Báo Đồng Nai điện tử
En

Tân Bình, vùng đất cách mạng

09:05, 04/05/2016

Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ được khép lại nhường cho sự phát triển và hội nhập. Sau 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) - địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân càng có thêm động lực để vươn mình, phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.

Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ được khép lại nhường cho sự phát triển và hội nhập. Sau 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) - địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân càng có thêm động lực để vươn mình, phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới.

Ông Năm Lợt (ấp Tân Triều) bên miệng hầm năm xưa kể câu chuyện cắm cờ giải phóng trên nóc nhà Hội đồng xã Tân Triều vào ngày 28-4-1975. Ảnh: Đ.phú
Ở tuổi 70, ông Tư Trực (40 tuổi Đảng,ấp Bình Lục) vẫn còn sức khỏe để chăm bưởi.

Ông Thái Tam Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, bày tỏ vùng đất Tân Bình ngày càng được bồi đắp thêm màu mỡ nhờ phù sa của dòng sông Đồng Nai và sự cần cù của những nông dân yêu lao động. Trái bưởi cù lao Tân Triều - Vĩnh Hiệp giờ có mặt khắp nơi, là niềm tự hào và cũng là động lực để người dân Tân Bình và các vùng đất lân cận vươn lên khá giả.

* Câu chuyện nơi vườn bưởi

Bên vườn bưởi rộng gần 6 hécta, ông Năm Lợt (ấp Tân Triều) lom khom vạch cành đưa chúng tôi đi thăm vị trí căn hầm bí mật nằm cạnh con rạch um tùm tre, là nơi nuôi giấu cán bộ trong thời kỳ kháng chiến của gia đình. Ông Năm Lợt kể, cái hầm đó được cha ông là ông Nguyễn Văn Hoa đào ngay dưới gốc bụi tre già để che giấu cán bộ lãnh đạo từ Chiến khu Đ về Tân Triều chỉ đạo công tác. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông lấp hầm để nhường đất cho cây bưởi và những gốc bưởi trồng cạnh chiếc hầm năm nào cũng xum xuê trái.

Ông Năm Lợt là người chỉ đạo cắm cờ quân giải phóng đầu tiên tại tòa nhà Hội đồng xã Tân Triều (chế độ Việt Nam cộng hòa) vào ngày 28-4-1975. Ông Năm Lợt nhớ lại, thời điểm ấy ông hoạt động bí mật trong lòng địch, giữ “chức” Chủ tịch Hội đồng xã Tân Triều. Trước ngày 30-4 chừng 1 tháng rưỡi, ông nhận được lệnh của cấp trên chỉ đạo một khi tình hình chín mùi thì chuẩn bị một lá cờ giải phóng (nửa xanh, nửa đỏ, sao vàng chính giữa) để cắm tại Tân Triều. Sáng ngày 28-4, ông biết ở Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) có đánh lớn nên chạy ra chợ Bến Cá (xã Tân Triều) mua vải về nhờ bà Út (một cơ sở cách mạng) may cờ. Thấy tình hình ở Tân Uyên im tiếng súng, lính chế độ cũ khắp nơi nhốn nháo bỏ hàng ngũ nên ông chỉ đạo cho Phó cuộc cảnh sát xã Tân Triều hạ cờ vàng ba sọc đỏ của địch, thay vào cờ giải phóng trên nóc nhà Hội đồng xã.

Gia đình ông Năm Lợt vốn là cơ sở cách mạng của xã Tân Triều. Ông Năm Lợt tham gia thanh niên xung kích hành động khi mới 16 tuổi và tiếp tục hoạt động bí mật cho đến ngày đất nước thống nhất. Ông Năm Lợt có 2 người anh trai đều là liệt sĩ giai đoạn chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được phân công giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời xã Tân Triều, được một năm thì thôi nhiệm vụ để về nhà củng cố kinh tế gia đình. “Vùng đất cù lao Tân Triều - Vĩnh Hiệp sau ngày đất nước thống nhất, cây bưởi, cây mía, lúa ngày thêm xanh tươi vì không còn bom đạn, pháo kích. Cho nên trong thời kỳ đất nước nặng bao cấp, nhiều vùng đất còn thiếu ăn, thiếu mặc nhưng Tân Triều - Vĩnh Hiệp vẫn no đủ nhờ đất đai trù phú” - ông Năm Lợt bộc bạch.

Bước sang tuổi 70, ông Tư Trực (ấp Bình Lục) vẫn còn sức khỏe để chăm sóc hơn chục gốc bưởi trong vườn để cùng con cháu đưa thương hiệu bưởi Tân Triều vươn xa. Ông Tư Trực cho biết, trong suốt những năm theo cách mạng, giữ các chức vụ chủ chốt của xã Tân Bình sau ngày đất nước thống nhất, ông tự hào nhất vẫn là việc địa phương triển khai chính sách cấp đất cho nông dân trực tiếp sản xuất nhưng thiếu đất. Nhờ chính sách này mà những người nông dân cần lao xã Tân Bình tự tạo được cuộc sống ấm no trên khu vườn, thửa ruộng, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế hộ gia đình đúng định hướng.

* Vùng quê trù phú

Xã Tân Bình được sáp nhập từ 3 xã: Tân Triều, Bình Ý, Bình Phước vào năm 1987. Danh tiếng bưởi Tân Triều nay đại diện cho cả vùng đất Tân Bình, Bình Lợi, Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) chứ không riêng cho một cù lao nhỏ ở Tân Triều. Chủ tịch UBND xã Tân Bình Thái Tam Sơn cho biết, xã Tân Bình hiện có trên 2,5 ngàn hộ dân, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt gần 35 triệu đồng/người/năm. Nằm trên khu vực nông nghiệp nhưng kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - du lịch. Toàn xã có 519 hộ kinh doanh thương mại, 33 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Riêng về du lịch, số lượng khách tham quan làng bưởi Tân Triều - Vĩnh Hiệp đạt trung bình trên 50 ngàn lượt người/năm.

  Ông Năm Lợt (ấp Tân Triều) bên miệng hầm năm xưa kể câu chuyện cắm cờ giải phóng trên nóc nhà Hội đồng xã Tân Triều vào ngày 28-4-1975. Ảnh: Đ.Phú
Ông Năm Lợt (ấp Tân Triều) bên miệng hầm năm xưa kể câu chuyện cắm cờ giải phóng trên nóc nhà Hội đồng xã Tân Triều vào ngày 28-4-1975. Ảnh: Đ.Phú

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 3,5 ngàn hécta chuyên canh về bưởi, lúa xuất khẩu kết hợp với dịch vụ - du lịch, cùng với sự có mặt của khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khu vực Thạnh Phú, đời sống người dân xã Tân Bình ngày càng ổn định và phát triển. Chính vì vậy, năm 2012 xã anh hùng Tân Bình được huyện Vĩnh Cửu chọn làm xã điểm triển khai nông thôn mới. Năm 2014, địa phương sớm hoàn thành mục tiêu này và nay đang tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. “Để tăng cao thu nhập hơn nữa cho nông dân, địa phương quyết liệt chỉ đạo nông dân chuyển đổi những diện tích lúa kém năng suất sang trồng bưởi. Hiện nông dân vùng bưởi Tân Bình đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng đất Tân Bình ngày một trù phú, phát triển hơn nhờ phù sa của sông Đồng Nai, sự cần lao của người dân, định hướng đúng trong phát triển kinh tế của chính quyền theo từng thời kỳ” - ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Tạ Quốc Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình, cho rằng để Tân Bình mãi xứng danh là vùng đất anh hùng, Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị phải bám dân mà hành động, thực thi các quyết sách, chiến lược có lợi cho sự phát triển của dân và địa phương. Riêng người dân xã Tân Bình mãi trung kiên với Đảng và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Còn ông Tạ Quốc Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình, khẳng định địa phương tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế nông nghiệp - dịch vụ - du lịch sinh thái vườn là chủ đạo. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường đầu tư và khuyến khích phát triển kinh tế vườn theo hướng chuyên canh, phục vụ cho du lịch sinh thái vườn; giữ vững và tiếp tục nâng cao hiệu quả các bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Sỹ cũng xác định chiến lược của Tân Bình là lấy cây bưởi, lúa, kinh tế vườn là chủ lực. Theo đó, 5 ấp: Bình Ý, Bình Phước, Bình Lục, Tân Triều, Vĩnh Hiệp phải bảo đảm đạt chỉ tiêu các loại cây trồng theo kế hoạch đề của từng hàng năm và xuyên suốt nhiệm kỳ. Đồng thời, xã cũng tập trung phát triển nông nghiệp nhằm mục tiêu phục vụ đô thị, du lịch sinh thái.
Nhờ có chủ trương, quyết sách hợp lý của các thế hệ lãnh đạo Đảng, chính quyền xã Tân Bình qua các thời kỳ, kinh tế xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn phát triển rất bền vững. Hộ nghèo không còn, công tác chăm lo cho người có công và an sinh xã hội chu đáo. Bí thư Đảng ủy Tạ Quốc Sỹ ví von, con người và vùng đất Tân Bình như quyện vào nhau và luôn được phù sa của sông Đồng Nai vun đắp nên tạo ra những múi bưởi, rượu bưởi, hạt gạo thơm mùi cuộc sống. Điều đó đã tạo nên một đặc trưng con người Tân Bình, phù sa cù lao Tân Triều - Vĩnh Hiệp khác biệt.

Đoàn Phú

 
 

Tin xem nhiều