Báo Đồng Nai điện tử
En

"Chìm nổi" bè hàu

10:12, 13/12/2013

Đã 3 năm nay, gia đình 5 người của ông Huỳnh Văn Lầu (45 tuổi, ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) lênh đênh trên chiếc bè dựng bằng gỗ và thùng nhựa để nuôi hàu ở giữa sông. Không nhà cửa, nhưng ông Lầu vẫn cười giòn tan nói với chúng tôi: "Coi vậy mà sống khỏe hơn lúc ở trên bờ đó".

Đã 3 năm nay, gia đình 5 người của ông Huỳnh Văn Lầu (45 tuổi, ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) lênh đênh trên chiếc bè dựng bằng gỗ và thùng nhựa để nuôi hàu ở giữa sông. Không nhà cửa, nhưng ông Lầu vẫn cười giòn tan nói với chúng tôi: “Coi vậy mà sống khỏe hơn lúc ở trên bờ đó”.

* Gia truyền nghề… mò cua

Tờ mờ sáng, như đã hẹn trước, chiếc vỏ lãi nhỏ được anh Huỳnh Minh Chí (20 tuổi, con trai ông Lầu) từ từ cập vào bờ đón chúng tôi ra bè giữa sông, nơi cả gia đình anh sống và nuôi hàu. Chiếc bè khoảng 40m2, được làm bằng gỗ, thùng nhựa, riêng phần lồng nuôi hàu phía trước được ghép lại bằng tre. Gia đình ông Lầu có khoảng 10 lồng nuôi hàu như vậy. Thấy chúng tôi có vẻ chần chừ khi bè chao đảo, ông Lầu liền chìa bàn tay chai sạn kéo chúng tôi lên bè, rồi nói: “Bè này vững lắm, đừng lo, cứ đi lại bình thường thôi. Đợt áp thấp vừa rồi, mưa gió ầm ầm mà gia đình tui vẫn ngủ ngon nữa mà”.

Bè nuôi hàu của gia đình ông Huỳnh Văn Lầu.
Bè nuôi hàu của gia đình ông Huỳnh Văn Lầu.

Trước khi làm nghề này, ông Lầu từng có một căn nhà ở trên bờ. Từ đời ông nội đến cha ông và cả ông đều sống bằng việc bắt cua, đào chem chép ở rừng ngập mặn ven sông.  “Hồi đó, mấy cha con tui từ sáng sớm đã chèo xuồng ra mấy rặng cây mắm, cây bần bắt cua, bắt nha để hôm sau đem bán sớm. Làm ăn túc tắc vậy mà mỗi ngày cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng. Thời gian rảnh thì đi đào chem chép, hay chạy xe ôm cũng kiếm thêm được vài chục ngàn đồng. Nhưng cũng không được bao lâu, khi người mấy nơi khác đem đến vùng sông nước này cái nghề “nò” mực thì dân bắt cua, bắt nha tụi tui hết đường làm ăn. Vì cái mắt lưới “nò” mực nhỏ quá, con cua con cũng bị mấy ổng bắt sạch trơn, làm gì có thời gian mà lớn cho nổi, nên có tuần không bắt được con cua nào. Vậy nên tui mới phải bỏ ra đây làm cái nghề này, chứ thử hỏi có nhà cửa không ham hay sao mà phải ra giữa sông để sống bấp bênh như vầy” - chỉ cho chúng tôi những ngư dân đang thu lưới “nò” mực ở gần bè của mình, ông Lầu ngao ngán nói.

Khoảng giữa năm 2009, trong một dịp tình cờ đến nhà người quen ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Lầu học được nghề nuôi hàu của người dân ở đây. Sau nhiều tháng đắn đo, ông bàn với vợ và quyết định tự mình ra giữa dòng sông này dựng bè nuôi hàu, còn những người con của ông tiếp tục ở trên bờ bắt cua sống qua ngày.

Ông Huỳnh Văn Lầu kiểm tra những lồng hàu sắp vớt lên bán.
Ông Huỳnh Văn Lầu kiểm tra những lồng hàu sắp vớt lên bán.

Nói là làm, ông xách túi lên đường tìm đến những người nuôi hàu xin được học nghề không lương suốt nửa năm ròng và quay về khi thấy mình đã đủ kiến thức để làm nghề này. “Đầu tiên phải đem lồng có thức ăn đem bỏ ở những đoạn nước sâu gần cửa sông. Từ đây đi ra đó xa lắm, tui dùng cái vỏ lãi lớn để đem được nhiều lồng. Khoảng 3 tháng sau, khi hàu đã bám vào lồng thì mới có thể đem vô trong chỗ sông này nuôi được, để tiện bề đem bán và coi sóc. Khoảng thời gian trống đó, gia đình tui làm thêm những nghề khác để có thu nhập. Mùa hàu đầu tiên, tui thua trắng tay nên vợ tui can không cho nuôi nữa. Nhưng tui vẫn quyết tâm làm bằng được nên bán luôn nhà trong đất liền và đem cả gia đình ra ở ngoài này, lấy tiền bán nhà làm vốn cho mùa hàu sau” - ông Lầu tâm sự.

* Chìm nổi phận người

Đến mùa hàu sau, khi đã có kinh nghiệm, công việc của ông Lầu trở nên ổn định hơn. Mỗi năm nuôi từ 1-2 đợt, khi hàu lớn thì bán lẻ cho các quán ăn, hoặc thương lái thu mua. Bà Trần Phượng Loan (45 tuổi, vợ ông Lầu) hồ hởi khoe, mỗi ngày bà bán được khoảng 10-15kg hàu cho các quán ăn, cũng có được 150-200 ngàn đồng để trang trải cuộc sống hàng ngày. Thời gian trước, chỉ có ông Lầu và hai người con trai đi bắt cua, bữa được bữa không nên cuộc sống bấp bênh. “Giờ thì đỡ nhiều rồi, thu nhập không nhiều nhưng được cái đều đặn hàng ngày, nên tụi tui cũng sống khỏe. Chỉ có điều, lênh đênh trên sông riết cũng không phải chuyện tốt. Tui mong mấy thằng con tui có công ăn việc làm khá để lên bờ sống cho ổn định” - đưa cho chúng tôi xem một giỏ hàu vừa được kéo lên đang chờ người tới mua, bà Loan nói.

Kích thước một con hàu đã có thể đem bán.
Kích thước một con hàu đã có thể đem bán.

Những ngày đầu tiên phải bán nhà ra bè đối với những thành viên trong gia đình ông Lầu là điều rất khó khăn, từ điện, nước sinh hoạt, đến đi lại cũng bất tiện. “Hồi mới làm, nhà tui chỉ có một cái vỏ lãi loại nhỏ thôi. Sau đó, tui mới mua thêm hai cái nữa để đi lại trên sông cho tiện, rồi mua thêm một chiếc ghe để thằng con lớn chở hải sản thuê cho thương lái. Mấy ngày đầu ra đây, chưa quen sóng to gió lớn nên vợ con tui say sóng hết cả tháng, rồi đâu cũng vào đó. Ở đây gió thổi suốt ngày, mát mẻ nên cũng thoải mái đầu óc lắm, có dịp mời các anh về đây ở chung với gia đình tui mấy ngày cho biết đời sống người dân nghèo vùng sông nước” - ông Lầu cười to khi kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình mình.

Con hàu sống ở ghềnh đá ven biển hay các cửa sông. Bên cạnh bè nuôi hàu của gia đình ông Huỳnh Văn Lầu, còn có một số bè của các hộ dân ở các xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), Phước Thái (huyện Long Thành) mới bắt đầu nuôi hàu được hơn một tháng nay.

Mùa hàu đầu tiên, chỉ có một mình ông Lầu ở trên bè nên ông dùng bình ắc quy để cung cấp điện. Đến khi cả gia đình chuyển lên bè thì ông tìm nguồn điện mới từ những tấm pin năng lượng mặt trời. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Lầu cùng anh Chí nhanh chóng bắc thang ngay trên chiếc bè tròng trành rồi cùng chúng tôi leo lên mái nhà lợp bằng lá dừa để xem những tấm pin. Ông nói những tấm pin này đủ để thắp sáng khoảng vài tiếng một ngày và nấu cơm, xem ti vi, nhưng ban đêm thì dùng hạn chế, chủ yếu chỉ để thắp sáng đèn ngoài lồng nuôi hàu.

“Tối nào anh em tui cũng phải thức canh trộm. Cứ mỗi lần vớt hàu lên cho buổi chợ sớm mai là thể nào cũng có đứa để trôi ghe đến trộm. Nhà tui phải nuôi thêm mấy con chó để canh, nên cũng ít bị mất. Rồi những lúc bệnh tật nữa chứ, chị ba tui vừa từ Bệnh viện Long Thành về đó. Ở trên bè khổ lắm, có ai muốn đâu, vì cuộc sống cả thôi. Như tui, chỉ được học hết lớp 5 đã cùng cha đi bắt cua, bắt nha, giờ thì làm bè hàu, cũng đủ ba bữa mỗi ngày. Mai mốt anh hai tui lập gia đình, tui lên trên bờ làm công nhân hay phụ hồ để kiếm thêm tiền về phụ gia đình” - anh Chí vừa nổ máy chiếc vỏ lãi đưa tôi ngược vào bờ, vừa bộc bạch.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều