Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện một nữ dân biểu Hạ nghị viện Sài Gòn và vị cha xứ

10:04, 23/04/2017

Trong khí thế sôi sục của những ngày cuối tháng 4-1975, cùng với những cánh quân chủ lực, bộ đội địa phương… tấn công địch dồn dập trên các mặt trận để lần lượt giải phóng từng địa phương, quân cách mạng còn sử dụng các biện pháp dân vận, binh vận khiến địch tự nguyện đầu hàng,...

Trong khí thế sôi sục của những ngày cuối tháng 4-1975, cùng với những cánh quân chủ lực, bộ đội địa phương… tấn công địch dồn dập trên các mặt trận để lần lượt giải phóng từng địa phương, quân cách mạng còn sử dụng các biện pháp dân vận, binh vận khiến địch tự nguyện đầu hàng, giúp giải phóng một số nơi địch cố thủ mà không tốn một viên đạn, tránh thương vong cho lực lượng và cả người dân địa phương.

Bài 1: Giải phóng vùng ven đô không tiếng súng

Vừa chủ trì việc thông qua Nghị quyết Tổng công kích và nổi dậy giải phóng Biên Hòa, ngay tối 16-4-1975, đồng chí Phan Văn Trang (Năm Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, lúc bấy giờ là Bí thư Thị ủy Biên Hòa) trong vai một thầy giáo đang ở trọ nhà bà Đoàn Thị Trà tại xã Tân Vạn (nay là phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) viết 4 bức thư tay gửi cho: Toàn thể quý vị thành viên Hội đồng xã Tân Vạn; Xã trưởng Tân Vạn Nguyễn Minh Đồng; Đại úy Nhuận, An ninh quân đội quận Đức Tu, đặc trách khu vực Tân Vạn và nữ dân biểu Hạ nghị viện Sài Gòn Nguyễn Thị Lý (Út Lý).

Bí thư Thị ủy Biên Hòa Phan Văn Trang.(Ảnh chụp năm 1973).
Bí thư Thị ủy Biên Hòa Phan Văn Trang.(Ảnh chụp năm 1973).

* Bức thư gửi bà dân biểu quốc hội

Với tư cách đại diện Ủy ban khởi nghĩa TX.Biên Hòa, đồng chí Năm Trang nêu rõ nội dung trong cả 4 bức thư: “Yêu cầu không được cản trở hoặc chống phá cách mạng để tránh mọi sự đổ máu và tổn thất vô ích”. 4 bức thư viết tay này, đồng chí Bí thư Năm Trang giao cho bà Tư Yến (Lê Thị Ngọc Yến), một cơ sở nội thành hết sức tin cậy của Thị ủy Biên Hòa, chuyển gấp đến người nhận. Trong đó, bức thư gửi cho “bà dân biểu Út Lý”, đồng chí Năm Trang căn dặn bà Tư Yến phải đích thân đưa tận tay.

Nhiều năm “nằm vùng” với nhiều vỏ bọc, như: chủ đồn điền, chủ lò gạch, thầy giáo… đi đứng công khai trước mắt bọn cảnh sát chìm, mật vụ, đồng chí Bí thư Thị ủy Năm Trang (từng là Trưởng ban Bảo vệ an ninh đầu tiên của tỉnh Biên Hòa) biết khá rõ bà Tư Yến, cơ sở mật của mình, có quan hệ thân thiết với vị nữ dân biểu tên tuổi của Quốc hội Sài Gòn.

Bà Tư Yến là Chủ nhà bảo sanh Nhị Yến có uy tín ở Tân Vạn, đồng thời làm chủ một dàn xe tải có giấy phép hoạt động khắp địa bàn “Vùng III”. Đặc biệt, 2 người phụ nữ này là “bạn làm ăn” mật thiết của nhau trong việc chở gạo bán vô “rừng”, đến việc đưa củi cao su từ rừng về lò lu, lò gạch…

Bà dân biểu Út Lý (Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1936 tại Tân Vạn, Biên Hòa) lúc bấy giờ là một nhân vật có tiếng trên chính trường Sài Gòn. Trước khi vô hạ nghị viện, bà từng là Phó chủ tịch Hội đồng tỉnh Biên Hòa. Vào hạ viện, bà Lý theo phe thân chánh và được chỉ định là người giữ tiền của khối Cộng hòa. Năm 1972-1973, bà Lý được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Xã hội.

Không chỉ biết rõ thân thế của vị nữ dân biểu ở tỉnh Biên Hòa, Bí thư Thị ủy Biên Hòa Năm Trang còn biết vị nữ dân biểu mới 39 tuổi của chế độ Sài Gòn có mối giao du mật thiết với rất nhiều tướng tá trong quân lực Việt Nam Cộng hòa (mà thời bấy giờ ai cũng biết quyền lực trên chính trường miền Nam thực chất đang nằm trong tay giới quân đội Sài Gòn), như: Trung tá Nhờ, chỉ huy lực lượng biệt kích thuộc Phòng 7, Bộ Tổng tham mưu, vốn là anh cô cậu; người bạn chí thân là Đại tá Nguyễn Kim Tây, nguyên Quận trưởng Dĩ An, đang là Liên đoàn trưởng Liên đoàn 6 Biệt động quân; “ông anh kết nghĩa” là Thiếu tướng Trần Ngọc Tám, nguyên Chỉ huy trưởng Trường võ bị sĩ quan Thủ Đức, từng làm Tư lệnh Quân đoàn III trước cả tướng Đỗ Cao Trí, đang chỉ huy lực lượng địa phương quân và nghĩa quân. Người nhà của nữ dân biểu Út Lý có chủ lò gạch Nguyễn Minh Đồng (anh trai của bà), đồng thời làm Xã trưởng Tân Vạn; người cháu kêu bà Út Lý bằng dì tên Nguyễn Minh Hồng, Trưởng ấp 1, xã Tân Vạn…

* Giải phóng một xã không tốn viên đạn

Tân Vạn là xã vùng ven của Biên Hòa, có thế mạnh của các làng nghề thủ công truyền thống, như: gạch, ngói, lu, gốm sứ… Thời chống Mỹ, Tân Vạn đã hình thành một tầng lớp trung lưu, giàu có với hàng trăm lò lu, lò gạch ngói…, giao thương sản phẩm đến khắp miền Nam.

Xã ven đô có bề mặt yên tĩnh này có thời được cơ sở Thành đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn xây dựng địa bàn làm nơi đi về cho các đồng chí: Phan Chánh Tân, Phạm Chánh Trực, Lê Mỹ Lệ, Trương Mỹ Lệ… Cụm quân báo A24 từng đặt bản doanh ở Tân Vạn để tạo địa bàn bảo vệ Biên Hòa, khu vực Hàng Xanh và vùng bưng Sáu Xã. Huyện ủy Thủ Đức, Công đoàn TP.Sài Gòn - Gia Định cũng có thời kỳ tạm trú bên bờ sông Đồng Nai nơi đây. Riêng Ban Công vận Thị ủy Biên Hòa đã cử người về Tân Vạn xây dựng được 3 lõm chính trị để đưa cán bộ thâm nhập vào Khu kỹ nghệ Biên Hòa hoạt động.

Tân Vạn cũng là xã có phong trào chống bắt lính mạnh nhất trong tỉnh Biên Hòa. Có thời điểm, số thanh niên trốn quân dịch từ các nơi kéo về đây ẩn náu lên đến hàng ngàn người.

Được Bí thư Thị ủy Năm Trang và Phó bí thư Nguyễn Hồng Kỳ trực tiếp chỉ đạo, vào ngày 20-4-1975, Ủy ban khởi nghĩa Tân Vạn được thành lập. Ông Trần Văn Năm, Đội trưởng dân vệ xã Tân Vạn, được giao đứng ra tuyển chọn và xây dựng lực lượng vũ trang.

Bên cạnh việc vận động đồng bào ủng hộ, Ủy ban khởi nghĩa Tân Vạn còn được Thị ủy giao một nhiệm vụ nặng nề là nhận gấp 1 triệu đồng tiền mặt để tổ chức thu mua lương thực dự phòng cho chiến sự kéo dài, cứu đói cho người dân Biên Hòa tràn qua.

4 lá thư viết tay của Bí thư Thị ủy Biên Hòa Phan Văn Trang đã phát huy được hiệu quả. Toàn bộ bộ máy quân sự lẫn hành chính của ngụy quyền trên địa bàn Tân Vạn “án binh bất động” để cho việc chuẩn bị của cơ sở cách mạng và quần chúng rầm rộ hoạt động.

Qua sự vận động của bà Tư Yến, vào sáng 27-4-1975, nữ dân biểu Út Lý đã lái xe chở một số phụ nữ đến trụ sở xã Bửu Hòa gặp các quan chức cùng chỉ huy quân đội ngụy đang án ngữ nơi đây để đấu tranh đòi được chôn cất các “chiến binh Việt Cộng” đã hy sinh khi đánh vào mục tiêu này.

Sáng 29-4-1975, sau lời kêu gọi của Ủy ban khởi nghĩa, toàn bộ lực lượng phòng vệ dân sự ở Tân Vạn đều mang vũ khí giao nộp. Thế nhưng, một sự cố bất ngờ xảy ra, trong lúc lực lượng tại chỗ của địch đang tan rã thì Thiếu tá Vinh, Chi khu trưởng quận Đức Tu, lại kéo một đám sĩ quan, binh lính của chi khu và cả Tiểu khu Biên Hòa với vũ khí hùng hậu đến Tân Vạn… tử thủ.

Để giải quyết tình huống bất ngờ này, Ủy ban khởi nghĩa Tân Vạn cử người đến vận động bà Nguyễn Thị Lý trực tiếp đến gặp Thiếu tá Vinh để phân tích tình hình của quân đội Sài Gòn sắp đến hồi chung cục. Cuộc đấu lý diễn ra căng thẳng, kéo dài đến chiều mới làm tinh thần gã sĩ quan chỉ huy cấp tá của ngụy rệu rã. Hắn ta im lặng bỏ đi, để mặc cho binh lính quăng súng tháo chạy.

Trưởng ấp Nguyễn Minh Hồng (cháu gọi bà Út Lý bằng dì) liền trưng dụng chiếc xe Volkswagen của Thiếu tá Vinh để chở cán bộ trong Ủy ban khởi nghĩa đi công tác. Ngay trong đêm 29-4-1975, nhân dân Tân Vạn đã hoàn toàn làm chủ mảnh đất ven đô mà không hề tốn một viên đạn.

Bùi Thuận

Bài 2: Giải phóng bằng... chính sách

Tin xem nhiều