Thời gian qua, các đội phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chỗ của doanh nghiệp (DN), khu dân cư được quan tâm đầu tư về trang, thiết bị, cũng như thường xuyên được tập huấn về kỹ năng PCCC. Nhờ đó, năng lực của lực lượng PCCC tại chỗ ngày càng tiến bộ, đã chung tay với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp kịp thời dập tắt nhiều vụ cháy, đám cháy xảy ra trên địa bàn.
Thời gian qua, các đội phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chỗ của doanh nghiệp (DN), khu dân cư được quan tâm đầu tư về trang, thiết bị, cũng như thường xuyên được tập huấn về kỹ năng PCCC. Nhờ đó, năng lực của lực lượng PCCC tại chỗ ngày càng tiến bộ, đã chung tay với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp kịp thời dập tắt nhiều vụ cháy, đám cháy xảy ra trên địa bàn.
Lực lượng chữa cháy tại chỗ thuộc các xã, phường, thị trấn tham gia hội thi Kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy toàn tỉnh vào cuối tháng 9-2022. Ảnh: Huy Anh |
* Vững chắc những “cánh tay nối dài”
Hiện nay, ngoài lực lượng cảnh sát PCCC của Công an tỉnh, công an các địa phương thì tại các DN đã thành lập, duy trì hơn 20 ngàn đội PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành với hơn 100 ngàn đội viên. Đây là lực lượng “phản ứng nhanh” để xử lý tại chỗ, nhanh chóng các vụ cháy, đám cháy vừa phát sinh. Riêng một số DN lớn còn tự trang bị được các xe chữa cháy, xe bồn, thường xuyên sát cánh cùng cảnh sát PCCC trong các vụ cháy.
Năm 2021, nhiều DN dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị đình trệ, kinh phí cho công tác PCCC gặp ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì đều đặn các lực lượng PCCC tại chỗ. Việc huấn luyện, tập huấn cũng được lực lượng chức năng chú trọng thực hiện nghiêm túc. Nhờ vậy, ngay trong tháng 9-2022, các đội PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành của các DN đã xử lý, hỗ trợ xử lý được một số sự cố cháy đáng chú ý.
Gần nhất, vào ngày 24-9, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Thịnh Nguyên Phát (đóng tại Khu công nghiệp Tam Phước, P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) đã xảy ra cháy nhưng được lực lượng PCCC cơ sở nhanh chóng dập tắt, ngăn nguy cơ cháy lớn trong DN. Hay trước đó, sáng 23-9, xe tải ben biển số 50H-065.50 của Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ VXQN (đóng tại Q.Tân Phú, TP.HCM) bốc cháy trên quốc lộ 51, ngay lập tức 2 xe chữa cháy của Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam và Công ty CP Sonadezi Long Thành ngay gần đó được điều động hỗ trợ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp nhanh chóng xử lý vụ cháy.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, nhận định các đội PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành của các DN là những “cánh tay” chữa cháy nối dài của lực lượng công an. Nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nơi nhiều DN tập trung; khi có sự cố cháy xảy ra, lực lượng tại chỗ sẽ xử lý bước đầu trước khi lực lượng chuyên nghiệp tiếp quản.
* Mở rộng nhiều nhóm người tham gia
Đầu năm 2021, lực lượng công an đã bàn giao gần 14 ngàn cơ sở cho UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh tiếp nhận quản lý PCCC (các cơ sở này chủ yếu nằm trong khu dân cư, là các cửa hàng, dãy nhà trọ nhỏ…). Nhiệm vụ này được nhiều địa phương đánh giá là hoàn toàn mới, đã tăng trách nhiệm với chính quyền, khu dân cư trong công tác PCCC.
Trong tháng 8 và tháng 9, ban chỉ đạo PCCC các huyện, thành phố triển khai hội thi kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho gần 4,2 ngàn đội PCCC cơ sở, dân phòng toàn tỉnh, đã có 56 đội có thành tích tốt nhất vào vòng chung kết cấp tỉnh. Qua đó, các đội PCCC cơ sở, dân phòng sẽ nâng cao kỹ năng chữa cháy, chủ động PCCC trong mọi tình huống, phối hợp cùng lực lượng chuyên nghiệp kịp thời dập tắt các vụ cháy. |
Bên cạnh đó, hiện nay tại các khu dân cư, chính quyền các địa phương vẫn đang duy trì 170 đội PCCC dân phòng, bảo vệ dân phố. Đây là lực lượng thường xuyên, liên tục được tập huấn, huấn luyện kỹ năng xử lý các đám cháy, cứu người khỏi vụ cháy vừa phát sinh trong khu dân cư.
Để đảm bảo công tác PCCC đạt hiệu quả trong khu dân cư, đầu tiên phải được sự quan tâm, chú trọng của người đứng đầu các địa phương và hình thành thói quen cảnh giác, phản xạ của người dân trước các sự cố cháy. Vì vậy, ngoài lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố nói trên, hiện nay ngành Công an đang triển khai trên diện rộng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC trên toàn quốc. Tại Đồng Nai, các huyện, thành phố đã chọn một địa phương cấp xã để thí điểm mô hình này.
Bảo vệ dân phố P.Hóa An (TP.Biên Hòa) tham gia diễn tập chữa cháy, cứu nạn tại chung cư Hóa An vào cuối tháng 8. Ảnh: Đ.Tùng |
Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Biên Hòa cho biết Công an TP.Biên Hòa đã thí điểm thành lập mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC tại P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) với sự tham gia của người dân tại các khu dân cư. Tổ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản bằng cách mỗi hộ sẽ tự trang bị bình chữa cháy xách tay, chuông báo cháy được kết nối liên thông các nhà để khi có sự cố thì tất cả các nhà khác đều biết. Từ đó, báo động nhanh để cùng hỗ trợ cứu người, chữa cháy sớm nhất.
Bà Phạm Thị Tuyết Nga, Thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa), cho rằng mô hình này nếu duy trì được lâu dài và nhân rộng ra sẽ có hiệu quả với các khu dân cư đông đúc tại đô thị. Riêng tại trung tâm TP.Biên Hòa - nơi có nhiều hẻm nhỏ, sâu, xe chữa cháy chuyên nghiệp không vào được, Tổ liên gia an toàn PCCC sẽ giúp người dân tự xử lý, ngăn chặn đám cháy lan rộng trước khi lực lượng chuyên nghiệp có thể tiếp cận, hạn chế thấp nhất những thiệt, hại do cháy, nổ gây ra.
Đăng Tùng