Thời gian qua, công tác thanh tra tại các địa phương đã được lực lượng thanh tra chú trọng triển khai. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục.
Thời gian qua, công tác thanh tra tại các địa phương đã được lực lượng thanh tra chú trọng triển khai. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh trao đổi với lãnh đạo H.Cẩm Mỹ (giữa) về công tác thanh tra trên địa bàn huyện. Ảnh: T.DANH |
* Nhiều vấn đề xã hội được thanh, kiểm tra
Công tác thanh tra tại các địa phương đã và đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Qua hoạt động thanh tra đã kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý những vướng mắc, tồn tại.
Tại buổi giám sát UBND TP.Biên Hòa về kết quả thực hiện các kết luận thanh tra từ năm 2018-2022 vào ngày
15-5, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đánh giá, công tác thanh tra trên địa bàn thành phố đã chú ý đến những vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm. Một số lĩnh vực được thanh tra thành phố chú trọng như: thu, chi tài chính; quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng; công tác tiếp, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân về phòng, chống tham nhũng...
Cụ thể, vào năm 2018, Thanh tra TP.Biên Hòa đã thực hiện thanh tra trách nhiệm quản lý, sử dụng đất công và việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trọng lĩnh vực đất đai, xây dựng đối với chủ tịch UBND 7 phường, xã trên địa bàn thành phố gồm: Long Bình, Quang Vinh, Quyết Thắng, Tân Vạn, Tân Phong, Tân Hạnh và Hóa An.
Qua thanh tra đã phát hiện và chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại các địa phương này. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa chỉ đạo các địa phương kiểm điểm, rà soát xử lý dứt điểm những tồn tại liên quan.
Đặc biệt, trong năm 2022, Thanh tra TP.Biên Hòa đã tiến hành thanh tra về tổ chức hoạt động và quản lý tài chính đối với Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa. Qua đó đã phát hiện các tồn tại, hạn chế và dấu hiệu sai phạm trong quản lý tài chính, vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng.
Tương tự, tại địa bàn H.Cẩm Mỹ, từ năm 2018-2022, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành và đưa vào theo dõi việc thực hiện kết luận sau thanh tra 30 kết luận. Các cuộc thanh tra chủ yếu trên các lĩnh vực: thu, chi tài chính tại các trường học trên địa bàn huyện; thanh tra về giải quyết chế độ trợ cấp cho cán bộ, công chức; công tác xây dựng cơ bản tại các địa bàn...
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh về kết quả thực hiện các kết luận thanh tra từ năm 2018-2022 vào ngày 25-5, Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng thanh tra chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch theo đúng quy định, xác định đối tượng thanh tra tập trung hơn, kịp thời và kết thúc đúng thời gian quy định.
Phó chánh Thanh tra tỉnh PHẠM NGỌC HÀ cho biết, mục tiêu của công tác thanh tra là phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị để kịp thời chấn chỉnh. Chính vì vậy, việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này. |
Theo ông Huỳnh Tấn Thìn, công tác thanh tra kinh tế - xã hội được triển khai theo kế hoạch đề ra, đẩy mạnh thanh tra trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực về tham nhũng (quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách).
* Tăng cường công tác xử lý sau thanh tra
Qua giám sát kết quả thực hiện các kết luận thanh tra từ năm 2018-2022 của một số địa phương trong tỉnh, đoàn giám sát HĐND tỉnh đánh giá, công tác thanh tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, điều chỉnh. Trong đó, tại các địa phương, hoạt động thanh tra chưa thực sự bao quát hết các lĩnh vực. Công tác thanh tra chưa “điểm huyệt” được một số điểm “nóng” để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những tồn tại, bất cập.
Đặc biệt, vấn đề kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các kết luận thanh tra chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết một cách rốt ráo. Từ đó dẫn đến kết luận, kiến nghị, yêu cầu xử lý sau các cuộc thanh tra chưa được giải quyết dứt điểm. Một số cơ quan liên quan chưa thực hiện tốt công tác phối hợp, trao đổi để khắc phục những hạn chế, thiếu sót dẫn đến việc giải quyết các vụ việc kéo dài.
Ông Hồ Sĩ Tiến, Phó trưởng ban, Phụ trách Ban pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, thanh tra là để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, hạn chế các sai phạm. Trên cơ sở đó để điều chỉnh các hoạt động điều hành trong quản lý. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ góp phần rất lớn vào công tác phòng ngừa các sai phạm trên các lĩnh vực. Thời gian qua, công tác thanh tra tại một số địa phương đã đề cập đến một số vấn đề “nóng”, vấn đề được dư luận quan tâm.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Sĩ Tiến, để công tác giải quyết sau thanh tra có hiệu quả phải tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng. Mục đích chung là để các hoạt động được tốt hơn, đúng quy định pháp luật. Đối với các đoàn thanh tra, tăng cường trách nhiệm trong việc đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận.
Bên cạnh đó, phải tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và thủ trưởng cơ quan thanh tra trong công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Ngoài ra, các ngành chức năng phải công khai minh bạch kết luận, quyết định xử lý về thanh tra và kết quả thực hiện kết luận thanh tra để người dân cùng giám sát.
Cùng đề cập vấn đề này, Phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Đỗ Thị Hòa Bình cho rằng, các kết luận thanh tra phải bám sát thực tế, không diễn đạt chung chung gây khó khăn cho cơ quan thực hiện. Kết luận thanh tra phải chỉ rõ những tồn tại, cụ thể, chi tiết các vấn đề cần phải giải quyết. Trên cơ sở đó để có giải pháp giải quyết sau thanh tra một cách hiệu quả, dứt điểm vấn đề được thanh tra.
Trần Danh