Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án

07:10, 08/10/2022

Đoàn Luật sư tỉnh vừa phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) tổ chức hội thảo Chuỗi hoạt động phát triển phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại tỉnh Đồng Nai.

Đoàn Luật sư tỉnh vừa phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) tổ chức hội thảo Chuỗi hoạt động phát triển phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại tỉnh Đồng Nai.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội thảo
Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.Nhân

Đây là hoạt động thiết thực, bổ ích nhằm giúp cho đội ngũ luật sư nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn khi tham gia giải quyết các vụ tranh chấp thương mại ngoài tòa án.

* 4 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại

Phát biểu tại hội thảo, Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho rằng, với quy hoạch 39 khu công nghiệp (KCN), Đồng Nai đang là tỉnh có nền công nghiệp mạnh trong khu vực Đông Nam bộ cũng như cả nước. Vị thế này có được cũng chính nhờ những lợi thế cạnh tranh về nhiều mặt, trong đó có chính sách cởi mở, năng động của tỉnh, luôn tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước phát triển. Chính vì vậy, Đồng Nai luôn là một trong những tỉnh, thành thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thu hút được nhiều nhà đầu tư sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra. Việc giải quyết tranh chấp giữa các bên hoạt động thương mại cần được thực hiện bởi một bên thứ 3 độc lập. Do vậy, hội thảo Chuỗi hoạt động phát triển phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án tại tỉnh Đồng Nai được tổ chức là rất cần thiết, nhằm giúp đội ngũ luật sư nắm vững kỹ năng giải quyết tranh chấp trong đầu tư quốc tế bằng hòa giải thương mại (HGTM) và trọng tài thương mại (TTTM), giảm áp lực giải quyết tranh chấp tại tòa án.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Hiện nay, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện khung pháp lý cho các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Cụ thể, việc ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017 của Chính phủ về HGTM đã thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách ngành tư pháp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó.

Tại hội thảo, các luật sư với vai trò diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, đa dạng, chuyên sâu về các vấn đề pháp lý trong hoạt động phát triển phương thức hòa giải tranh chấp thương mại ngoài tòa án. Mỗi chuyên đề đều phân tích rõ tính ưu và nhược điểm của các phương thức khi có tranh chấp thương mại.

Theo quy định của pháp luật, hiện có 4 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Mỗi phương thức trên đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định, phụ thuộc vào sự lựa chọn của các chủ thể có nhu cầu giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đa số DN thường lựa chọn nhiều đến phương thức thương lượng, tòa án và chưa “mặn mà” lắm đến phương thức: hòa giải, trọng tài. Điều này khiến các tòa án kinh tế thường rơi vào tình trạng quá tải.

Luật sư Châu Việt Bắc, Phó giám đốc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (chi nhánh tại TP.HCM) chia sẻ, một trong những lý do khiến cộng đồng DN lựa chọn tòa án nhiều hơn TTTM hay HGTM là liên quan đến vấn đề nhận thức. Nhiều DN chưa nhận thức đầy đủ về tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp bằng TTTM hay HGTM, dẫn đến họ không có lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài hay hòa giải. Do đó, khi tranh chấp phát sinh thì họ thường chọn con đường duy nhất là ra tòa án.

Trong khi TTTM và HGTM là 2 trong các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án mà pháp luật Việt Nam cho phép. Các phương thức này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và có thủ tục giải quyết tuân thủ quy định pháp luật. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài hoặc hòa giải đều có những ưu điểm như: tiết kiệm thời gian và linh hoạt; giảm thiểu thiệt hại; được chủ động về mặt thời gian, địa điểm, ngôn ngữ và luật áp dụng…

Luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam cho hay, HGTM tạo ra được cho DN một lợi thế rất lớn vì đây là phương thức nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả. Giải pháp do các bên tạo ra chứ không phải do bên thứ 3 (hòa giải viên) áp đặt cho họ nên phương thức này rất linh hoạt và sáng tạo trong giải pháp. Đặc biệt, sau khi HGTM thành công, các bên đều vui vẻ và có thể tiếp tục hợp tác cùng làm việc tiếp, duy trì được quan hệ kinh doanh.

* Xu thế tất yếu

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, khi tham gia các quan hệ kinh tế, việc xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa các DN là điều không thể tránh khỏi. Các bên trong tranh chấp đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết tranh chấp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi, hạn chế ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên, ít tốn kém về thời gian và tiền bạc. Vì vậy, việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là vô cùng quan trọng.

Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tòa án được biết tới với đặc trưng linh hoạt, hiệu quả cả về thời gian, chi phí và ngày càng được ưa chuộng. Việc thực hiện các phương thức này rất đơn giản, không phải theo các trình tự thủ tục phức tạp như tòa án. Ví dụ, nếu DN khởi kiện một vụ việc phức tạp ra tòa án thì đơn vị phải trải qua quá trình thụ lý đơn, thu thập tài liệu chứng cứ hồ sơ theo thủ tục tố tụng, tiến trình đó kéo dài ít nhất từ 6 tháng đến nhiều năm và có thể trải qua các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí lên đến giám đốc thẩm. Trong khi đó, thủ tục về HGTM hay TTTM có thể giúp DN có kết quả sớm hơn khi các bên thống nhất được với nhau. 

Cũng theo luật sư Lê Quang Y, hiện ở những quốc gia phát triển, hầu hết các tranh chấp thương mại của DN đều sử dụng TTTM hoặc HGTM để giải quyết. Bởi DN muốn giữ bí mật, uy tín và không muốn công khai thông tin họ đang có tranh chấp.

Bên cạnh đó, trong xu thế phát triển toàn cầu hiện nay, Việt Nam cũng đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để cải cách theo hướng kiến tạo nhiều hơn nữa, với mục tiêu xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, cho DN; đồng thời, giúp DN có thể kinh doanh lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Chính vì thế, Việt Nam trong những năm qua đã quan tâm và ban hành các văn bản pháp luật tạo dựng và tiến tới hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua TTTM, HGTM để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

“Với đà hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, đầu tư và giao thương ngày càng mở rộng, việc xử lý tranh chấp thương mại ngoài tòa án sẽ là xu hướng tất yếu mà DN ở Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung phải chọn lựa” - luật sư Lê Quang Y cho biết.

Thành Nhân

Tin xem nhiều