Báo Đồng Nai điện tử
En

Lính cứu hỏa trước lằn ranh sinh - tử

06:08, 05/08/2022

Lính cứu hỏa là người không quản hiểm nguy lao vào "biển lửa" để cứu "cái còn" trong "cái mất". Với họ, mỗi lần xử lý xong các vụ cháy lớn, phức tạp là một lần trở về từ làn ranh sinh - tử.

Lính cứu hỏa là người không quản hiểm nguy lao vào “biển lửa” để cứu “cái còn” trong “cái mất”. Với họ, mỗi lần xử lý xong các vụ cháy lớn, phức tạp là một lần chiến thắng “bà hỏa” trở về từ làn ranh sinh - tử.

Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa chữa cháy khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) vào chiều 28-6-2021. Ảnh: Đăng Tùng
Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa chữa cháy khu vực nhà xưởng của Công ty TNHH Hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) vào chiều 28-6-2021. Ảnh: Đăng Tùng

* Cứu “cái còn” trong “cái mất”

Trong các đơn vị cảnh sát chữa cháy chuyên nghiệp toàn tỉnh, Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) khu vực Biên Hòa, thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và CNCH Công an tỉnh là một trong những đội “thiện chiến”. Nơi đây tập trung nhiều cán bộ, chiến sĩ giỏi, có thâm niên, từng chữa cháy nhiều vụ phức tạp để đảm nhận nhiệm vụ chống “giặc lửa” tại TP.Biên Hòa và các địa phương lân cận.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 683/CĐ-TTg chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy làm 3 cảnh sát hy sinh tại TP.Hà Nội vào chiều 1-8. Theo đó, Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH yêu cầu Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, diễn tập PCCC; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, trang bị công cụ, phương tiện hỗ trợ cần thiết để hạn chế tối đa thương vong đối với lực lượng trực tiếp tham gia phòng cháy, chữa cháy và CNCH.

Thượng úy Hoàng Hữu Tài, cán bộ Đội Cảnh sát chữa cháy và CNCH khu vực Biên Hòa kể lại, với 12 năm làm lính cứu hỏa tại Đồng Nai, anh đã kinh qua nhiều đơn vị, trực tiếp chữa không ít vụ cháy lớn. Đặc biệt, với đặc thù một tỉnh công nghiệp như Đồng Nai thì nguy hiểm nhất vẫn là các vụ cháy có liên quan đến hóa chất, xăng dầu, gỗ... do dễ cháy lan, cháy lớn. Chưa kể, khi các vụ cháy diễn ra trong không gian rộng thì việc khống chế ngọn lửa gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể như vụ cháy tại Công ty TNHH Hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) vào chiều 28-6-2021, được đánh giá là một trong những vụ cháy lớn tại Đồng Nai năm 2021.

“Do cháy các hóa chất sản xuất mực nên nhiệt độ của ngọn lửa tỏa ra rất lớn, chúng tôi phải đứng sau các bức tường để tránh sức nóng của lửa rồi phun nước làm mát ngăn hóa chất lan ra. Sau đó mới tiến hành bao vây, dập tắt ngọn lửa. Tình huống lúc đó rất nguy hiểm, vì dễ xảy ra cháy lan, nổ lớn do bên trong các nhà xưởng còn nhiều thùng đang chứa hóa chất khác” - thượng úy Hoàng Hữu Tài kể lại.

Không chỉ vậy, với đặc thù đô thị có mật độ dân cư dày nên không ít lần lực lượng chữa cháy trong khu dân cư tại TP.Biên Hòa phải đập tường, trèo lên mái nhà kế bên để kéo vòi nước dập tắt ngọn lửa như vụ cháy ngôi nhà cấp 4 tại P.Quang Vinh vào sáng 2-7-2022; hay vụ cháy 6 nhà dân trong khuya 10-5-2020 tại P.Phước Tân. Bởi, không phải lúc nào địa hình nơi xảy ra cháy cũng có đủ mặt bằng để triển khai xe thang chữa cháy từ trên cao nên lực lượng chữa cháy dùng đến sức lực bản thân là chính.

Thượng úy Phạm Đăng Khoa, cán bộ Đội Cảnh sát chữa cháy và CNCH khu vực Biên Hòa bộc bạch: “Chúng tôi thường phải đối diện và vượt qua những nguy hiểm từ các thiết bị điện, bếp gas bên trong vụ cháy nhà dân, từ nguy cơ trượt té từ trên cao, để tìm mọi cách để tiếp cận, xử lý đám cháy nhanh nhất. Không ít tình huống anh em bị bỏng nhẹ, trầy xước, nhưng mải mê chữa cháy quá đến khi về đến đơn vị mới phát hiện, xử lý. Thậm chí, nhiều tình huống đứng chữa cháy ở vị trí ngược gió, không ít chiến sĩ hít nhiều khói, khí độc gây chảy máu mũi tại chỗ”.

* Yêu nghề, dũng cảm đương đầu chống “giặc lửa”

Để đủ sức đương đầu với những vụ cháy, đặc biệt là các vụ cháy kéo dài nhiều giờ, chữa cháy xuyên đêm, những người lính cứu hỏa ngoài lòng dũng cảm còn đòi hỏi sức khỏe dẻo dai. Vì vậy, đều đặn sáng - chiều, Đội Cảnh sát chữa cháy và CNCH khu vực Biên Hòa lại duy trì tập kỹ năng, thể lực. Đặc biệt, với thế hệ chiến sĩ trẻ vừa nhập ngũ, chưa có kinh nghiệm (nên dễ mất sức khi làm nhiệm vụ kéo dài) luôn được các đàn anh đi trước nhắc nhở, lưu ý việc này.

Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa đi vòng qua dãy nhà trọ, trèo thang tiếp cận vụ cháy xưởng gỗ ngày 25-3-2021 tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: CTV
Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa đi vòng qua dãy nhà trọ, trèo thang tiếp cận vụ cháy xưởng gỗ ngày 25-3-2021 tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: CTV

Ghi nhận của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên toàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy, làm 1 người chết, thiệt hại 3,5 tỷ đồng (riêng TP.Biên Hòa xảy ra 5 vụ). Lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh đã xuất tổng cộng 76 lượt xe cùng 433 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức chữa cháy kịp thời 17 vụ cháy đã xảy ra. Qua đó đã ngăn không cho cháy lan sang các khu vực xung quanh, bảo vệ được các công trình nhà xưởng, nhà kho, dây chuyền đóng gói…với diện tích hơn 23,5 ngàn m2.

Thượng úy Nguyễn Khánh Duy, cán bộ Đội Cảnh sát chữa cháy và CNCH khu vực Biên Hòa chia sẻ, biết rằng công việc này luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm nhưng với lòng yêu nghề nên anh em luôn động viên nhau cố gắng. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ luôn phải đảm bảo các quy tắc về bảo hộ, về an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hạn chế thấp nhất sai sót xảy ra trong môi trường, không gian nguy hiểm. Đặc biệt, khi chữa cháy, CNCH trong môi trường có nhiều khói, khí độc, cán bộ, chiến sĩ tham gia được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, mặt nạ phòng độc.

Ngoài ra, ngay sau các buổi chữa cháy, đơn vị sẽ tổ chức rút kinh nghiệm với lực lượng chữa cháy. Việc này giúp nhìn nhận, đánh giá quá trình triển khai phương án chữa cháy, chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…, đảm bảo hạn chế các bất cập, rủi ro cho cán bộ, chiến sĩ những lần chữa cháy tiếp theo.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết thêm, để việc chữa cháy tiến hành bài bản, phối hợp nhịp nhàng, không để xảy ra sai sót, các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp diễn tập với nhau. Đồng thời, có quy chế phối hợp, xử lý các vụ cháy ở địa bàn giáp ranh, giúp bản thân mỗi người lính cứu hỏa, mỗi chỉ huy chữa cháy biết phải làm gì trong mọi tình huống có thể gặp phải.

Trung tá Nguyễn Thế Hùng, Đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH khu vực Biên Hòa nhận định, để có thể trở thành 1 người lính cứu hỏa, đòi hỏi sự dũng cảm, lòng yêu nghề cũng như tinh thần hết mình vì cộng đồng. Ngoài ra, sự ăn ý giữa những người đồng đội trong lúc làm nhiệm vụ cũng rất quan trọng, giúp quá trình khống chế, dập tắt vụ cháy nhanh chóng hơn.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều