Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời thợ hồ

11:09, 16/09/2016

"Ban ngày phơi mình ngoài nắng, đêm về ngả lưng trên những tấm ván công trình, tháng nhiều việc chỉ làm độ 20 ngày, thời gian còn lại nằm dài ngáp gió..." - ông Năm Hưng (quê tỉnh Sóc Trăng, tạm trú ấp Bình Lục, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) đúc kết về nghề làm hồ như vậy.

“Ban ngày phơi mình ngoài nắng, đêm về ngả lưng trên những tấm ván công trình, tháng nhiều việc chỉ làm độ 20 ngày, thời gian còn lại nằm dài ngáp gió. Dù vợ con ở trong ngôi nhà xập xệ, bản thân phải quây bạt ngả lưng nơi công trình, người thợ hồ vẫn xây cho thiên hạ nhà to cửa rộng…” - ông Năm Hưng (quê tỉnh Sóc Trăng, tạm trú ấp Bình Lục, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) đúc kết về nghề làm hồ như vậy.

Những người làm hồ tự mình nhận là dòng dõi “Trần Thạch Cao”.
Những người làm hồ tự mình nhận là dòng dõi “Trần Thạch Cao”.

Theo ông Năm Hưng, nghề của ông sướng nhất khi may mắn được làm nhà cho những người dễ tính, thầu xây dựng thương nhân công. Ngược lại, gặp phải chủ nhà khó chịu, chủ thầu suốt ngày chửi bới, ép công thì nước mắt hòa với mồ hôi chảy ròng.

Không biết chữ thì làm thợ hồ

Quê nhà ngày càng ít việc, trình độ học vấn chỉ tiểu học nên ông Năm Hưng và con trai chỉ biết xin làm công cho chủ thầu xây dựng Hai Việt. Ngày mới vào làm, cha con ông được chủ thầu xây dựng Hai Việt bố trí những công việc nặng nhọc, như: đào móng nhà, đào hố xí, trộn hồ, chuyển gạch, đẩy xe hồ… Nơi ở của cha con ông Năm Hưng là một góc nhỏ nơi lán trại của công trình xây dựng. Thu nhập từ công việc phụ hồ của cha con ông là 250 ngàn đồng/người/ngày. Số tiền đó đủ cho cha con ông trang trải sinh hoạt và dư chút đỉnh tiền gửi về quê.

Công trình này xong, tiếp nối công trình khác, ông Năm Hưng vẫn làm những việc đào móng, đào hố xí, trộn hồ, chuyển gạch… Còn con trai của ông thì được chủ thầu chiếu cố cho “lên” thợ xây nên lương cao hơn ông 50 ngàn đồng/ngày. Thấy công việc ổn định, ông Năm Hưng gọi thêm đồng hương đầu quân cho chủ thầu Hai Việt. Cũng như cha con ông Năm Hưng, những đồng hương của ông do chữ nghĩa ít, tay nghề không có nên phải xuất phát từ anh phụ hồ.

Nền đất hầm hập hơi nước, ông Ba Bé (đồng hương của ông Năm Hưng) mình trần hì hục đào hố xí. Qua mấy ngày đào cật lực, cái hố xí giờ đã sâu tới ngực nên ông nghỉ ngơi lấy sức luôn bên dưới hố. Ông Ba Bé nhễ nhại mồ hôi kể, ông là dân lực điền chính gốc, việc đào đất, đắp mương, cày đất… món nào ông cũng giỏi nên việc phụ hồ nặng nhọc chẳng hề hấn gì đối với sức lực của ông. Vì vậy, ông nhận khoán công việc đào hố xí để có thu nhập cao hơn so với làm công nhật.

Sức vóc cường tráng nhưng ông Ba Bé một chữ cắn đôi không biết. Số ngày làm công khoán, công nhật, ông tỉ mỉ ghi nhớ trong đầu để khỏi bị chủ thầu gian lận dẫn đến thua thiệt. Ông Ba Bé tâm sự, đời ông không biết chữ đã đành, 2 người con theo ông về huyện Vĩnh Cửu làm hồ cũng chỉ biết ký tên. Cho nên, ở tuổi 18-20, 2 con trai của ông không xin làm công nhân ở quê được, phải theo ông làm hồ. Tuy chữ nghĩa kém cỏi, nhưng các anh: Hai Bí, Ba Mướp (con trai ông Ba Bé) lại tiếp cận với công việc khá nhanh. Làm phụ hồ chưa tròn năm, anh Hai Bí đã là thợ xây giỏi, còn anh Ba Mướp thành thợ sơn nước khéo tay.

Những người làm hồ tự mình nhận là dòng dõi “Trần Thạch Cao”.
Những người làm hồ tự mình nhận là dòng dõi “Trần Thạch Cao”.

“Ban ngày phơi mình ngoài nắng, đêm về ngả lưng trên những tấm ván công trình, tháng nhiều việc chỉ làm độ 20 ngày, thời gian còn lại nằm dài ngáp gió. Dù vợ con ở trong ngôi nhà xập xệ, bản thân phải quây bạt ngả lưng nơi công trình, người thợ hồ vẫn xây cho thiên hạ nhà to cửa rộng…” - ông Năm Hưng (quê tỉnh Sóc Trăng, tạm trú ấp Bình Lục, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) đúc kết về nghề làm hồ như vậy.

Cái lán trại nơi cha con ông Năm Hưng và các đồng hương ở luôn đầy tiếng cười và những câu chuyện xa quê. Họ gồm nhiều họ khác nhau, như: Nguyễn, Lê, Thạch…, nhưng mọi người hài hước tự nhận mình họ Trần với ông tổ là Trần Thạch Cao (đắp thạch cao trên trần nhà), rồi phá lên cười.

Ông Năm Hưng và những người đồng hương đều là những người quê miền Tây Nam bộ không có ruộng (hoặc ruộng vườn ít), chuyên làm thuê làm mướn. Việc đồng áng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long giờ đã được cơ giới hóa nên không còn cần nhiều người gặt lúa, nhổ cỏ, đắp bờ. Thất nghiệp nên họ tản mác đi khắp nơi tìm việc và gia nhập đội quân làm hồ vì nghề này không cần trình độ, chỉ cần sức khỏe, chuyên cần, sự khéo tay là được các chủ thầu xây dựng nhận vào làm việc.

Nghề hồ cũng phân chia nhiều nhóm công việc, người có tay nghề thì làm thợ xây, đắp trần nhà, làm sơn nước… Người không có tay nghề, chỉ có sức khỏe thì phụ trách việc trộn hồ, đào hố xí, đào móng, chuyển gạch… Tuy tiền công chủ thầu trả cho từng nhóm công việc khác nhau và sự nặng nhọc từ các nhóm công việc cũng không giống nhau, nhưng với mục đích làm công kiếm tiền lo cho gia đình ở quê nhà, những người làm hồ như ông Năm Hưng chẳng ngán ngại công việc nặng nhọc.

 Ông Ba Bé bày tỏ, dù có tay nghề nhưng những người đồng hương của ông không ngại bỏ bay, bỏ cọ sơn ra cầm cuốc, xẻng trộn hồ, đào hố khi hết việc, hoặc công trình bắt đầu khởi động. Mục đích của các ông là được ở chung lán trại, sẻ chia với nhau từng công việc để có thu nhập.

Tiếng chửi thề cộc cằn của người quản công khi một người trong nhóm làm hồ của ông Năm Hưng làm không vừa ý (do người này mới ở quê lên chưa quen việc), nên ông phải bỏ xẻng đến phụ giúp. Vừa làm, ông Năm Hưng vừa hướng dẫn người này trộn tỷ lệ cát, xi măng, đá trong từng mẻ hồ và cách đẩy xe hồ lên các tấm ván sao cho nhanh và an toàn giữa công trình bề bộn.

Ông Năm Hưng khều vai chúng tôi ra chỗ khác than vãn, gặp phải chủ thầu, người coi công trình hay chủ nhà dễ chịu thì làm không thấy mệt, lại được bồi dưỡng thêm này nọ. Còn gặp phải chủ nhà, chủ thầu, người quản công khó tính, hay ép công thì chỉ biết cắn răng nhẫn nhịn. “Ai không nhịn thì mất việc, còn người chịu nhịn thì ráng ôm cục tức mà làm việc” - ông Năm Hưng nói như mếu.

Trời lúc mưa lúc nắng, ngày công của những người làm hồ vẫn phải đảm bảo đủ ngày 8 tiếng làm việc. Cho nên, ngày mưa dầm buộc công trình tạm nghỉ, nhóm làm hồ của ông Năm Hưng vài người hoặc cả nhóm bị thất nghiệp. “Nghề này nó vậy, tại mình chữ nghĩa ít, nghèo khó nên phải theo. Nếu học cao, giàu có thì tất cả đều làm chủ thầu, chứ mấy ai nhận mình là dòng dõi Trần Thạch Cao” - ông Ba Bé bộc bạch.

Ông Hai Dương (chủ thầu công trình xây dựng ở xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) cho biết thầu công trình cũng có nhiều loại. Người thương, thông cảm cho người làm công thì lo chu đáo nơi ăn, chốn ở, tiền công sòng phẳng; còn người chỉ biết lợi nhuận thì hay quát tháo, đuổi thợ khi họ sai sót trong công việc. Phần chủ nhà mà ông nhận công trình làm cũng có 2 loại: người dễ tính, rộng rãi thì chủ thầu và người làm công đều thích, yêu quý; loại người ỷ có tiền nhiều thì hay chứng tỏ ta đây, bắt mọi người làm theo ý mình, nhưng tiền công chẳng chịu bỏ ra thêm.

 

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều