: “Mùa hoa lê ki ma nở...” không đắt lắm, vì hoa của loài cây này không tiêu biểu như hoa mai, hoa đào..., mà chỉ là một giai đoạn phát triển của loài cây trồng để lấy quả là chính.
Tôi bày tỏ sự đồng tình với nhận xét của ông Sâm và thừa nhận sức lan tỏa bài hát Nhớ ơn chị Võ Thị Sáu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn quá lớn, đặc biệt là câu hát: “Mùa hoa lê ki ma nở ở quê ta miền Đất Đỏ...” cứ vang vọng trên đầu môi mọi người, tạo ra ấn tượng quá mạnh khi tôi cầm bút viết, dù rằng khi đi thực tế tôi không mấy cảm tình với loài hoa tẻ nhạt trồng rất nhiều bên cạnh giếng nước sâu hun hút trên quê hương chị Sáu.
Sau cùng, lời mở đầu “Mùa hoa lê ki ma nở...” trong truyện tranh Võ Thị Sáu vẫn xuất hiện với số lượng 60 ngàn bản cho lần in đầu đã ra mắt kịp thời cho ngày 1-6-1979 và tôi đương nhiên trở thành một trong số ít tác giả đầu tiên của Nhà xuất bản Đồng Nai.
Lần tái bản sau đó, tôi lãnh nhuận bút đủ mua một cặp nhẫn vàng tây để cưới vợ. Truyện tranh Võ Thị Sáu của cả 2 lần in tôi đều không giữ được cuốn nào, nhưng bài hát Nhớ ơn chị Võ Thị Sáu thì tôi thuộc.
* NHỮNG NGƯỜI VỊ QUỐC VONG THÂN
Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên việc có quá nhiều người đến hành hương tại Nghĩa trang Hàng Dương trong đêm, Thạch Chí Nhân, một thanh niên chính gốc Côn Đảo, đang làm hướng dẫn viên của một công ty du lịch, cho biết: “Phần lớn người đang viếng nghĩa trang đều là khách du lịch đến từ miền Bắc. Ở Côn Đảo hiện nay mỗi ngày ngoài tàu cao tốc Superdong 1 chuyến chở 306 khách, còn có 10-13 chuyến bay chở bình quân 68 khách/chuyến. Khách ra bằng máy bay thường theo từng nhóm 4-5 người. Giới trẻ hoặc dân công sở thì tranh thủ ra ngày cuối tuần, lễ bái xong thường tắm biển, câu mực, ngắm san hô, đồi mồi, mua nữ trang nạm ngọc trai…”.
Ngoài mộ chị Võ Thị Sáu, người vào Nghĩa trang Hàng Dương hành hương còn tìm đến viếng mộ cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh nằm ở khu A, cũng như lần lượt thắp nhang trên mộ các vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu, Lê Văn Việt, Nguyễn Thị Hoa và những ngôi mộ tập thể, cả mộ liệt sĩ vô danh rất trang nghiêm, thành kính.
Theo chân dòng người hành hương, tôi vào Phú Sơn tự đang suốt ngày nghi ngút khói hương. Nơi đây thờ một nhân vật xứng danh liệt nữ Việt Nam là thứ phi Phi Yến. Bà bị Nguyễn Ánh đày ra hòn Côn Lôn vì tội dám khuyên can nhà vua đừng nên mượn tay giáo sĩ Pháp Bá Đa Lộc để làm chuyện “cõng rắn cắn gà nhà”.
Hòn Côn Lôn nhỏ sau đó đã được người dân biển đảo tôn kính gọi là hòn Bà và hàng năm đều tổ chức lễ giỗ long trọng. Trên đường lên làng cổ Cỏ Ống, tôi còn theo chân đoàn hành hương ghé vào miếu Cậu thắp nhang.
Theo truyền thuyết, “Cậu” đây là hoàng tử Cải, con của thứ phi Phi Yến; vì cứ nằng nặc đòi phải rước mẹ mới chịu cùng vua cha bôn tẩu, đã bị Nguyễn Ánh cho người ném xuống biển để thị uy; được người dân lập miếu thờ...
Bùi Thuận
Bài 3: Bảo vệ chủ quyền giữa đầu sóng ngọn gió