Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa săn cào cào

08:04, 15/04/2013

Chiều đến, những người săn cào cào lại chọn những bãi cỏ xanh mướt để tung vợt lùa những con cào cào vào trong chiếc túi rộng thùng thình làm bằng lưới (hoặc vải thưa). Cào cào săn được, họ đem bán cho những người nuôi chim, cá cảnh…, thậm chí dùng làm món ăn, mồi nhậu. Mùa mưa là mùa thích hợp nhất để săn cào cào…

 

Chiều đến, những người săn cào cào lại chọn những bãi cỏ xanh mướt để tung vợt lùa những con cào cào vào trong chiếc túi rộng thùng thình làm bằng lưới (hoặc vải thưa). Cào cào săn được, họ đem bán cho những người nuôi chim, cá cảnh…, thậm chí dùng làm món ăn, mồi nhậu. Mùa mưa là mùa thích hợp nhất để săn cào cào…

Ai cũng biết, cào cào là loài côn trùng có hại, chuyên phá hại mùa màng. Vậy mà có những người, cuộc sống lại dựa vào những con vật nhỏ bé này. Nhiều người bắt cào cào cho biết, hồi trước ít ai bắt cào cào, nhưng bây giờ đã có sự cạnh tranh. Nhưng loài này nhiều vô kể, chừng nào còn cỏ mọc, chừng đó còn có cào cào.

* Mưa về, cào cào sinh sôi

Mưa về, những cánh đồng lúa, bãi cỏ khô khốc… như hồi sinh trở lại. Cũng vì thế, cào cào nhanh chóng sinh sôi, nảy nở, sau những ngày “ở ẩn” dưới lớp đất nâu tránh cái nắng nóng của mùa khô.

Người bắt phải vung vợt đúng “điệu” mới bắt được nhiều cào cào.
Người bắt phải vung vợt đúng “điệu” mới bắt được nhiều cào cào.

Chỉ sau vài cơn mưa rào đầu tháng 4, tại những bãi cỏ rộng lớn ở các xã: Phú Thạnh, Vĩnh Thanh, Phú Đông… (huyện Nhơn Trạch), lũ cào cào đất đã tập hợp đông đúc. Tiếng đạp cánh, tiếng kêu gọi bạn tình của chúng tạo nên bản nhạc hợp xướng báo hiệu mùa săn cào cào đã về.

“Cái loài này cũng lạ, mùa nắng trốn đâu không biết, nhưng nghe hơi mưa là đông lúc nhúc. Mưa về, chúng sinh sản rất nhanh. Vậy nên, người hành nghề phải am hiểu từng chu kỳ sinh học của cào cào để còn đi săn nữa. Nếu không có kinh nghiệm, có khi đi cả ngày đường mà vẫn “xôi hỏng bỏng không”. Nhưng càng đi càng vui, vì nếu chúng không trú ở cánh đồng lúa, thì cũng ở bãi cỏ rộng, nhiều cây cao” - anh Phạm Văn Phúc (40 tuổi) nói.

Đúng như lời anh Phúc nói, sau khi lúa mùa thu hoạch xong, do “mất đất”, đám cào cào bắt đầu tấn công các bãi cỏ. Gặp cơn mưa lớn đầu mùa, cỏ lún phún ngọn non, loài cào (cách gọi ngắn gọn của những người đi bắt) được ăn no nê, con nào con nấy mập ú.

Sau một hồi khom người xem thấy túi lưới đã nặng, anh Phúc bắt đầu tung vợt lên, rồi tụm lại trút những con cào cào vừa “sa bẫy” vào trong chiếc xô nhựa. Dằn cái thùng để cào cào rớt xuống đáy, anh Phúc nói: “Nắng cũng có, nhưng ít lắm. Bù lại, giá cào mùa nắng cao hơn mùa này. Cào bắt về chủ yếu bán cho những người nuôi chim, cá cảnh, rắn mối… Cứ một bịch ny-lông mình bỏ chừng 20-25 con, có thể bán mối 4 ngàn đồng. Hay có thể bán sỉ, mỗi ký từ 60-90 ngàn đồng. Một buổi chiều, tôi có thể vợt chừng 3kg cào đổ lại”.

Với anh Nguyễn Văn Hiếu (35 tuổi, ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành), công việc bắt cào cào đã trở nên quen thuộc mỗi khi mùa mưa đến. Đưa chúng tôi đến một khu đất trống, cỏ dại um tùm gần cánh đồng xã Long An (huyện Long Thành), một tay anh xắn ống quần lên cao, tay còn lại anh vén cỏ để bước xuống ao nước cạnh đó. Khi cây vợt quét ngang, những con cào cào xuất hiện rồi chui lọt vào bên trong vợt. Những con không cánh, sau khi bị bắt nằm yên, còn những con có cánh thì bay loạn xạ, tìm cách thoát ra. “Mới đầu mùa mưa nhưng cào nhiều lắm, chúng chỉ thực rộ vào tháng sau. Lúc này, người đi bắt cũng rất đông, tui đang lên kế hoạch sắm thêm cái vợt nữa, rồi rủ thằng em đi cho vui. Tiền kiếm dễ, mà lại được bay nhảy khắp nơi” - anh Hiếu hồ hởi nói.

Tâm sự về công việc này, anh Hiếu hóm hỉnh: “Lúc đầu, có nhiều người bàn tán về cái nghề lạ lẫm rằng: “Rỗi việc hay sao mà đi bắt cào cào?”. Tuy lạ mà hay, nghề này vừa giúp mình kiếm tiền, vừa trừ hại côn trùng có hại cho bà con nông dân. Những năm mất mùa vì cào phá hại thì ai cũng than thở… Bây giờ, cào còn sợ mình nữa”.

* Săn “cào ăn sương”

Gọi là “cào ăn sương”, bởi theo những người bắt cào cào, loài côn trùng này xuất hiện nhiều nhất từ 16 giờ đến khoảng 19-20 giờ. Lúc này, sương đêm bắt đầu đọng lại trên cỏ, chúng mới chui lên tìm thức ăn. Cứ thế, người làm nghề tay vợt vung lên, hạ xuống bắt cào cào. Đến bao giờ trời tối sẫm, cào cào được thu nặng túi, họ mới trở về nhà.

Ngày hôm sau, đợi cơn mưa chiều vừa ngớt, chúng tôi cùng anh Hiếu và nhóm bạn 3 người về những bãi cỏ nằm sát cánh đồng lớn xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch). Bộ đồ nghề đơn giản, gồm: một cái vợt rộng thùng thình làm bằng lưới mắt cá và một cái xô đựng cào cào. Tất cả được xếp gọn gàng, rồi buộc chặt đằng sau chiếc xe Cub81 của anh Hiếu để bắt đầu chuyến săn “cào ăn sương”. Gần một giờ chạy xe, cuối cùng chúng tôi đã đến “đại bản doanh” của đám cào cào.

“Ở đây, ruộng lúa nhiều mà cỏ cũng lắm, nên loài cào rất thích sống. Không chỉ có chúng tôi, mà dân làm nghề ở Biên Hòa, Sài Gòn cũng tìm tới đây bắt cào cào. Với mỗi ký cào được bán với giá mấy chục ngàn đồng, công việc này đã trở thành nghề có thu nhập cao vào những ngày mùa mưa” - anh Việt (26 tuổi), một người đi bắt cào cào, cho hay.

Nghề săn cào đơn giản, dễ kiếm tiền, nhưng coi vậy mà không đúng, vì mỗi khi vung vợt lên phải đúng điệu hẳn hoi. Nếu không, loài côn trùng tinh vi này chẳng những không vào vợt, mà lại bay tỏa đi hết. Muốn “thu hút” được nhiều cào cào, phải học cách “múa” vợt cho uyển chuyển, vợt cái nào ra cái đó.

Cào cào được chia nhỏ vào bịch ny-lông đem bán cho người nuôi chim, cá cảnh.
Cào cào được chia nhỏ vào bịch ny-lông đem bán cho người nuôi chim, cá cảnh.

“Chờ đến xế chiều, cào lên ăn sương nhiều thì thoải mái mà vợt. Chỉ sợ không có đủ sức khỏe và sự tỉ mỉ thôi. Có hôm, cào nhiều quá, mải quơ vợt, đến khi nhìn xung quanh vắng vẻ, nhà nhà đã chong đèn, tôi mới giật mình lên xe phóng về. Ngày hôm đó, cân đi cân lại cũng hơn 5kg, bỏ túi hơn 300 ngàn đồng. Hồi trước, ít người làm nghề này, còn bây giờ cũng có sự cạnh tranh. Nhưng loài này nhiều vô kể, chừng nào còn cỏ, lúc đó còn cào. Cứ 5-10 bữa, tôi lại đổi địa điểm bắt cào một lần” - anh Lê Tuấn Bình, một tay săn cào cào từ TP.Hồ Chí Minh đến, cười tươi khoe những chuyến “làm ăn lớn” của mình.

Anh Bình còn cho biết, nghề này không bao giờ sợ thất nghiệp, vì người nuôi chim cảnh ngày càng nhiều, giờ còn phát sinh thêm món cào cào đặc sản, làm mồi nhậu sướng rơn cho thực khách. Gần 18 giờ, giũ lại bao đựng số cào cào vừa săn được, anh mới bắt đầu thu dọn đồ nghề để về nhà trước khi trời vào đêm. Hôm nay, bắt được nhiều cào cào nên anh Bình không cần bỏ vào bịch ny-lông, mà lên xe phóng về điểm bỏ mối.

Theo một chủ thu mua cào cào ở gần chợ Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch): “Nghề này bắt đầu rộ lên cách đây 5 năm, khi phong trào nuôi chim, cá cảnh phát triển rộng khắp. Mùa nắng, sức tiêu thụ mặt hàng này nhiều nhất, vì khó bắt cào cào. Nhiều nhà hàng ở thành phố lớn còn chuộng món cào cào nữa. Vì chúng rất sạch sẽ, chỉ ăn những ngọn cỏ xanh non nên chiên giòn ăn ngon và bổ dưỡng, không món nào sánh bằng”.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều