Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản

07:08, 13/08/2022

Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017.

Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017.

Quang cảnh một cuộc đấu giá tài sản tại Đồng Nai
Quang cảnh một cuộc đấu giá tài sản tại Đồng Nai. Ảnh: T.Nhân

Sau 5 năm triển khai, hoạt động ĐGTS trên địa bàn tỉnh đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia đấu giá, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.

* Nhiều chuyển biến tích cực

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào chia sẻ, sau khi Luật ĐGTS có hiệu lực, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 4667/KH-UBND ngày 19-5-2017 triển khai thi hành Luật ĐGTS trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến, tập huấn Luật ĐGTS cho các sở, ban, ngành, thành viên hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật và cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, đại diện các doanh nghiệp đấu giá trên địa bàn tỉnh. Qua đó quán triệt công tác triển khai Luật ĐGTS trên phạm vi toàn tỉnh, cung cấp kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao nhận thức về công tác ĐGTS.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã chủ động ban hành các văn bản triển khai thi hành và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ĐGTS với nhiều hình thức phù hợp như: tổ chức hội nghị tuyên truyền, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật về ĐGTS trên trang thông tin điện tử của Sở, đặc biệt đã biên soạn và cấp phát gần 2 ngàn cuốn tài liệu hỏi đáp Luật ĐGTS đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Luật ĐGTS được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho sự phát triển hoạt động ĐGTS theo hướng chuyên nghiệp hóa; từng bước củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, tổ chức ĐGTS, tạo lập môi trường giao dịch công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đấu giá của các cá nhân, tổ chức; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về ĐGTS.

Việc thi hành Luật ĐGTS trong thời gian qua cho thấy, các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành tốt các quyền và nghĩa vụ của người có tài sản theo quy định pháp luật về ĐGTS. Các tổ chức ĐGTS trên địa bàn tỉnh thành lập và đăng ký hoạt động đúng quy định của pháp luật, chấp hành tương đối tốt quy định về Luật ĐGTS và các văn bản pháp luật liên quan trong quá trình hoạt động. Đội ngũ đấu giá viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn điều hành các cuộc bán ĐGTS và thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật về bán ĐGTS, đảm bảo thực hiện tốt nội quy, quy chế bán ĐGTS và quy định pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ trương xã hội hóa hoạt động ĐGTS tiếp tục được đẩy mạnh, số lượng đấu giá viên ngày càng tăng. Vai trò quản lý nhà nước của Sở Tư pháp đối với công tác tổ chức, hoạt động ĐGTS từng bước được tăng cường.

“Việc triển khai Luật ĐGTS tại Đồng Nai đã kịp thời cung cấp thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về ĐGTS, góp phần kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả việc bán ĐGTS, nhất là tài sản công, hạn chế thất thoát tài sản của Nhà nước” - bà Võ Thị Xuân Đào cho hay.

* Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thi hành Luật ĐGTS vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Cụ thể, các tổ chức bán ĐGTS chưa được phát triển đều ở địa bàn các huyện mà chủ yếu tập trung tại TP.Biên Hòa nên việc tổ chức ký kết hợp đồng bán ĐGTS của các huyện cũng còn gặp khó khăn do phải đi lại xa, mất nhiều thời gian.

 Trong quá trình hoạt động, một số tổ chức đấu giá còn để sai sót trong niêm yết thông báo bán đấu giá chưa đầy đủ, hồ sơ bán đấu giá chưa được kiểm tra, rà soát thường xuyên. Một số tổ chức còn bị người dân phản ánh không có nhân viên trực bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá. Một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện một số quy định liên quan đến người có tài sản đấu giá như lựa chọn tổ chức ĐGTS, giám sát cuộc ĐGTS…

Toàn tỉnh hiện có 6 tổ chức ĐGTS (1 trung tâm và 5 doanh nghiệp) và 5 chí nhánh của doanh nghiệp ĐGTS đang hoạt động với 22 đấu giá viên hành nghề tại các tổ chức ĐGTS. Trong 5 năm qua, các tổ chức bán đấu giá trên địa bàn tỉnh chưa có đấu giá viên bị kỷ luật hành chính, xử lý hình sự; tổng số lượng ĐGTS của các tổ chức đã thực hiện trên 700 cuộc với số tiền nộp thuế trên 1 tỷ đồng.

Công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực ĐGTS còn có những khó khăn, vướng mắc do bất cập từ các quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, quản lý sử dụng tài sản công… với pháp luật ĐGTS; vướng mắc trong ĐGTS công, đấu giá quyền sử dụng đất, ĐGTS trong việc thi hành án và các tài sản có giá trị lớn khác. Trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong lĩnh vực ĐGTS, bàn giao tài sản sau đấu giá chưa cao, từ đó đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho hay, thời gian tới, để tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật về ĐGTS, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan thi hành án trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục quan tâm triển khai các quy định của pháp luật về ĐGTS, đặc biệt là việc thực hiện đấu giá đối với tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất đến các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương bằng hình thức phù hợp.

Cơ quan, đơn vị, địa phương có tài sản đấu giá thuộc thẩm quyền quản lý cần nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các quyền của người có tài sản đấu giá, công khai, minh bạch thủ tục lựa chọn tổ chức ĐGTS, không để xảy ra tình trạng thông đồng, dìm giá và các hành vi vi phạm khác trong ĐGTS. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ bán ĐGTS.

“Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan sớm chủ động rà soát các văn bản có liên quan đến hoạt động ĐGTS để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; ban hành cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý hoạt động ĐGTS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc tổ chức thực hiện” - bà Võ Thị Xuân Đào chia sẻ.

Thành Nhân

Tin xem nhiều