Mặc dù công tác tuyên truyền, cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm trên không gian mạng đã và đang được lực lượng chức năng chú trọng nhưng nhiều người dân vẫn "sập bẫy" kẻ gian.
Mặc dù công tác tuyên truyền, cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm trên không gian mạng đã và đang được lực lượng chức năng chú trọng nhưng nhiều người dân vẫn “sập bẫy” kẻ gian.
Cán bộ Công an tỉnh làm việc với đối tượng sử dụng mạng internet để môi giới mại dâm. Ảnh: T.Danh |
Nhiều trường hợp mất tiền tỷ vào tay tội phạm công nghệ cao. Một trong những nguyên nhân là chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng có nhiều biến tướng.
* Đủ chiêu trò lừa đảo…
Theo đánh giá của Công an tỉnh, hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng có nhiều biến tướng. Trước đây rộ lên các chiêu thức giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước; lợi dụng quan hệ tình cảm; trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng; thiết lập các trang web ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền… Còn hiện nay, đang rộ lên chiêu thức kêu gọi đầu tư, tài trợ, làm từ thiện, tuyển dụng, thông báo nợ cước tiền điện... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 2-7, anh V.T.N. (ngụ TP.Long Khánh) nhận được cuộc gọi từ số máy lạ thông báo anh đang nợ tiền điện gần 60 triệu đồng. Sau đó, anh N. tiếp tục nhận được nhiều cuộc gọi tự xưng là người của công an, thanh tra đang xác minh một tài khoản mang tên anh có liên quan đến tội phạm rửa tiền.
Tiếp theo, anh N. được hướng dẫn mở tài khoản rồi chuyển tiền vào đó để cơ quan chức năng xác minh việc anh không liên quan đến tội phạm. Nghe theo các hướng dẫn này, anh N. đã chuyển hơn 3,2 tỷ đồng vào tài khoản của chính mình lập, nhưng sau đó đã bị kẻ gian chiếm đoạt hết.
Ngoài ra, thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyển dụng nhưng thực chất là lôi kéo, dụ dỗ, đưa nhiều người sang nước ngoài trái phép. Như đường dây đưa gần 200 người sang Campuchia trái phép mà Công an tỉnh xác lập chuyên án phối hợp cùng công an một số tỉnh, thành đấu tranh triệt phá vào cuối tháng 6-2022.
Theo Công an tỉnh, các đối tượng trong đường dây mua bán người này đã sử dụng không gian mạng làm công cụ hoạt động và tiếp cận các nạn nhân để lừa đảo. Khi nạn nhân “sập bẫy”, các đối tượng bán vào các tụ điểm đánh bạc và các đường dây lừa đảo ở Campuchia để làm việc.
* Tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý tội phạm
Trao đổi với người dân tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh tại xã Túc Trưng (H.Định Quán) vào ngày 30-9, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có hàng trăm kịch bản khác nhau, từ việc giả danh cán bộ công an, các cơ quan nhà nước đến các thủ đoạn khác. Người dân phải biết rằng, cơ quan công an không bao giờ gọi qua điện thoại, Zalo để mời người dân đến làm việc.
“Để tránh bị lừa đảo, người dân phải nêu cao cảnh giác. Nếu không rành các giao dịch trên không gian mạng thì tuyệt đối không tham gia bất kỳ hoạt động nào do người khác giới thiệu. Không bao giờ có việc nhẹ, lương cao. Kẻ lừa đảo chủ yếu đánh vào lòng tham, làm cho mờ mắt các nạn nhân để chiếm đoạt tài sản” - thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang cảnh báo.
Trao đổi về thực trạng trên, thiếu tá Phạm Văn Hoàn, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cho Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Để công tác này đạt hiệu quả, cần có sự chung tay của các ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương.
Tương tự, ông Nguyễn Trí Hà, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 2), Viện KSND tỉnh chia sẻ, qua công tác kiểm sát điều tra xác định, nguyên nhân của các vụ lừa đảo qua mạng một phần xuất phát từ nhận thức của người dân còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn tồn tại sơ hở, thiếu sót. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Trước thực tế trên, Viện KSND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đoàn thể tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo công nghệ cao.
Theo đó, lực lượng công an, ngành thông tin truyền thông và ngân hàng phải có sự phối hợp để rà soát, kiểm tra, xử lý, giám sát các thông tin, tài khoản ngân hàng, mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm để kịp thời ngăn chặn. Khi có vụ việc xảy ra, các cơ quan phải phối hợp để phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc, vụ án.
Theo Viện KSND tỉnh, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, đã tiếp nhận và chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thụ lý khoảng 100 tin báo, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 160 tỷ đồng. Qua tiếp nhận tin báo, phần lớn các vụ việc đã được cơ quan công an khởi tố vụ án để điều tra. |
Trần Danh