Báo Đồng Nai điện tử
En

Về Phú Hội thưởng trà

08:08, 03/08/2013

Những người cao niên ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) cho biết, ngay cả ông, cha họ vẫn không biết cây trà xuất hiện trên đất Phú Hội thời gian nào.

Những người cao niên ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) cho biết, ngay cả ông, cha họ vẫn không biết cây trà xuất hiện trên đất Phú Hội thời gian nào. Trong ký ức của họ, vùng đất Phú Hội xưa kia các khu đất gò, đồi đều được nông dân đem cây trà về trồng dày đặc trong vườn. Hiện những gốc trà có từ đời ông, đời cha của họ vẫn xanh tốt và tạo nên thứ đặc sản trà Phú Hội nức tiếng một thời.

Bà giáo Lít đang hái trà.
Bà giáo Lít đang hái trà.

Lần theo câu ca dao: “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội”, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng thầy giáo Lê Văn Nương và Nguyễn Thị Lít (ấp Xóm Hố). Rót ly trà Phú Hội đỏ tím nghi ngút khói vào chiếc ly mời khách, ông giáo Nương đủng đỉnh nói: “Trà Phú Hội phải được pha với nước Mạch Bà thì mới ngon và mới tạo nên nét đặc sắc của trà miệt này. Hiện nguồn nước Mạch Bà nhiều nơi bị ô nhiễm, vườn trà ngày càng bị thu hẹp diện tích trồng và tài nghệ chế biến thủ công cũng thui chột dần theo thời gian. Vì lẽ đó, trà Phú Hội không còn giữ được toàn bộ vị đặc trưng của nó như thuở xa xưa”.

* Phảng phất hương xưa

Sau vài ngụm trà thân thiện, ông giáo Nương bắt đầu giới thiệu về thứ trà Phú Hội của làng quê ông. Ông giáo Nương cho hay, trà Phú Hội chính gốc khi pha ra sẽ có nước màu đỏ bầm rất đẹp, có hương vị thơm ngon riêng, nhất là khi lá trà Phú Hội hòa hợp với lá trà Phật, ren, dứa qua chế biến thủ công, lại được pha bằng nước giếng Mạch Bà. “Mạch Bà là một hệ thống nước ngầm chảy qua địa bàn xã Phú Hội. Khi chảy qua Phú Hội, hệ thống nước này còn tạo ra những đoạn lộ thiên phun trào, trong vắt và mát. Người dân trong vùng thường tới đây tắm giặt và gánh nước về uống” - ông giáo Nương nói.

Thời xa xưa, diện tích đất trồng trà Phú Hội lên đến hàng trăm hécta, nhà nào cũng trồng và chế biến trà để uống, bán. Đoạn suối cạnh Mạch Bà còn có lò sấy trà của ông Tám Yến và trà Phú Hội loại ngon được đem bán ra Chợ Lớn, Biên Hòa.

Để làm ra thứ trà Phú Hội theo truyền thống gia đình, bà giáo Lít (vợ ông giáo Nương) sau bao năm làm dâu nhà chồng, bà mới được mẹ ông giáo Nương truyền lại công thức pha chế trà truyền thống của gia đình. Bà giáo Lít bày tỏ, lá trà tươi sau khi hái từ vườn vào được phơi nhẹ trong nắng sớm cho ráo. Sau đó, trải ra sân dùng chân đạp cho mềm, rồi tiếp tục phơi khô. Trong quá trình phơi trà ra nia, lá trà Phật, ren, dứa được xắt nhỏ rải đều trên mặt nia hoặc trộn lẫn với trà đã đạp dập để phơi. Trong 2 nắng, trà được đem vào sao nhẹ, đổ ra nia và cho vào bịch để ủ mùi. “Trà Phú Hội có hai loại, loại trà búp và trà lá. Ngoài công thức phối hợp gia vị của từng gia đình thì lá trà hái xong được đạp ra sao cũng quyết định một phần làm nên hương vị đặc sắc của trà Phú Hội” - bà giáo Lít vừa rót thêm trà vào ly và tâm sự.

Ông giáo Nương chỉ cách tỉa trà không làm ảnh hưởng đến sức sống của cây.
Ông giáo Nương chỉ cách tỉa trà không làm ảnh hưởng đến sức sống của cây.

Cũng theo bà giáo Lít, để làm nên thứ hương vị đặc sắc cho ly trà Phú Hội mà chúng tôi đang uống, những nàng dâu như bà sau khi đạp trà xong thì bàn chân bị nhựa trà bám một lớp dày. Chính vì vậy, khi đạp trà xong, mọi người cùng nhau ra các dòng suối Mạch Bà chảy qua nhà lấy khế chua, chanh và viên đá mềm để kỳ cọ cho sạch. “Nếu không rửa cho sạch các nhựa trà bám trên da, các móng ngón chân thì khi lội ruộng gặp nước phèn, đôi chân con gái Phú Hội đen đúa trong lớp da trắng sẽ xấu tệ. Chính vì vậy, ngoài trà trong vườn, người ta còn trồng dăm cây khế, cây chanh để dùng tẩy chân tay khi bị nhựa trà bám” - bà giáo Nương chỉ vào đôi bàn chân, tay trắng hồng khi ở tuổi gần 50, vẫn trơn bóng như thời con gái. Bà cho rằng, có lẽ vì nhựa trà mà các cô gái cẩn thận chăm sóc chân tay nên mới giữ được nét đẹp duyên dáng đó.

* Gãy khúc ca dao

Bên ly trà Phú Hội nghi ngút khói, khi được đưa vào miệng thì có thêm vị ngọt, chát ngất ngây. Ông giáo Nương tức cảnh sinh tình ngâm nga:  “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội, chuối già Long Tân, gạo thơm Phước Khánh, tôm càng Phước Nguyên”. Rồi ông lý giải, tất cả những đặc sản thuộc sở hữu của người và đất Nhơn Trạch. Điều đặc biệt hơn là nó luôn nằm cặp kè với đất và người Phú Hội. Có thể nguồn nước Mạch Bà đã làm nên những đặc sắc đó. Theo lý giải của ông giáo Nương, do nước Mạch Bà bị ô nhiễm, vùng trồng trà của Phú Hội cũng bị vạ lây vì khói bụi, nước thải công nghiệp. Chính vì vậy, câu ca dao trên bị gãy khúc khi các đặc sản chuối già, gạo thơm của vùng đất Long Tân, Phước Khánh không còn vị, dẫn đến mất đi tiếng tăm. Riêng diện tích cây trà của xã Phú Hội hiện không còn được bao nhiêu trong vườn. “Cây trà Phú Hội vốn kỹ tính, nó chỉ nẩy mầm từ các hạt khô trên cây rụng xuống gốc và nẩy mầm theo tự nhiên mà thôi. Bản thân tui từng lấy hạt ươm để nhân giống nhưng thất bại” - ông giáo Nương nói.

Hiện ông giáo Nương có 2 sào đất trồng trà Phú Hội, ông càng tự hào hơn khi vườn nhà ông vẫn còn giữ được trên 70 gốc trà từ thời ông cố, ông nội. Là chàng trai xứ trà, ông giáo Nương hiện là người nắm giữ nhiều kỹ thuật chăm sóc khi lớp người cao niên qua đời gần hết. Ông giáo Nương trong bộ đồ lao động dẫn chúng tôi ra vườn trà chỉ từng gốc dẫn giải, những cây trà con mọc tự nhiên dưới gốc được ông bứng lên đem vào vườn ươm. Khi ươm gốc phải được đặt nghiêng 45o để cho tức chồi. Khi cây sống, đem trồng trong vườn một thời gian thì chặt phần trên mắt chồi để cho tức mụt. “Cứ 3 năm khai thác thì tui tỉa vườn 1 lần. Khi tỉa, rựa phải bén, chỉ cần một nhát hoặc hai nhát theo hình chữ V và không được làm cho thân bị tét hoặc nứt nơi vết chặt. Cho đến bây giờ, tụi tui vẫn bón phân cho trà bằng phân xanh, phân chuồng, rất ít khi dùng phân hóa học nhưng cây trà vẫn xanh tốt và cho lá quanh năm” - ông giáo Nương hướng dẫn.

Bà Mười Dĩa (người con gái Phú Hội về Phước Thiền làm dâu mang theo nghề làm trà về nhà chồng) cho biết, 5 kg lá trà tươi mới làm ra 1 kg trà khô. Gia vị để ướp trà đều lấy từ thiên nhiên, như: lá trà Phật, ren, dứa và nắng hồng Phú Hội, không bao giờ ướp nhuộm bằng các hương liệu hóa chất.

Sợ dông dài với vợ chồng ông giáo Nương làm bà giáo Lít lỡ mẻ trà đang phơi sấy, anh Đặng Hoàng Minh (cán bộ xã Phú Hội) dẫn chúng tôi đi gặp thêm các nghệ nhân trồng và sản xuất trà của Phú Hội. Trên đường đi, anh Minh cho hay, trà Phú Hội hiện thu hẹp về diện tích và thưa dần các nghệ nhân giỏi chế biến trà. “Dù các đặc sản miệt vườn Nhơn Trạch theo thời gian mất đi tăm tiếng. Tuy vậy, Phú Hội hiện vẫn giữ được nghề truyền thống trồng và chế biến trà trong dân gian. Trà Phú Hội mãi là món quà biếu không thể thiếu cho người thân khi về thăm Phú Hội chúng tôi đó” - anh Minh bộc bạch.

Đoàn Phú  

 

 

Tin xem nhiều