Báo Đồng Nai điện tử
En

Vươn mầm hy vọng

11:11, 04/11/2016

Trời Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình suốt mấy ngày đầu tháng 11 nặng mây âm u, có những nơi mưa nhỏ hạt lất phất, càng về chiều tối càng se lạnh.

Trời Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình suốt mấy ngày đầu tháng 11 nặng mây âm u, có những nơi mưa nhỏ hạt lất phất, càng về chiều tối càng se lạnh. Dọc đường đi, tuy trận “lũ chồng lũ” từ ngày 30-10 đến 1-11 đã rút nhưng các sông, suối nước vẫn tràn bờ, những cánh đồng lúa vẫn chìm trong nước mênh mông. Vậy là một vụ mùa xem như mất trắng.

Cảnh ngập lụt ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Cảnh ngập lụt ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Nét thất thần vẫn hằn in trên những gương mặt khắc khổ của những người dân vừa vượt qua cơn lũ dữ. Nhưng ở khắp các tỉnh mà đoàn hỗ trợ khắc phục lũ lụt của Đồng Nai đi qua không thấy không khí chán nản, bi quan trước thiên tai, mà người dân vẫn tràn đầy tinh thần kiên cường vượt qua khó khăn với bao niềm tin và hy vọng.

Đất dữ…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Từ Văn Diện cho biết hầu như năm nào  vùng đất này cũng gánh chịu vài cơn bão lũ, chỉ là lớn hay nhỏ mà thôi. Năm nay, Hà Tĩnh vẫn còn được xem là “may mắn” khi lũ không đi kèm với bão, nhưng vẫn xảy ra tình trạng “lũ chồng lũ” khiến 13 huyện, thị, thành phố với 120 xã bị ngập sâu, nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn bởi lũ, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là 3 huyện: Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang. Thiệt hại do 2 đợt lũ cách nhau chưa đầy 1 tháng ước tính gần 1.100 tỷ đồng, trong khi đó nguồn thu ngân sách của địa phương bị sụt giảm khoảng 1/3 bởi sự cố môi trường từ Công ty hưng nghiệp gang thép Formosa, quả là “họa vô đơn chí”.

Quảng Bình là tỉnh hứng chịu thiên tai nặng nề nhất miền Trung. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình Phạm Đức Thương cho biết do vị trí địa lý nên bình quân khoảng 3 năm vùng đất “Hoành Sơn nhất đái” này bị thiên tai lớn một lần. Năm nay, chỉ riêng 2 trận lũ lụt từ ngày 13 đến 15-10 và 30-10 đến 1-11, toàn tỉnh có 31 người chết, 1.125 hécta hoa màu bị mất trắng, 86.037 căn nhà bị ngập với 74 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi, 3.090 tấn lương thực bị hư hỏng, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở. Thiệt hại của 2 đợt lũ cách nhau nửa tháng ước tính trên 3 ngàn tỷ đồng, nặng nề nhất trong các tỉnh miền Trung, trong khi đó thu ngân sách hàng năm của tỉnh chưa đến 3 ngàn tỷ đồng.

Anh Hoàng Anh Tuấn (xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch) kể, trong đợt lũ cách đây nửa tháng, do nước từ sông Lý Hòa đổ về quá nhanh không di dời lên đê kịp nên nhà anh có hơn 1 ngàn con gà bị chìm trong nước, mất sạch. Còn trận lũ ngày 30-10 do bất ngờ và cũng bởi nước lên nhanh, đàn bò hơn 20 con anh nhận chăn thuê bị trôi hết 2 con. Nước cũng ngập hơn nửa căn nhà khiến vợ chồng anh phải sơ tán.
Ở nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Đại Hàm cho biết nước lũ ngập nhà hơn 60cm, sau khi nước rút một số vật dụng, nền nhà bị hư hỏng, dự kiến phải sửa chữa. Đến ngày 4-11 khi đoàn Đồng Nai đến viếng, đường vào nhà lưu niệm vẫn còn ngập trong nước.

Đau thương hơn, ngày 2-11 em Dương Thị Kim Anh, học sinh lớp 12C Trường THPT Hoàng Hoa Thám (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy) bị nước cuốn trôi trên đường đi học, mãi 1 ngày sau thi thể của em mới được tìm thấy. Tại tang lễ của em, ông Dương Văn Đen, cha của Kim Anh, vẫn vật vã đau đớn khi không cứu được con trong dòng lũ dữ.

...Ấm tình người

Thế nhưng, dường như thiên nhiên càng khắc nghiệt thì tinh thần người dân càng kiên cường hơn bao giờ hết. Đó là quy luật để người dân các tỉnh miền Trung vượt qua tất cả hiểm nguy từ thiên tai, địch họa để tồn tại và phát triển. Ông Trần Văn Mậu, Bí thư Đảng ủy xã Đức Tùng (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết từ nhiều năm nay người dân Hà Tĩnh cũng như các tỉnh miền Trung đã học cách “sống chung với lũ” như người dân miền Tây và đã có những giải pháp ứng phó để hạn chế thiệt hại do bão lũ, như: làm nhà kiên cố, có tầng mái chứa lương thực... Người dân đều thuộc nằm lòng câu ca dao “Ông tha mà bà chẳng tha. Còn chờ cơn lũ hai ba tháng mười (23-10)”, các địa phương đều có tinh thần “gồng mình đón lũ”.  Chỉ có điều, do ruộng đất không “di dời” được nên khi lũ đến đành chịu trận trong nước ngập, dù các địa phương đã chủ động gieo cấy vụ lúa mùa sớm để né lũ, nhưng cơn lũ năm nay ập đến sớm “không theo quy hoạch” khiến toàn bộ diện tích lúa chờ thu hoạch đều bị mất trắng. Những ngày này, nông dân Đức Thọ tiếp tục chuẩn bị giống, phân để tháng sau gieo trồng vụ mới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới trao 1 tỷ đồng do nhân dân và cán bộ tỉnh đóng góp nhằm giúp đồng bào tỉnh Quảng Bình khắc phục sau lũ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới trao 1 tỷ đồng do nhân dân và cán bộ tỉnh đóng góp nhằm giúp đồng bào tỉnh Quảng Bình khắc phục sau lũ.

Ở Trường mầm non Đức Tùng, Hiệu trưởng Đoàn Thị Cẩm Nhung cho biết sau gần nửa tháng các cháu phải nghỉ học do trường bị ngập, mấy ngày nay các cô giáo, bảo mẫu của trường đã tập trung dọn dẹp phòng học, sân trường khô ráo sạch sẽ và đón các cháu trở lại. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Từ Văn Diện cho biết tỉnh thành lập ủy ban tiếp nhận cứu trợ trực 24/24 giờ để đón tiếp các đoàn đến hỗ trợ bất cứ lúc nào, ước tính từ ngày 17-10 đến nay đã đón khoảng 1.110 đoàn cứu trợ trong cả nước đến hỗ trợ đồng bào Hà Tĩnh.

Một trong những “nỗi khổ” của chính quyền địa phương, theo ông Từ Văn Diện, đó là hầu hết các đoàn đến Hà Tĩnh đều yêu cầu được cứu trợ trực tiếp ở những nơi bị thiệt hại nặng nhất, như: Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh. Trong khi đó, những địa phương như huyện Đức Thọ tuy không bị ngập nặng bằng nhưng đời sống người dân rất khó khăn do nơi đây cả năm chỉ trồng được một vụ lúa mùa thì đã mất trắng cho “hà bá”, lại ít có đoàn cứu trợ tìm đến. Bên cạnh đó, trong những ngày đầu bị lụt, người dân cần trước mắt là lương thực, thực phẩm, nhưng đến nay khi nước rút thì cái mà người dân cần nhất lại là dụng cụ, phương tiện, nguồn vốn để khôi phục sản xuất, sửa chữa nhà cửa. Trong khi đó, rất nhiều đoàn cứu trợ thường chỉ tiếp tục mang gạo, mì gói, thực phẩm. “Trong hoạn nạn được đồng bào đùm bọc, chia sẻ chúng tôi rất xúc động và cảm ơn. Mì gói, gạo mắm để ổn định cuộc sống cũng rất quý, nhưng điều dân cần lâu dài là phải có giải pháp, phương tiện, nguồn lực khắc phục hoặc sống chung với lũ như đồng bào các tỉnh miền Tây. Có như thế, bà con mới phát triển bền vững” - ông Từ Văn Diện tâm sự.

Ở các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân bắt tay dọn dẹp nhà cửa, công sở, chuẩn bị trồng hoa màu sau khi nước rút. Cuộc sống ở nơi “rốn lũ miền Trung” bắt đầu trở lại bình thường. “Ở mô cũng có người này người kia. Các đoàn đến tặng quà cũng có đoàn nhiều, đoàn ít nên người trong xã nhận hỗ trợ cũng không đồng đều nên cũng có điều tiếng phân bì, so sánh, nhưng số này rất ít, bà con trong thôn cũng nhắc nhở. Nói chung, bà con chúng tôi từ bao đời nay trong hoạn nạn vẫn đùm bọc lẫn nhau, lẽ đâu lúc ni lại vì thế mà mất tình làng nghĩa xóm. Chúng tôi nhận được sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của đồng bào là món quà lớn nhất rồi. Đó cũng là niềm tin giúp chúng tôi thêm hy vọng vào tương lai” - bà Bồ Lô Phàm (86 tuổi, ngụ xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch), người bị thương phải cắt bỏ ngón tay trong cơn lũ giữa tháng 10, xúc động nói.    

Hà Lam

Tin xem nhiều