Theo các cơ quan chức năng, tình hình tranh chấp đất ngày càng diễn biến phức tạp. Ngoài các vụ tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai thì thời gian gần đây, các vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai dẫn đến các vụ án mạng diễn ra rất đáng quan ngại.
Theo các cơ quan chức năng, tình hình tranh chấp đất ngày càng diễn biến phức tạp. Ngoài các vụ tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai thì thời gian gần đây, các vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai dẫn đến các vụ án mạng diễn ra rất đáng quan ngại.
Hiện trường vụ bà T.T.N tẩm xăng đốt bà T.P.Đ khiến bà Đ. tử vong tại P. An Bình (TP.Biên Hoà). Ảnh: CTV |
Không ít vụ án mâu thuẫn vì tranh giành đất đai đã khiến anh em ruột, người thân, hàng xóm xô xát, gây thương tích để lại những hậu quả đau lòng.
* Giành đất, mất mạng
Thời gian qua, chạy theo những cơn “sốt” đất tăng cao là tình trạng nhiều người kéo nhau ra tòa để được giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, cũng có không ít người vì quá bức xúc và mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp đất kéo dài nên đã xô xát dẫn đến các vụ án mạng thương tâm, thậm chí ra tay sát hại cả người thân trong gia đình.
Đơn cử như ngày 16-7, tại căn nhà thuộc đường Trần Quốc Toản (KP1, P.An Bình, TP.Biên Hòa), chỉ vì mâu thuẫn tranh chấp đất thừa kế mà bà T.T.N. (58 tuổi, ngụ P.An Bình) đã đổ xăng lên người mình và bà T.P.Đ. (62 tuổi, ngụ P.An Bình, em chồng bà N.) rồi châm lửa đốt. Hậu quả khiến bà Đ. tử vong, bà N. cũng bị bỏng nặng.
Điều 202 và 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định, trong trường hợp có tranh chấp đất, nếu các bên không tự hòa giải được thì cần gửi đơn đến UBND cấp xã, phường, nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Trong trường hợp hòa giải không thành thì đương sự có quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền. |
Điều đáng nói, việc tranh chấp đất giữa bà N. và bà Đ. đã diễn ra một thời gian trước; vào năm 2020, TAND tỉnh đã giải quyết bằng một vụ án dân sự. Tuy nhiên, quá trình sống chung, hai bên lại tiếp tục xung đột và tranh giành đất cha mẹ để lại nên đã gây ra án mạng thương tâm.
Trong khi đó, cũng có những vụ án mạng mâu thuẫn kéo dài giữa hàng xóm với nhau chỉ vì ranh giới đất đã khiến cho kẻ tử, người đi tù. Mới đây, Công an H.Trảng Bom đã chuyển hồ sơ vụ án và đối tượng Đinh Trung Hiếu (45 tuổi, ngụ xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) cho Công an tỉnh điều tra về hành vi giết người.
Theo điều tra ban đầu, do bực tức vì hàng xóm là anh Hoàng Duy Tùng (39 tuổi, ấp Tân Lập 1, xã Cây Gáo) không ký xác nhận giáp ranh đất nên ngày 21-7, sau khi nhậu say, Hiếu lấy một cây xà beng xông vào nhà anh Tùng. Thấy ông Hoàng Duy Ân (45 tuổi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa, anh ruột của anh Tùng) ngồi trên võng, Hiếu đã dùng xà beng đập 2 cái vào đầu ông Ân khiến nạn nhân tử vong. Sau đó, Hiếu còn tiếp tục xông đến đánh anh Tùng và tẩm xăng đốt cháy xe ba gác tự chế của ông Ân.
* Chú trọng hòa giải từ cơ sở
Thẩm phán Đinh Kiều Lương, Phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh, cho biết thời gian qua đã xảy ra một số vụ án do mâu thuẫn tranh chấp đất đai. Điều này không chỉ gây tổn hại sức khỏe, rạn nứt mối quan hệ trong gia đình mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Việc tranh chấp đất dẫn đến những án mạng cho thấy tình trạng đạo đức xã hội ở đâu đó đang có những vấn đề cần quan tâm; một bộ phận người dân coi trọng đồng tiền, vật chất hơn cả tình thân, tình làng, nghĩa xóm.
“Trong số đó có nhiều vụ giết người xảy ra chỉ vì mâu thuẫn do tranh giành đất đai là tài sản của cha mẹ để lại. Theo quan niệm của người Việt Nam, cha mẹ thường để lại tài sản cho con cái, nhất là đất đai, nhà cửa. Điều này dẫn đến con cái thường hình thành ý thức muốn giành giật, đòi hỏi phần nhiều tài sản, đất đai về phía mình. Trong trường hợp cha mẹ phân chia thiếu công bằng lại dẫn đến sự đố kỵ, ganh ghét, mâu thuẫn giữa anh em với nhau và có thể tạo thành những án mạng đáng tiếc xảy ra” - thẩm phán Lương phân tích nguyên nhân các vụ xô xát do tranh chấp đất.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho hay, hiện nay thực trạng đất đai tăng giá, “tấc đất, tấc vàng” nên nhiều trường hợp chỉ vì một chút ranh giới đất cũng phát sinh mâu thuẫn lớn kéo dài, dẫn đến xung đột, tranh chấp và gây ra các vụ giết người.
Do đó, theo vị cán bộ này, ngay từ trong gia đình, cha mẹ phải giáo dục con cái biết yêu thương, chia sẻ và nhường nhịn nhau. Hơn nữa, cha mẹ khi phân chia tài sản cũng cần rõ ràng, thấu tình đạt lý để con cái không tranh giành, đố kỵ với nhau.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nơi phát sinh những xung đột, mâu thuẫn cần tăng cường trách nhiệm trong việc nắm bắt tình hình và sớm hóa giải những bất đồng, xô xát ngay từ khi mới manh nha. Khi làm tốt công tác nắm bắt địa bàn và thực hiện tốt công tác hòa giải sẽ góp phần xoa dịu những bất đồng, bức xúc và ngăn ngừa xảy ra những vụ án mạng. Hòa giải hiệu quả góp phần bảo đảm an ninh trật tự và gắn kết nghĩa tình, đoàn kết, “tương thân, tương ái” trong cộng đồng.
Luật sư Vũ Văn Tăng, thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai, cho hay chính quyền địa phương khi tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất của người dân cần có biện pháp ngăn chặn và vào cuộc giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa. Cùng giúp người dân hòa giải hoặc dựa trên pháp luật để phân xử hợp tình, hợp lý, giải quyết triệt để những vấn đề còn vướng mắc do tranh giành đất đai. Điều này sẽ góp phần kéo giảm những án mạng nói chung và các vụ án do tranh chấp đất nói riêng.
Cũng theo luật sư Tăng, hoạt động hòa giải tại tòa án và các cơ quan chức năng có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết các tranh chấp, xích mích, xung đột giữa hàng xóm, đối tác hoặc người thân với nhau, điều này giúp các bên bớt được những xung đột, dập tắt được sự nóng giận và giúp họ hiểu hơn về pháp luật, tạo mối quan hệ gia đình, xã hội ổn định, tốt đẹp.
Tố Tâm