Ngư dân Sáu Hia (ngụ ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) nhẩm tính: “Mùng 10 nước cạn lúc 6 giờ. Lúc đó, tôi dẫn nhà báo các anh đi xem người ta vớt trùn chỉ, cào hến dưới sông là vừa”.
Ngư dân Sáu Hia (ngụ ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) nhẩm tính: “Mùng 10 nước cạn lúc 6 giờ. Lúc đó, tôi dẫn nhà báo các anh đi xem người ta vớt trùn chỉ, cào hến dưới sông là vừa”.
Lang thang cùng ngư dân trên dòng sông Đồng Nai, chúng tôi nghe các ngư dân tâm sự chuyện đời, chuyện nghề trên những chiếc bè nổi, xuồng đạp, ghe cào.
* Cào cấu dòng sông
Chờ cho con nước ròng hết cỡ, ông Sáu Hia đưa chúng tôi đi gặp những người vớt trùn chỉ, cào hến dưới đáy sông Đồng Nai. Đúng như những gì ông Sáu Hia nói trước với chúng tôi, mới 5 giờ sáng, mặt trời chưa ló ra khỏi những hàng cây cao ngất dọc theo các triền sông, đã có rất đông người đang trầm mình dưới dòng sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai, đoạn chảy qua Cù lao Phố, thuộc xã Hiệp Hòa) tất bật xúc xúc, cào cào những “sản vật” mà dòng sông ban phát cho họ.
Những tháng kiệt tôm cá, ốc hến, ngư dân tranh thủ chèo ghe dọc bờ sông Đồng Nai vớt ve chai về bán. |
Ông Sáu Hia cho ghe tấp vào chỗ anh em Nghĩa và Phúc (sống tại khu nhà bè Tân Mai, TP.Biên Hòa) đang hì hục dùng vợt lưới cào hến, xúc trùn dưới đáy sông. Bùn đen bị khuấy động xông lên mùi nồng nặc, chúng tôi hắt xì liên tục, nhưng Nghĩa thì tỉnh bơ: “Chỗ gần các đường cống nhà máy xả nước thải mới có nhiều trùn. Sông Đồng Nai chỉ có đoạn gần Nhà máy giấy Tân Mai và bờ kè bến đò An Hảo (phía bờ Khu công nghiệp Biên Hòa 1, thuộc phường An Bình) mới có trùn chỉ, chứ không phải chỗ nào cũng có trùn mà xúc đâu”. Còn Phúc thì vô tư kể: “Ngứa lắm chú ơi. Dầm mình dưới nước bẩn riết nên người con bị ghẻ lở, xức thuốc hoài mà không hết”.
Không riêng gì anh em Nghĩa, khúc sông Cái chảy qua Cù lao Phố sáng sớm hôm ấy có hàng trăm người trầm mình trong nước lạnh giá và dơ bẩn mưu sinh. Trong đó, chỉ đoạn đáy sông dài chừng 1km gần khu cảng Cogido đã có trên 50 người xúc trùn chỉ, cào hến. Họ bám vào các bãi bồi, vùng nước cạn để mưu sinh. Ông Sáu Hia ví von: “Họ như là những nàng tiên cá, lúc nào cũng trầm nửa thân mình dưới nước vậy đó”.
Đang xúc trùn gần chỗ anh em Nghĩa, chị Hai Bình nói: “Chỉ có người nghèo mới trầm mình dưới đáy sông lúc này thôi. Người khá thì có ghe máy để cào, xúc, hoặc thuê tụi tui làm. Công việc của tụi tui thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước dơ bẩn, vì nơi bùn lầy nhiều mới có nhiều trùn, nhiều hến”.
Khi nghe chúng tôi hỏi chuyện thu nhập kiếm được sau một ngày trầm mình dưới đáy sông Cái lợn cợn bùn, rác, mảnh vỡ sành sứ... xúc trùn, cào hến, chị Nga (ở xóm bè Tân Mai) không giấu giếm: “Mỗi con nước (ngày) xúc được 2-3 thùng trùn chỉ (loại thùng 20 lít), bán được 50-60 ngàn đồng. Còn hến thì kiếm được khoảng 40 ngàn đồng/ngày (mỗi ngày xúc được khoảng 4-5 thùng). Bây giờ, trùn, hến đều hiếm, trầm mình cả buổi mới kiếm được vài chục ngàn đồng. Nhưng không đi xúc hến, bắt trùn chỉ thì tụi tôi không biết làm nghề gì để sống”.
* Mơ vào đất liền
Rời bãi xúc trùn, cào hến gần bến đò An Hảo (phường Bình Đa), ông Sáu Hia đưa chúng tôi đến khu nhà bè Tân Mai. Trên đường đi, ngư dân Sáu Hia giải thích rất lập lờ: “Chỉ có người nghèo mới làm nghề cào hến, xúc trùn và chỉ có dân ở làng bè mới cào hến, xúc trùn”.
Tiếng chó làng bè sủa inh ỏi khi có khách lạ. Đang đi chơi ở bè nhà hàng xóm, bà Hai Ngoan (ở làng bè Tân Mai) vội lật đật đạp ghe (chèo bằng chân) về bè mình. Được bà Ngoan mời lên bè chơi, chúng tôi mau mắn nhận lời. Bước lên chiếc bè cũ kỹ, ọp ẹp, chúng tôi quan sát thấy nơi ở của 3 mẹ con bà Ngoan chỉ là một cái lồng nuôi cá với diện tích 8m2 thấp lè tè, nổi bồng bềnh trên mặt nước.
Được khơi đúng chỗ, bà Ngoan than: “3 mẹ con tôi không sợ chỗ ở chật chội, mà chỉ lo bệnh tật, không có việc làm. 2 đứa con tôi lên bờ làm thuê, làm mướn bữa được, bữa mất, còn tôi hôm thì đi xúc trùn, lúc thì bơi xuồng dọc bờ sông để vớt ve chai. Mỗi ngày như vậy, tôi cũng kiếm được gần 40 ngàn đồng. Cuộc sống khó khăn quá, không biết bao giờ tôi mới có tiền lên bờ để mua miếng đất ở cho sướng”.
Mưu sinh của ngư dân các làng bè Long Bình Tân, Tân Mai trên sông Đồng Nai. |
Thấy chúng tôi ghé bè bà Ngoan, nhiều người khác cũng chèo xuồng sang chơi. Bà Bảy Mến kể: “Dân bè tụi tôi mỗi lần cưới dâu, gả con gái, hoặc có chuyện hữu sự thì lên bờ xin ban hành giáo nhà thờ chỗ để tổ chức. Chứ chật chội như vầy, lấy chỗ đâu mà lo chuyện cưới hỏi, ma chay. Còn thuê nhà hàng để tổ chức thì nghèo quá, đừng có mơ!”.
Những người dân nghèo làng bè Tân Mai (thuộc các phường, xã: Hiệp Hòa, Thống Nhất, Quyết Thắng, Tân Mai của TP.Biên Hòa) ngoài trầm mình mưu sinh dưới bùn ô nhiễm, họ còn phải thức canh từng con nước để gọi nhau đi xúc trùn, cào hến. “Ngày cũng như đêm, mùa mưa hay mùa nắng, miễn sông Cái cạn đáy là tụi tui tất tả đạp ghe đi làm” - ông Mười Oanh, một ngư dân ở làng bè, cho biết. Còn bà Thê (69 tuổi) thì lo xa: “Sống thì mơ chỗ ở trên bờ, chết thì mơ được vào nghĩa địa. Vậy mà, đời này sang đời khác, chúng tôi vẫn chưa có nổi miếng đất cắm dùi”.
Nói rồi, bà Thê dẫn chúng tôi đến bè gia đình ông Lê Văn Luyện cách đó không xa. Chỉ là mái bè cách mặt nước 2m, hầm hập nóng, nhưng 7 nhân khẩu trong gia đình ông Luyện đã quen sống với 12m2 diện tích mặt sàn. Ông bộc bạch: “Phía trên thì cha con tôi ở, dưới thì dành cho cá. Chỗ ở chật chội tôi không sợ, chỉ sợ chật quá cá chịu không nổi, chết hết thì gia đình tôi phải bán bè trả nợ”.
Chờ nước lớn, ông Sáu Hia cho ghe xuôi về nhà. Dọc đường, chúng tôi gặp rất nhiều ghe đạp, ghe máy trong khoang đầy trùn, đầy hến đang ngược xuôi kiếm mối tiêu thụ (bán cho các hộ nuôi cá bè). Bằng kinh nghiệm và tấm lòng của dân sông nước từng trải, ông Sáu Hia chua chát nói: “Chim trời, cá nước, ai bắt được nấy ăn, nhưng muốn có ăn dài lâu thì phải biết bảo vệ chúng”, rồi ông tăng ga cho chiếc xuồng máy phóng nhanh về nhà.
Đoàn Phú