Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện đời quản trang...

10:07, 18/07/2014

"...Liệt sĩ đều là những đồng đội đã cùng vào sinh ra tử với nhau. Khi sống đã không được chiến đấu cùng các anh, thì giờ đây chúng tôi cố làm tròn trách nhiệm của mình…" - ông Nguyễn Viết Luân, nhân viên Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai nói.

Nắng tháng 7 rọi vào tán cây xanh mướt trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, chậm rãi những bước chân khập khiễng đi giữa các dãy mộ, ông Nguyễn Viết Luân (nhân viên nghĩa trang) nói với tôi: “Đã nằm ở đây thì dù là chỉ huy hay anh binh nhì cũng đều được chúng tôi chăm sóc tận tình như nhau. Liệt sĩ thì đều là đồng đội đã cùng nhau vào sinh ra tử cả, khi sống đã không được chiến đấu cùng các anh thì giờ đây chúng tôi cố làm tròn trách nhiệm của mình với các anh…”.

* Thầm lặng trong công viên buồn

Hơn 16 năm qua, ông Nguyễn Viết Luân vẫn hàng ngày trông coi phần mộ và đón tiếp các gia đình thân nhân liệt sĩ đến thắp nhang, hoặc cùng với những cựu chiến binh đến tìm phần mộ đồng đội. Với hơn 4 ngàn ngôi mộ liệt sĩ được quy tập có quê quán trên khắp cả nước, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai hàng ngày đều có thân nhân liệt sĩ đến thăm mộ hoặc có khi xin đưa hài cốt về an táng ở quê.

Ông Nguyễn Viết Luân quét dọn đường đi quanh hàng mộ. Ảnh: Đ.TÙNG
Ông Nguyễn Viết Luân quét dọn đường đi quanh hàng mộ. Ảnh: Đ.TÙNG

“Tôi từng là một người lính tham gia bảo vệ tỉnh Tuyên Quang trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc. Chiến tranh kết thúc, tôi về công tác ở Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22, Quân đoàn 4. Năm 1997, tôi xuất ngũ rồi về công tác ở nghĩa trang liệt sĩ này. Công việc thường ngày của nhân viên ở đây là quét dọn, làm vệ sinh mộ, cắt tỉa cây. Mọi người thường có quan niệm nghĩa trang là nơi u ám, vì vậy chúng tôi cố gắng tạo cho nơi đây cảnh quan sáng sủa, trồng cây tạo bóng mát, trồng hoa rực rỡ… Làm sao để khi thân nhân liệt sĩ bước vào đây sẽ bớt đi cảm giác đau buồn và thấy yên lòng khi người thân của mình nằm ở một nghĩa trang khang trang” - ông Luân tâm sự.

Ông Vũ Tiến Pha tâm sự “Khi nhận công tác ở đây, tôi đã xác định những người nằm đây đều là đồng đội của mình, là người lính thì dù còn sống hay đã nằm xuống thì đều luôn đùm bọc lẫn nhau. Vì vậy những buổi tối tôi đi xung quanh nghĩa trang tôi cảm thấy bình an, không có lo sợ gì cả, giống như cảnh vệ đi tuần quanh doanh trại vào ban đêm thôi mà”.

Một năm có 5 dịp lễ lớn thường có các cơ quan, đoàn thể tổ chức đi viếng là tết âm lịch, 30-4, 27-7, 2-9 và 22-12. Trong những ngày này, ngoài việc chăm sóc mộ, nhân viên ở đây còn phải chuẩn bị đón tiếp rất nhiều đoàn tới viếng. Ông Luân kể vào những dịp đó, không lúc nào nhân viên ở đây ngơi việc, hết đoàn này đến đoàn khác, thậm chí có những đoàn đi từ miền Trung, miền Bắc vào đây lúc 10 giờ tối, nhân viên vẫn phải tổ chức để họ đi viếng mộ.

“Vì các liệt sĩ quy tập về đây có quê quán gần như khắp cả nước, nhiều thân nhân, họ hàng ở các tỉnh xa xôi, họ đi tàu, đi xe vào Biên Hòa thì trời đã tối nên chúng tôi phải tổ chức cho họ đi thắp nhang vào giờ đó luôn. Ở đây chúng tôi phải liên tục trực đêm, phần để tổ chức cho người thân liệt sĩ có thể viếng mộ bất kỳ lúc nào, phần thì phải canh chừng bọn trộm cây cảnh, cho dù xung quanh có hàng rào nhưng có những đêm anh em bận tiếp nhiều đoàn không để ý tới là y như rằng sẽ bị mất thứ gì đó” - ông Luân vừa nói vừa đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh nghĩa trang liệt sĩ.

Ngoài ông Luân thì còn ông Vũ Tiến Pha (48 tuổi, nhân viên Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh) cũng từng là cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Ông Pha kể lại khi còn bảo vệ điểm cao 820 ở tỉnh Lạng Sơn, sau mỗi đợt pháo kích của Trung Quốc là đồng đội ông lại có người bị thương, có người hy sinh. Có những lần ông và những người còn sống phải đi nhặt lại từng mảnh thi thể của đồng đội bị “dính” một trái pháo khi đang nối đường dây bên ngoài hầm trú ẩn.

“Khi đó đau đớn lắm, căm giận lắm nên quên luôn nỗi sợ về cái chết. Sau chiến tranh, tôi công tác ở một số tỉnh phía Bắc, đến năm 2007 thì chuyển vào miền Nam và làm việc ở nghĩa trang liệt sĩ đến nay. Với nhiệm vụ bảo vệ và hướng dẫn các đoàn khách đến đây, không ít lần tôi đã gặp được những đồng đội năm xưa. May mắn là lành lặn trở về để ngày hôm nay còn được ở đây chăm lo phần mộ cho các chú, các anh, các đồng đội của mình” - ông Pha trầm ngâm nhìn về phía những hàng mộ xa nhất rồi nhớ lại.

* Hành trình tìm người đã khuất

Trước năm 2007, các mộ liệt sĩ đều phải được an táng ở nghĩa trang, thân nhân không được phép đem về nên thường xuyên có trường hợp người nhà liệt sĩ đến đây lén lút đào mộ lấy hài cốt đem về quê . Ông Luân nhớ lại những năm rất khó khăn cho cả người làm công tác bảo vệ, chăm sóc mộ và cả người nhà của liệt sĩ. Dù có trưng ra được đầy đủ bằng chứng xác nhận đây là người thân của mình, nhưng vẫn không được nhận cốt đem về quê an táng.

“Lúc đó anh em chúng tôi phải trải áo mưa, nằm canh ngay tại ngôi mộ của liệt sĩ có người nhà đến xin về, dù rất thông cảm cho họ nhưng vẫn phải khuyên ngăn cho bằng được. Sau này, khi đã được phép đem hài cốt liệt sĩ về quê an táng thì đã có nhiều lượt người trở lại đây để xin đem hài cốt liệt sĩ về. Ngay cả tôi, sau khi vào đây làm tôi mới biết có một người anh họ hy sinh ở chiến trường miền Nam đang được chôn cất ở đây. Nhưng cũng phải đến năm 2012, tôi mới có thể tạm gác công việc để cùng người nhà đưa anh mình về quê” - ông Luân đưa chúng tôi đi xem ngôi mộ rỗng trước kia đã đặt hài cốt của anh họ mình.

Ông Phạm Huy Thông, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, cho biết khi tiếp nhận hài cốt liệt sĩ đưa về đây, ban quản lý sẽ cho hạ huyệt, xây mộ rồi gắn bia. Tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, các liệt sĩ được sắp xếp theo thứ tự ai đem về trước nằm trước, ai đem về sau nằm sau, không có sự phân biệt theo quê quán, vùng miền.

Ông Luân nhớ lại, đã có lần ông được phân công đi dò lại tên tuổi của các liệt sĩ ở nghĩa trang các huyện trong tỉnh và phát hiện nhiều ngôi mộ bị ghi sai quê quán hoặc sai tên. Điều này đã làm ảnh hưởng đến không ít gia đình trong quá trình tìm mộ thân nhân, ngay cả ngôi mộ của người anh họ ông Luân, cũng vì có sự nhầm lẫn trong quê quán mà phải mất nhiều năm ông mới xác minh được đó là mộ của anh mình.

Còn với ông Pha, mỗi lần thấy khuôn mặt thất vọng của nhiều người đến tìm mộ người thân hoặc những cựu chiến binh chống gậy đi tìm đồng đội, là ông lại thấy buồn cho họ. Tìm được một bộ hài cốt liệt sĩ đã khó, nhưng xác định được bộ hài cốt đó là ai, của đơn vị nào còn khó hơn nhiều lần. Cho dù đã xác định được tên tuổi, nhưng khi gia đình tới nhận về lại còn nảy sinh ra nhiều chuyện. Có gia đình cẩn thận đến xin được đem một mảnh cốt đi giám định ADN trước khi bốc hài cốt .

Không chỉ vậy, nhiều lúc trong quá trình chôn cất người lính hy sinh, do điều kiện thiếu thốn nên lúc quy tập hài cốt về đến khi thân nhân đến xin đem về an táng tại quê hương, hài cốt đã không còn nguyên. “Khi vừa mở nắp huyệt ở nghĩa trang để lấy một mảnh cốt cho thân nhân liệt sĩ đem xét nghiệm ADN, nhiều lần tôi vừa chạm tay vào thì thấy cốt bị nát vụn ra. Dường như trong lúc chôn cất ban đầu, hài cốt của những liệt sĩ ấy đã bị mục, khi nghĩ đến đó tôi lại thấy tim mình đau thắt lại. Nhiều liệt sĩ đem về chỉ còn là một mảnh sọ và vài nhúm xương, tôi nhìn thấy muốn khóc huống gì là người nhà…” - ông Luân ngẹn ngào kể.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều