Voi rừng Đồng Nai là loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển. Do đó, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong thời gian qua đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ đàn voi.
Voi rừng Đồng Nai là loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển. Do đó, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong thời gian qua đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ đàn voi.
Những nơi đã có hàng rào điện tử thì voi rừng không ra được khu vực dân cư lân cận. Ảnh: T.Nhân |
Đến nay, việc ra sức bảo vệ đàn voi rừng đã mang lại nhiều kết quả khá tích cực, giúp cho loài động vật hoang dã này ngày càng phát triển tốt về số lượng và chất lượng.
* Tăng cường nhiều giải pháp
Bà Điểu Thị Út (ngụ ấp 5, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) cho biết, vào những tháng mùa khô, khi nguồn nước và thức ăn trong rừng trở nên khan hiếm thì voi rừng thường di chuyển ra gần khu vực dân cư để tìm kiếm thức ăn. Từ đầu tháng 5-2022 đến nay, trên địa bàn xã Thanh Sơn đang vào mùa mưa, nguồn thức ăn có trong tự nhiên dồi dào nên đàn voi chủ yếu hoạt động trong rừng sâu. Tuy nhiên, voi là loài động vật thông minh và thích ăn các loại cây như: chuối, xoài, mít…, nên trong thời gian gần đây voi vẫn thỉnh thoảng xuất hiện ngoài khu dân cư ở 2 ấp 5 và 7 (khu vực chưa được xây dựng hàng rào điện tử bảo vệ voi rừng) của xã Thanh Sơn để tìm kiếm thức ăn và phá hoa màu của bà con.
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Định Quán Nguyễn Văn Chiểu cho biết, trong tháng 8-2022, đàn voi rừng đã xuất hiện 9 lần tại 2 ấp 5 và 7 (xã Thanh Sơn) để ăn, phá hoa màu, tài sản của người dân, nhưng mức thiệt hại không nhiều. Còn từ giữa tháng 9-2022 đến nay, có 1 cá thể voi rừng thường xuất hiện tại khu dân cư ấp 7, xã Thanh Sơn và gây thiệt hại cho 3 hộ dân với khoảng hơn 1 ngàn cây chuối cấy mô và 2 ngàn m2 cây bắp. “UBND xã Thanh Sơn đã thành lập tổ đi xác minh mức thiệt hại để tổng hợp báo cáo UBND H.Định Quán xem xét, hỗ trợ cho bà con” - ông Chiểu chia sẻ.
Xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người dân Theo Hạt Kiểm lâm H.Định Quán, đến nay UBND H.Định Quán đã thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân bị voi rừng phá hoại tài sản, hoa màu trong các năm 2018 và 2019. Hiện địa phương đã phê duyệt phương án hỗ trợ thiệt hại cho hơn 150 hộ dân bị voi rừng phá hoại tài sản và hoa màu trong năm 2020 với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. |
Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm H.Định Quán Trần Đại Năng cho hay, trong những năm qua, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn đàn voi ra phá hoại hoa màu và tài sản, vừa đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt, các tổ, đội phản ứng nhanh ở địa phương (kiểm lâm, cán bộ xã Thanh Sơn, người dân) thường xuyên tổ chức đi tuần tra tại khu vực giáp ranh giữa rừng với vườn, rẫy của người dân, nơi voi rừng thường xuất hiện. Nhiệm vụ của lực lượng là tổ chức canh gác, thực hiện các biện pháp bảo vệ voi, đưa đàn voi trở lại rừng và tránh xung đột giữa voi và người.
“Khi đàn voi ra rẫy của dân thì anh em trong lực lượng phản ứng nhanh sẽ sử dụng các phương tiện đèn chiếu sáng, loa phóng thanh hay dùng can nhựa gõ để xua đàn voi trở lại rừng. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở người dân không tiếp xúc gần đàn voi, tránh tác động mạnh làm cho voi trở nên hung dữ” - ông Năng cho biết.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm H.Định Quán và chính quyền địa phương còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể người dân về công tác bảo tồn voi cũng như các biện pháp phòng tránh xung đột với voi, ngăn chặn các hành vi làm voi tổn thương. Đồng thời, cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động, di chuyển của đàn voi, kịp thời thông báo đến bà con biết chủ động phòng tránh an toàn.
Bà Điểu Thị Út cho biết: “Khi voi rừng xuất hiện, lực lượng chức năng kịp thời có mặt để thực hiện nghiệp vụ đưa đàn voi vào rừng. Bên cạnh đó, kiểm lâm và chính quyền địa phương còn dành thời gian đến từng hộ dân để động viên, chia sẻ về những thiệt hại do voi rừng tàn phá, đồng thời tuyên truyền cho bà con hiểu voi rừng là loài động vật quý hiếm cần được chung tay bảo vệ”.
* Bảo vệ voi rừng quý hiếm
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Việt Dũng cho biết, thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, Đồng Nai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn voi rừng, trong đó có dự án Xây dựng tuyến hàng rào điện tử dài 50km dọc theo bìa rừng (từ xã Mã Đà và Phú Lý của H.Vĩnh Cửu đến một phần của xã Thanh Sơn, H.Định Quán). Hơn 5 năm đưa vào vận hành, hàng rào điện tử đã phát huy tác dụng tích cực, ngăn không cho voi ra khu dân cư và bảo vệ được nhiều diện tích cây trồng, hoa màu của người dân.
Bà Điểu Thị Út (ngụ ấp 5, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) cung cấp thông tin về voi rừng cho lực lượng chức năng |
Thấy được hiệu quả của dự án, cuối năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh được giao tiếp tục xây dựng hàng rào điện tử, đoạn từ xã Thanh Sơn của H.Định Quán đến xã Tà Lài của H.Tân Phú, với chiều dài hơn 25km. Việc xây dựng hàng rào điện tử đang được các đơn vị gấp rút triển khai thực hiện các công đoạn: cắm mốc, giải phóng mặt bằng, thi công... và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Bà Phạm Thị Lan (ngụ ấp 4, xã Thanh Sơn) cho hay, đa số người dân ở vùng đất Thanh Sơn đều làm nông nghiệp và chủ yếu trồng cây ăn trái lâu năm. Việc voi rừng thường xuyên ra phá hoại khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong cải tạo phục hồi cây trồng. Do vậy, mong muốn của bà con là đoạn hàng rào điện còn lại sớm được hoàn thành và đưa vào hoạt động hiệu quả, để bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Ông Lê Việt Dũng chia sẻ: “Khi hàng rào điện hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ bao kín và bảo vệ được tất cả các khu vực dân cư ven rừng, giúp bà con yên tâm sinh sống và canh tác”.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhờ triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả nên việc bảo tồn voi rừng đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Qua điều tra khảo sát gần đây cho thấy, voi rừng ở Đồng Nai hiện có cơ cấu đàn khá hợp lý, có khả năng phát triển tốt về số lượng và chất lượng. Hiện đàn voi có khoảng 18 cá thể, trong đó có voi đực, voi cái và cả voi con. Đặc biệt, voi ngày càng trở nên dạn dĩ và gần gũi với con người hơn.
Thành Nhân