Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

07:05, 21/05/2022

Trong thời gian qua, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) đã có nhiều hoạt động TGPL hướng đến người khuyết tật khó khăn về tài chính (sau đây gọi chung là người khuyết tật).

Trong thời gian qua, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) đã có nhiều hoạt động TGPL hướng đến người khuyết tật khó khăn về tài chính (sau đây gọi chung là người khuyết tật).

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cho trợ giúp viên pháp lý của các chi nhánh và đại diện tổ chức người khuyết tật các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Đ.Tùng
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cho trợ giúp viên pháp lý của các chi nhánh và đại diện tổ chức người khuyết tật các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Đ.Tùng

Hoạt động này góp phần giúp người khuyết tật nắm bắt các thông tin pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

* Đồng hành cùng người khuyết tật

Xác định người khuyết tật là đối tượng đặc thù, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đi lại nên những năm qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thường xuyên có nhiều hoạt động TGPL cho họ ngay tại cơ sở (5 chi nhánh nằm rải rác tại các huyện).

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện 3 đợt TGPL tại trụ sở Hội Người mù TP.Long Khánh và các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc cho khoảng 145 người khuyết tật. Đáng chú ý, trong năm 2021, dù gặp khó khăn từ dịch bệnh nhưng Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh vẫn tổ chức được 3 buổi TGPL cho người khuyết tật TP.Long Khánh, các huyện: Thống Nhất và Cẩm Mỹ. Các trợ giúp viên trực tiếp giải đáp những thắc mắc về pháp lý và chính sách khác đối với người khuyết tật.

Theo Hội Người mù TP.Long Khánh, thời gian qua, nhiều trường hợp người khuyết tật có khó khăn về tài chính tại địa phương được TGPL, qua đó giúp người khuyết tật tìm được hướng đi đúng với các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Thời gian tới, mong Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh sẽ có thêm nhiều buổi trợ giúp pháp lý, nói chuyện với người khuyết tật hơn khi các chính sách mới về người khuyết tật có thay đổi, bổ sung.

Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lê Quang Vinh cho biết: “Các vướng mắc của người khuyết tật chủ yếu về lĩnh vực việc làm, trình tự làm căn cước công dân, hôn nhân và gia đình, dân sự, các chính sách hỗ trợ khác. Thông qua các buổi TGPL ngoài trụ sở, chúng tôi đã kịp thời thụ lý vụ việc TGPL nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật tại các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm”.

Không chỉ vậy, trong năm 2021, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn thực hiện tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong 25 vụ việc cho các đối tượng là người khuyết tật (chủ yếu là khuyết tật vận động). Ngoài ra, qua các kênh thông tin đại chúng, trung tâm đã giới thiệu những địa chỉ TGPL cụ thể, thuận lợi để người khuyết tật liên hệ khi có nhu cầu TGPL.

Bà Hoàng Thị Liên, Trưởng chi nhánh TGPL số 1 (H.Long Thành - H.Nhơn Trạch) cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện TGPL cho người khuyết tật bằng nhiều hình thức, đảm bảo người khuyết tật có khó khăn về tài chính được TGPL khi có nhu cầu như: thực hiện hoạt động TGPL tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều người khuyết tật có nhu cầu TGPL, tại các tổ chức của người khuyết tật khi có yêu cầu; đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan để phát hiện nhu cầu TGPL và thực hiện TGPL miễn phí cho đối tượng là người khuyết tật có khó khăn về tài chính”.

* Nâng cao hiệu quả TGPL

Để nâng cao hiệu quả TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ người thực hiện TGPL; tập trung vào kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, chú trọng kỹ năng tham gia tố tụng. Cụ thể, ngày 28-4, đã có 60 người là trợ giúp viên pháp lý và đại diện 10 tổ chức khuyết tật các huyện, thành phố được Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tập huấn về kỹ năng TGPL cho người khuyết tật.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thương, Trưởng chi nhánh TGPL số 3 (H.Xuân Lộc - H.Cẩm Mỹ) nhận định, các chi nhánh TGPL đã đến tận cơ sở nơi người khuyết tật sinh sống thực hiện nói chuyện chuyên đề pháp luật; tư vấn pháp luật… Nhờ vậy, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và chi nhánh tại các huyện dần trở thành địa chỉ tin cậy của người khuyết tật khi có vướng mắc pháp lý cần hỗ trợ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Để hoạt động TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính được thuận lợi, hiệu quả hơn, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh kiến nghị các cơ quan cấp trên xem xét chi hỗ trợ kinh phí đi lại cho người khuyết tật tham dự TGPL ngoài trụ sở. Vì thực tế đây là đối tượng đặc thù, việc đi lại khó khăn cần có người hỗ trợ, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí của người khuyết tật.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều