Kinh tế phát triển, nhiều con đường đất được thảm nhựa bằng phẳng, thuận lợi cho xe ô tô tải chở hàng hóa. Nhưng để luồn lách, đi sâu vào những ngõ ngách, đường hẹp ở vùng quê, những chiếc xe bò kéo lại có thế mạnh.
Kinh tế phát triển, nhiều con đường đất được thảm nhựa bằng phẳng, thuận lợi cho xe ô tô tải chở hàng hóa. Nhưng để luồn lách, đi sâu vào những ngõ ngách, đường hẹp ở vùng quê, những chiếc xe bò kéo lại có thế mạnh. Nghề đánh xe bò thuê tưởng chừng bị lãng quên, nhưng hiện vẫn là kế sinh nhai của nhiều người.
Chiếc xe có lốp hơi di chuyển êm ru trên đường. |
Những năm trước, đường sá ở các xã của 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch đi lại rất khó khăn, nên chiếc xe bò là phương tiện vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Bây giờ, những chiếc xe bò đã vắng bóng dần, nhưng vẫn còn hiện diện đây đó để phục vụ người dân làm nông nghiệp.
* Con bò là đầu cơ nghiệp
Ông Lê Văn Quang (57 tuổi, ngụ khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) là một trong những người có thâm niên trong nghề đánh xe bò chở hàng thuê và điều khiển xe kinh nghiệm nhất vùng. Hơn 30 năm đánh xe bò thuê, chở đủ các mặt hàng nên đoạn đường nào xấu, khó đi trong vùng ông đều thuộc như lòng bàn tay. “Gia đình tôi có 2 thế hệ sống bằng nghề đánh xe bò chở thuê khắp vùng. Mỗi cặp bò là cả một gia tài, thêm chiếc xe thùng đóng bằng gỗ tốt, nhà ai có xe bò kéo được xem là khá nhất làng. Nhờ con bò kéo, nhà tôi có cơm ăn, nuôi sống cả gia đình. Con bò trở thành đầu cơ nghiệp, hết cày đất ở ruộng sâu, lại lên rừng chở củi, hay chở đất, cát xây nhà…” - ông Quang tâm sự.
Ông Quang cho hay, hồi xưa bà con vùng quê dùng xe bò vận chuyển nhiều thứ. Lúc còn nhỏ, ông thường theo cha đánh xe bò đi khắp nơi. Lớn lên một chút, tranh thủ buổi trưa cha ngả lưng nghỉ ngơi, ông lén dắt bò ra con đường mòn tập đánh xe. Chẳng mấy chốc, ông trở thành người biết đánh xe bò thực thụ. Bây giờ sức đã yếu, nhưng ông Quang cho rằng mình khó mà bỏ được nghề đánh xe bò.
Khi cuộc sống khá hơn, thiên hạ đã “lên đời” bằng xe có động cơ, hiếm còn ai mặn mà với xe bò kéo, nhưng ông Quang vẫn quyết giữ lại cặp bò to khỏe và chiếc xe. “Còn bò, còn xe tức là vẫn có thể sống được với nghề này. Được ngồi vắt vẻo trên chiếc xe bò cao lênh khênh, hò hét bò “dí, thá” thật yên bình làm sao” - ông Quang nói.
Cũng là một nông dân thứ thiệt, quanh năm chân lấm tay bùn nên chiếc xe bò kéo với anh Huỳnh Văn Tí (34 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) là phương tiện mưu sinh của cả gia đình. Cách đây 10 năm, anh đóng chiếc xe bò khá đơn sơ, nhỏ nhắn, bánh xe làm bằng vành sắt chắc chắn, đi qua được mọi địa hình gồ ghề hay bùn lầy. Trải qua mưa nắng, khung xe vẫn còn nguyên, chưa lần nào phải thay thế.
Sửa lại chắc chắn nài cổ đôi bò, anh Tí chia sẻ: “Mấy năm trở lại đây, xuất hiện loại bánh bơm hơi tiện lợi, ít tốn sức kéo nên được dùng thay cho bánh sắt. Những người đánh xe bò lần lượt thay bánh xe, nhờ vậy mà mỗi lần di chuyển được nhanh hơn. Còn đôi bò kéo gắn bó với mình nên có cái tình rất lớn, chúng lại rất trung thành, nuôi lâu thương lắm. Lỡ nó đau yếu, bỏ ăn thì mọi người trong nhà ai cũng buồn”.
Ông Lê Văn Quang cho hay: “Chiếc xe bò được đóng bằng gỗ tốt nên trải qua mưa nắng không hề hấn gì. Nếu giữ cẩn thận, chiếc xe vẫn có thể dùng được hơn 15 năm”. |
Theo kinh nghiệm của anh Tí, không phải con bò nào cũng được dùng kéo xe. Tính tình con bò phải hiền, trầm và phải “hợp cạ” với “người bạn” đi cùng với nó. Vậy nên, người đánh xe bò phải biết thuần và chọn bò để những chuyến đi được thuận lợi. Bò dùng để kéo xe cần nhiều sức nên phải có cổ và bờm chắc, bốn chân vững, không bị cong và xoáy từ phần dưới bắp chân sau lên lưng thật dài mới được dùng kéo xe. Nếu bò có phần xoáy ở trán bị lệch thì không dùng, vì bò hay trở chứng, hung hăng.
“Năm trước, khi kéo hàng xong tôi để đôi bò ăn cỏ ở bờ mương, không may dây điện bị đứt giật chết một con. Sau đó, tôi mua một con khác về thế, nhưng con còn lại không chịu, chúng lao vào đụng nhau. Không biết vì nhớ bạn cũ hay sao mà nó chẳng để tôi tra cổ nó vào nài. Cuối cùng, tôi phải bán cặp bò này để mua lại 2 con khác, tiếc và buồn đứt ruột” - anh Tí thở dài nói.
* Yên bình xe bò kéo
Ở ấp Xóm Gốc, xã Long An (huyện Long Thành) hiện vẫn còn nhiều người sống bằng nghề đánh xe bò kéo. Cứ chiều về, sau khi kết thúc một ngày dài làm việc vất vả, cả đoàn xe bò nối đuôi nhau trên đường mòn rảo bước về nhà. Hình ảnh người nông dân thong thả ngồi vắt vẻo trên chiếc xe bò trông thật yên ả và bình dị.
“Người dân ở khu vực này sống bằng nghề nông, nên xe bò kéo vẫn còn “đất sống”. Từ cày đất, chở phân, đến khi lúa tuốt xong người ta thường thuê xe bò chở về nhà. Tiền công chở thuê tùy thuộc quãng đường xa, gần mà người ta trả cho mình từ 80-100 ngàn đồng. Mỗi ngày, nếu kiếm được vài ba cuốc xe là có thể sống được rồi” - ông Sáu Nghị (51 tuổi) cho biết.
Ông Sáu Nghị lý giải, sự thuận tiện của chiếc xe bò kéo, dù đi xa không được nhưng nếu quanh quẩn trong xóm làng thì xe bò là sự lựa chọn hợp lý nhất. Khi có ai xây nhà, cần chở đất đá, cát thì xe ô tô đâu vào những con đường hẻm nhỏ xíu được, chỉ có những chiếc xe bò là dễ dàng luồn lách khắp nơi, đưa hàng đến tận chỗ.
Đứng khom lưng, mắt hướng về phía trước, ông Sáu Nghị tâm sự: “Thời bây giờ xe bò đã ít được ưa chuộng hơn trước. Xã hội phát triển, tất nhiên mọi thứ phải đi lên, nhưng ở vùng này xe bò kéo còn nhiều lắm, không mai một được đâu. Dấu chân, bánh xe bò đã phủ mòn lối đi, lổn ngổn trên những con đường đất đỏ”.
Gia đình bà Lê Thị Xuân (63 tuổi, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành) đang xây lại ngôi nhà mới. Con đường dẫn vào nhà bà nhỏ xíu nên xe ô tô chở nguyên vật liệu không vào được, buộc lòng phải đổ hàng tận ngoài đường lớn. “Mọi thứ đã chuẩn bị xong mà vật liệu thì không đến nơi, thuê chiếc xe bò kéo là hữu hiệu nhất. Mùa mưa tới, đường ngập nhiều bùn, bánh xe bò to đùng lướt đi mà không gặp khó khăn gì. Quãng đường đi dài hơn 200m, lại chật, nhưng chiếc xe bò vẫn rảo bước êm ru” - bà Xuân cho hay.
Xe bò không có tay vịn như xe ngựa, bò lại không có dây cương, người ngồi trên xe phải lắc lư mỗi khi qua đoạn đường gập ghềnh, khúc khuỷu. Xe đi đến đâu người ta cũng nhận ra và nhường đường cho chiếc xe bò kéo đang chậm rãi phát ra tiếng kêu cộc kệch.
Thanh Hải