Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ cá nửa đêm về sáng

09:03, 21/03/2015

2 giờ sáng, con nước ngày 25 tháng Giêng vừa chớm lớn. Các tiểu thương chợ cá Phước An (huyện Nhơn Trạch) bắt đầu nhóm họp. Các ngư dân lần lượt mang lên bờ những mớ cá tươi vừa đánh bắt được...

 

2 giờ sáng, con nước ngày 25 tháng Giêng vừa chớm lớn. Các tiểu thương chợ cá Phước An (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) bắt đầu nhóm họp. Các ngư dân lần lượt mang lên bờ những mớ cá tươi vừa đánh bắt được trong đêm hoặc ướp đá nhiều ngày cân cho mối quen.

Ngư dân mang cá, tôm lên chợ đêm bán. Ảnh: Đ.PHÚ
Ngư dân mang cá, tôm lên chợ đêm bán. Ảnh: Đ.PHÚ

6 giờ sáng, chợ cá Phước An chỉ còn lại cái sân trống, ngư dân lần lượt rời bến, tiểu thương thì lật đật chở cá ra các chợ đầu mối gần xa. Riêng bà Nguyễn Thị Năm (được mọi người trong chợ gọi là bà Năm Nước Đá, 70 tuổi, ấp Bàu Bông, xã Phước An) vẫn nán lại chưa chịu về nhà.

Hơn 20 năm bám chợ

Nhìn bà Năm ngồi buồn một mình, chúng tôi lại gần bắt chuyện. Bà Năm chẳng cần dò xét trả lời: “Buổi chợ hôm nay tui bán được 30 cây nước đá. Mỗi cây nước đá tui lời 5 ngàn đồng. Do hôm nay vào con nước chính (thường có nhiều cá) nên số ghe cá vào chợ nhiều hơn. Nhờ vậy mà tui bán nhiều nước đá hơn mọi khi. Tui còn ngồi nán lại đây là để chờ thằng Tư H. trả xong tiền nửa cây nước đá. Cái thằng thiệt kỳ, nửa cây nước đá giá chỉ có 15 ngàn đồng, vậy mà bán cá xong nó không chịu trả tiền ngay cho tui, nó bắt tui chờ”.

Ngư dân Ba Hồng (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) cho hay, không chỉ riêng ngư dân các xã Phước An, Long Thọ bán cá tại chợ đêm Phước An, mà ngư dân các tỉnh Long An, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu làm nghề cá trên sông Thị Vải, Cần Giuộc, Thủ Đức cũng ghé chợ đêm Phước An bán cá, tôm. Cá tôm từ chợ cá Phước An được các đầu mối nhỏ hơn thu mua lại rồi chở đi các chợ nhỏ, cung cấp cho các nhà hàng đặc sản trong xã, huyện, tỉnh.

Bà Năm bám chợ cá chòm hỏm Phước An (vì người mua lẫn người bán đều ngồi dưới nền đất) trên 20 năm. Thuở chợ cá Phước An còn là cái gò đất trống nhỏ xíu, lẹp xẹp nằm cách đường nhựa hơn trăm mét với thì đại lý chẳng cần bà lấy nước đá của họ. Dù biết vậy, bà Năm vẫn nhẫn nại kiểu người nghèo cần việc, cần tiền nuôi con. Mặc người ta hờ hững bỏ nước đá cho bà Năm ngoài đường nhựa, để bà gánh hoặc thồ bằng xe đạp vào chợ và buôn bán được hay không tùy bà. May sao, lúc đó bà Năm còn có con trai phụ việc. Vì vậy, bà Năm cũng cảm thấy vui vui khi phải thức dậy lúc 2 giờ sáng. Nay con trai của bà vắn số, để bà làm một mình mỗi phiên họp chợ (những người con còn lại của bà đã ra riêng).

Chợ cá giờ đã đổi thay nhiều (tương lai còn được quy hoạch thành chợ nổi), nền đất đá rộng, cao, sáng ánh điện, ghe to, ghe nhỏ cập bến nhiều hơn. Nhờ vậy, bà Năm vừa cung cấp nước đá cho các ngư dân ướp cá và uống giải khát, vừa đi bỏ mối cho các hàng quán nhỏ trên bờ. Những đồng lời kiếm được từ nước đá, bà Năm có thể nuôi thân già và hay cho tiền con cháu.

Ngày nào cũng vậy, tuổi già và công việc luôn bắt bà Năm thức giấc trước 2 giờ sáng. Sau khi uống ly cà phê tại nhà, bà Năm thủng thẳng đạp ra chợ cá ngồi chờ chợ nhóm họp và xe chở nước đá cây vào bỏ mối cho bà. Nhận hàng xong, bà Năm cầm con dao răng cưa to đùng chặt cây đá dài 1,2m làm 2, làm 4 khúc theo yêu cầu của người mua. Biết bà sức yếu, người mua cứ tự nhiên vác đá xuống ghe, sau đó quay lại trả tiền cho bà. Hôm nào lỡ ngư dân mua đá quên trả tiền cho bà, bà Năm vẫn không đòi mà ngồi đó chờ. Bà Năm chờ tới khi nào họ điện thoại nói lỡ quên thì bà cho nợ lại rồi mới chịu ra về.

Kẻ bán, người mua

2 giờ sáng hôm sau, chợ cá lại nhóm họp. Bà Năm vẫn cầm con dao răng cưa quen thuộc chặt đá. Do vào con nước ròng (từ 15 đến 25 âm lịch hàng tháng) nên lượng cá ngư dân đánh bắt được trên các nhánh sông Thị Vải, Cần Giờ, Đồng Hòa… nhiều hơn con nước kém (từ 30 đến 10 âm lịch tháng sau). Vì lượng cá đánh bắt được nhiều, cảnh buôn bán cá giữa ngư dân với các đầu mối và giữa các đầu mối với các bà bán cá lẻ tại các chợ xã, chợ công nhân, chợ huyện cũng vội vã hơn.

Khệ nệ mang túi cá lên bờ cân cho mối quen, ngư dân Ba Hiền (ấp Bàu Bông, xã Phước An) sảng khoái ngoắc tay gọi chúng tôi lại chụp hình. Sau khi đổ mớ cá chẽm, cá ngát vừa đánh bắt được lên bàn cân, ngư dân Ba Hiền được chị Ba Ngọc (mối thu mua cá) mở giỏ xách đưa cọc tiền 100 ngàn đồng mới cáu cạnh cùng tờ giấy viết bằng mực xanh ghi tổng số tiền 3 triệu đồng dúi vào tay. Với dáng vẻ đắc ý, ngư dân Ba Hiền vỗ vai chúng tôi khoe, đêm ông trúng được gần chục ký cá chẽm, cá ngát với đủ kích cỡ. Cho nên, chuyến đi này vị chi tất cả chi phí, ông bỏ túi được hơn 2,5 triệu đồng ngon ơ.

Chợ đêm Phước An vào phiên họp lúc 2 giờ sáng.
Chợ đêm Phước An vào phiên họp lúc 2 giờ sáng.

Tại điểm thu mua cá của chị Ba Ngọc, các ngư dân Hai Thính, Bảy Nưa, Út Cành (ngư dân miệt Long An) đang chờ chị Ba Ngọc tính tiền số cá đối, ngát, tôm tích, cua cúm… tổng thảy trên 2 tạ. Do phải trả số tiền lớn cho từng người, chị Ba Ngọc phải nhờ chồng cộng sổ giùm. Chị Ba Ngọc cho biết,  vì lượng cá vào con nước nhiều nên số tiền chị mang theo phải trên 30 triệu đồng cho mỗi buổi chợ. Số lượng ngư dân lên chợ cân cá và mối mua lẻ dồn dập đến cân nên chị luôn thận trọng trong việc mua vào, bán ra. Chỉ cần lộn của người này vài ký, cá loại 1 ghi loại 2 hoặc ngược lại thì chị sẽ bị mất uy tín, mất mối hàng không có lời.

Vốn là dân đóng đáy, dựng đăng kỳ cựu tại sông Thị Vải, sau vài ngày đánh bắt là ngư dân Út Cành để vợ con lại bến đăng. Một mình ngư dân Út Cành chạy xuồng máy vào chợ cân cá cho mối chị Ba Ngọc. Sau đó, ông đón xe ôm ra chợ xã mua lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, đến trưa mới chạy xuồng máy về nhà. Ngư dân Út Cành tâm sự, trừ những con nước thất bát, lượng cá tôm đánh bắt được không đủ chi phí thì ông mới ứng trước tiền của chị Ba Ngọc. “Dù tui là dân xứ khác, quanh năm suốt tháng lênh đênh trên sông nước, chị Ba Ngọc  vẫn dám cho tui nợ tiền. Tất cả đều là chữ tín và quy luật bất thành văn của dân sông nước: có vay có trả” - ngư dân Út Cành thật lòng nói.

4 giờ sáng, tiếng xuồng máy vang rền cả khúc sông. Ngư dân ì ạch vác, xách tôm cá lên bờ cân cho các mối với dáng vẻ hớn hở. Các chủ vựa túi bụi lo cân cá, thanh toán tiền cho ngư dân. Tất cả đều diễn ra nhanh chóng trong vài giờ đồng hồ và không có tiếng cự cãi, chèo kéo, tranh giành mối lái của nhau. Chị Ngọc Lệ (người thu mua cá) cho hay, bao năm qua chợ cá Phước An vẫn giữ được vẻ hiền hòa, chân chất của dân sông nước, người mua kẻ bán luôn biết chia sẻ nhau lúc khó khăn. “Một ngày không đi chợ là tui nhớ lắm. Chợ này tuy thuộc dạng chòm hỏm nhưng người mua, kẻ bán rất tử tế, thật khó tìm đâu ra cái chợ thứ hai kiểu này” - chị Ngọc Lệ tỏ bày.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều