Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ nhà trọ tốt bụng

11:08, 22/08/2016

Nghỉ chạy xe ba gác, ông Huỳnh Văn Út (tên thường gọi là Chín, ngụ ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) mở phòng trọ cho công nhân thuê để kiếm tiền tiêu xài.

Nghỉ chạy xe ba gác, ông Huỳnh Văn Út (tên thường gọi là Chín, ngụ ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) mở phòng trọ cho công nhân thuê để kiếm tiền tiêu xài. Vợ chồng ông Út không những cho công nhân thuê phòng rẻ hơn nơi khác mà còn miễn phí tiền nước sinh hoạt, thu gom rác, cho người ở trọ mượn tiền, bán hàng thiếu, xin giúp việc làm, tìm trường học cho con em của họ…

Ông Huỳnh Văn Út thường động viên các em nhỏ ở khu nhà trọ chăm học, không được bỏ học.
Ông Huỳnh Văn Út thường động viên các em nhỏ ở khu nhà trọ chăm học, không được bỏ học.

“Ông Chín ơi, mai mốt tụi con lấy nhau, ông đứng ra làm đám cưới cho tụi con nghen” - được đôi bạn trẻ Vân - Đượm (ở trọ) ngỏ lời nhờ, ông Út không chút đắn đo gật đầu. Bởi, từ ngày mở phòng trọ đến nay, vợ chồng ông đã quen với việc tổ chức đám cưới, hỏi, sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi cho công nhân thuê phòng trọ của vợ chồng ông.

Tình thương yêu

Vợ chồng ông Út trước kia thuộc hộ nghèo nhất, nhì ấp 3. Để có tiền nuôi 3 con học đại học, ông Út phải ra huyện Long Thành chạy xe ba gác, còn bà Út ở nhà bán lèo tèo vài món hàng và làm ruộng. Năm 2010, khi sức khỏe sa sút, ông Út bàn với vợ bán 4 sào đất lấy tiền sửa lại căn nhà và xây 10 phòng trọ cho công nhân thuê. Từ ngày phòng trọ có người đến thuê ở, hàng hóa trong tiệm tạp hóa của bà Út mới đa dạng hơn lúc trước.

“Gia đình tui trước đây nghèo nhất, nhì ấp 3 này. Cũng vì hiểu và thông cảm cái nghèo khó của người ở trọ, vợ chồng tui luôn lấy giá thuê phòng rẻ và hỗ trợ người ở trọ được việc gì hay việc đó. Chính điều này giúp việc kinh doanh nhà trọ của vợ chồng tui ngày càng thuận lợi, có điều kiện tốt hơn để đóng góp cho người nghèo, các phong trào tình nghĩa, tình thương của ấp, xã” - ông Út bày tỏ.

Người đến thuê phòng trọ của vợ chồng ông Út toàn là lao động nhập cư nghèo. Thương người lao động vì miếng cơm manh áo phải xa quê, vợ chồng ông Út cho họ thuê phòng chỉ 600 ngàn đồng/tháng (rẻ hơn nơi khác gần 200 ngàn đồng/tháng) và bao luôn chi phí điện, nước, thu gom rác sinh hoạt. Vợ chồng ông còn bán hàng hóa thiếu, cho người thuê trọ mượn tiền không lấy lãi và làm nhà bếp bên ngoài nấu củi để giảm tiền gas.

Thấy chủ nhà trọ Út tốt bụng, người thuê trọ kéo con cháu, rủ đồng hương ở quê lên tìm việc, sinh sống. Trước sức ép người ở trọ quá đông, vợ chồng ông Út phải vay tiền ngân hàng đầu tư thêm 65 phòng trọ để cho họ có chỗ ở tươm tất hơn. Người ở trọ đông, phát sinh thêm tình trạng thất nghiệp, thiếu chỗ học tập cho con em họ, vợ chồng ông Út lại lo tìm chỗ học, giới thiệu việc làm giúp họ.

Ông Út tâm sự, vì ông bỏ tiền và đi lo các thủ tục tạm trú cho người ở trọ nên họ rất hài lòng. Được đăng ký tạm trú, người thuê trọ nhà ông Út được khám bệnh từ thiện, hỗ trợ quà, chính quyền ký giấy khi có nhu cầu xin việc làm mà khỏi về quê ký giấy tờ, con em họ được nhận vào học trường công khi chuyển trường ở quê lên…

Dù vợ chồng ông chủ nhà trọ tốt bụng, trong số người thuê trọ của vợ chồng ông Út vẫn có người mượn tiền, mua hàng hóa thiếu âm thầm dọn đi nơi khác hoặc gây mất trật tự.

Ông Út cho hay, những năm đầu kinh doanh nhà trọ, có tháng vợ chồng ông mất gần 20 triệu đồng vì bị người thuê trọ quỵt nợ. Tuy vậy, vợ chồng ông không nói ra vì giữ sĩ diện cho họ, phần vì việc kinh doanh phòng trọ có lãi hơn số tiền bị mất. Riêng những người ở trọ lỡ gây mất trật tự bên ngoài hoặc trong phòng trọ và bị công an xử phạt, khi biết tin ông lại đến cơ quan công an xin giảm nhẹ, bảo lãnh họ về giáo dục, rút kinh nghiệm. “Những người lỡ sai lần đầu, lần thứ 2 thì tui đến xin công an cho bảo lãnh về. Nếu họ tái phạm lần thứ 3 thì tui kiên quyết rút hợp đồng thuê trọ” - ông Út nói.

Làm chủ hôn

Người thuê phòng trọ của vợ chồng ông Út phần lớn quê ở các tỉnh Cà Mau và Thanh Hóa. Quá trình sinh sống, lao động tại Nhơn Trạch, họ tìm được “một nửa” của mình rồi tiến tới hôn nhân. Tàu xe cách trở, điều kiện kinh tế hạn hẹp, các đôi uyên ương thường nhờ giúp đỡ của vợ chồng ông Út. Có cặp nhờ vợ chồng ông làm chủ hôn ngày cưới, có cặp nhờ thay mặt cha mẹ ở quê xa bàn chuyện cưới hỏi với bên nhà trai hoặc nhà gái theo đúng phong tục vùng miền. Tiệc cưới được tổ chức ngay tại khu nhà trọ; chuyện chợ búa, nấu nướng, đãi tiệc do vợ chồng ông Út, các con và những người ở trọ đứng ra lo miễn phí; các cặp uyên ương không phải thuê nhà hàng tốn kém.

Chị Vân - anh Đượm (quê Cà Mau) cho biết, cha mẹ 2 người ở xa, đồng lương công nhân tích lũy chưa đủ, ngày cưới cận kề mà cả hai không có đủ tiền làm đám cưới. Biết chuyện, vợ chồng ông Út gọi anh chị đến bàn chuyện rằng, vợ chồng ông sẽ cho 2 người mượn tiền làm đám cưới; đám cưới xong vợ chồng anh chị khui thùng tiền mừng cưới ra trả lại. Riêng chuyện nấu nướng, đi chợ, điện, gas, củi... trong quá trình tổ chức đám cưới, vợ chồng và các con ông Út miễn và không lấy tiền công...

Đến nay, trên 20 đôi uyên ương thuê trọ được vợ chồng ông Út tổ chức làm đám cưới như vậy. Riêng việc tổ chức sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng cho công nhân và con em họ thì tháng nào cũng có vài đám, do vợ chồng ông Út và các con bỏ công ra lo, cho mượn tiền để tổ chức.

Bà Hai Kia (người thuê trọ) tâm sự, khu nhà trọ của vợ chồng ông Út như đại gia đình, chuyện cưới xin, thôi nôi, đầy tháng… của công nhân bà đều được mời và bỏ ít thời gian ra phụ giúp nấu nướng, dọn dẹp. Điều này giúp bà cảm thấy ấm lòng trong quá trình xa quê tìm kế sinh nhai.

Khu nhà trọ văn minh của ông Huỳnh Văn Út không chỉ được huyện Nhơn Trạch bầu chọn là khu nhà trọ văn minh, mà còn là mái nhà ấm áp, nghĩa tình của người lao động.
Khu nhà trọ văn minh của ông Huỳnh Văn Út không chỉ được huyện Nhơn Trạch bầu chọn là khu nhà trọ văn minh, mà còn là mái nhà ấm áp, nghĩa tình của người lao động.

Cưới xong, các đôi uyên ương cần tổ ấm để sinh hoạt, ông Út lại vận động những phòng công nhân chưa lập gia đình nhường chỗ cho đôi uyên ương ở. Khi vợ chồng họ có con thì ông Út lọ mọ đi làm giấy khai sinh, tìm chỗ gửi trẻ giá rẻ, an toàn giúp họ. Cặp vợ chồng nào lỡ thất nghiệp thì vợ chồng ông Út lo giới thiệu việc làm; lương chưa tới kỳ nhưng con hết sữa, bị bệnh thì cho mượn tiền mua sữa, chữa bệnh… “Vợ chồng tui coi công nhân thuê trọ như con cái trong nhà. Đứa nào ngoan thì lo ít, đứa thất nghiệp, chưa ngoan thì lo nhiều hơn. Có đứa, sau nhiều năm tích lũy có tiền mua đất, cất nhà hoặc lấy vợ, lấy chồng ở xa thì tui nhớ” - ông Út thổ lộ.

Không dừng ở việc cho mượn tiền, chạy làm giấy tờ, lo việc cưới xin, học hành, bán hàng thiếu… cho những người thuê trọ, vợ chồng ông Út còn tổ chức tặng quà, giao lưu văn nghệ cho công nhân vào các ngày lễ, tết. Những người già, trẻ em ở khu trọ còn được vợ chồng ông Út liên hệ với địa phương xin quà cứu trợ, khám bệnh miễn phí, tặng học bổng… Vì vậy, trong hàng trăm khu nhà trọ, hàng ngàn phòng trọ ở ấp 3, khu nhà trọ của vợ chồng ông Út được người ở trọ và chính quyền đánh giá là khu nhà trọ văn minh, ấm áp tình người.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều