Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Nguyên nhân khiến thanh thiếu niên phạm tội

07:05, 30/05/2022

Xu hướng trẻ hóa tội phạm đang là một vấn nạn của gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Xác định được nguyên nhân của thực trạng này sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa xu hướng trẻ hóa tội phạm trong thời gian tới.

[links()]Xu hướng trẻ hóa tội phạm đang là một vấn nạn của gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Xác định được nguyên nhân của thực trạng này sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa xu hướng trẻ hóa tội phạm trong thời gian tới.

Do lười lao động, không có việc làm, không ít thanh, thiếu niên rơi vào nghiện ngập và có hành vi phạm pháp. Trong ảnh: Đối tượng Võ Mạnh Trung (29 tuổi, ngụ P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) vừa bị công an bắt về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép số lượng lớn ma túy và thuốc lắc. Ảnh: Công an cung cấp
Do lười lao động, không có việc làm, không ít thanh, thiếu niên rơi vào nghiện ngập và có hành vi phạm pháp. Trong ảnh: Đối tượng Võ Mạnh Trung (29 tuổi, ngụ P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) vừa bị công an bắt về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép số lượng lớn ma túy và thuốc lắc. Ảnh: Công an cung cấp

* Thiếu sự quan tâm, lối sống đua đòi, thực dụng

Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay là thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình. Trung tá Lê Chí Hiếu, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, do cha mẹ lo làm ăn, buôn bán, thường xuyên phải đi công tác xa, không quản lý chặt chẽ việc học tập, sinh hoạt của con nên có những trường hợp con đi chơi qua đêm, nghiện hút hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nhưng cha mẹ không hề hay biết. Chỉ đến khi nhận được thông báo của cơ quan công an thì gia đình mới hay con mình đã phạm tội.

Bên cạnh đó, một số thanh, thiếu niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như: cha mẹ ly hôn; cha mẹ đang chấp hành án phạt tù; cha hoặc mẹ đã chết, các em phải sống với ông, bà, người thân hoặc sống lang thang... thường bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm; thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập, vui chơi; thiếu quản lý, giáo dục dẫn đến mất phương hướng khi hành động. Từ đó họ thường dễ bị bạn bè lôi kéo tham gia vào những hành vi tiêu cực hoặc phạm tội.

Riêng về tội phạm trẻ vị thành niên, thẩm phán Trần Phương Đông, Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh phân tích thêm, hiện nay tình trạng ly hôn đang diễn ra khá phổ biến, nhiều gia đình trẻ tan vỡ đã để lại tổn thương rất lớn cho những người con. Lâu dần thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ trong một gia đình trọn vẹn dễ khiến cho trẻ phát triển theo chiều hướng lệch lạc và tạo nên hành vi nổi loạn, bất cần.

“Trong khi đó, cha mẹ lại thiếu sự quan tâm đến việc chữa lành những vết thương tâm lý của con trẻ, chưa hiểu rõ về tâm sinh lý lứa tuổi của con nên có những hành động khiến cho trẻ bất mãn, ức chế, tổn thương khiến các em học hành sa sút, bỏ nhà ra đi, bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo và sớm sa chân vào con đường phạm pháp” - thẩm phán Trần Phương Đông nói.

Điển hình như trường hợp N.Q. (ngụ TP.Biên Hòa) vốn là một trẻ mồ côi từ nhỏ. Sau đó, Q. được bà M. nhận về nuôi lớn. Chỉ mới 16 tuổi nhưng Q. thường xuyên bị người cậu nuôi (nghiện ma túy) đánh và chửi nên lâu dần hình thành nên sự phản kháng và thù hận. Để rồi trong lúc bộc phát nhất thời, Q. đã dùng dao đâm chết cậu nuôi và trở thành kẻ giết người khi mới 16 tuổi.

Theo đánh giá của Viện KSND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu do môi trường sống trong gia đình có tác động ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ em. Nhà trường chưa có nhiều giải pháp hiệu quả và quan tâm đúng mức cho quản lý giáo dục và giúp đỡ các học sinh cá biệt; sự phối hợp trao đổi thông tin liên lạc giữa gia đình và nhà trường còn thiếu chặt chẽ; chưa có nhiều hoạt động sinh hoạt giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, từ đó các em dễ bị tác động, bị lợi dụng, lôi kéo từ các đối tượng xấu ngoài xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật.

Mặt khác, theo chuyên gia tâm lý ThS Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty Đào tạo và phát triển giáo dục V.LIFE (TP.Biên Hòa), Chủ nhiệm CLB Kỹ năng sống Đồng Nai phân tích, người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu hụt các kỹ năng sống như: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc… khiến trẻ vị thành niên dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí và có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Ngoài ra tác động của mặt trái kinh tế thị trường; lối sống hưởng thụ, thực dụng đã và đang tồn tại ở một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội trong thanh, thiếu niên.

Phó trưởng Công an H.Tân Phú, trung tá Nguyễn Xuân Trường đánh giá, hiện nay tội phạm trẻ có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của lối sống đua đòi, thích ăn chơi, hưởng thụ và tiêm nhiễm nhiều thói hư, tật xấu của những đối tượng xấu ngoài xã hội. Chính lối sống thụ hưởng, ích kỷ, lười lao động nên không ít đối tượng thường tìm cách trộm cắp, cướp giật tài sản, buôn bán ma túy...

Đồng tình với các quan điểm nêu trên, thượng tá Nguyễn Đình Khuyên, Phó trưởng Công an H.Nhơn Trạch cho biết, đó là những nguyên nhân chính khiến tội phạm thanh, thiếu niên không những tăng về số lượng mà còn tăng cả về phạm vi, lĩnh vực hoạt động phạm tội. Tính chất mức độ cũng ngày càng manh động, tinh vi và liều lĩnh hơn; động cơ, mục đích đa dạng, khôn lường chủ yếu bộc phát, dễ bị kích động bởi những suy nghĩ giản đơn, bất chấp hành vi thực hiện và hậu quả bản thân gây ra.

“Lúc trước thanh, thiếu niên thường chỉ phạm một số hành vi đơn giản như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích… với vai trò chủ yếu là đồng phạm giản đơn nhưng hiện nay đã trở thành chủ mưu, cầm đầu, tổ chức phạm tội. Lúc trước các đối tượng chủ yếu đánh nhau gây thương tích nhẹ bằng tay nhưng hiện nay lại tụ tập băng nhóm bộc phát sử dụng mã tấu, bom xăng, súng… để “thanh toán” lẫn nhau rất nguy hiểm” - thượng tá Khuyên cho biết.

* Ảnh hưởng tiêu cực từ internet

Theo một số chuyên gia pháp luật nhận định, mạng xã hội (MXH) như: Zalo, Facebook, Tiktok… đang ngày càng có sức ảnh hưởng lớn đến lối sống của giới trẻ. Trong khi đó, công tác quản lý MXH còn thiếu chặt chẽ, thông tin xấu, độc còn xuất hiện nhiều; hành vi bạo lực diễn ra phổ biến, thiếu kiểm soát trên MXH làm lệch lạc nhận thức, sai lầm trong hành động, đã khiến không ít thanh thiếu niên có những hành vi phạm pháp.

Hiện nay, nhiều trang MXH rao bán công khai hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ (pháo hoa, pháo nổ), súng công cụ, thậm chí có những tài khoản MXH còn hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ, điều chế ma túy, đánh bài bịp… Không ít thanh, thiếu niên đã tham khảo thông tin, hướng dẫn từ các trang MXH này để bắt chước thực hiện.

Ngày 20-1, Công an H.Định Quán ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Trần Thanh Bình (21 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, H.Định Quán) để điều tra về hành vi chế tạo trái phép vật liệu nổ và sản xuất pháo nổ (hàng cấm). Quá trình điều tra, Bình khai nhận thông qua MXH, Bình đã học được cách chế tạo pháo nổ, nên vào tháng 4-2021, Bình đã mua từ MXH 4kg lưu huỳnh, 16kg kali clorat giá 2 triệu đồng để chế tạo pháo nổ bán dịp Tết Nguyên đán 2022.

Ngoài ra, thông qua MXH khiến mối quan hệ và sự tương tác qua lại của giới trẻ được mở rộng, dễ dàng hơn. Điều này khiến trong quá trình trao đổi qua lại trên MXH dễ dẫn đến xích mích, mâu thuẫn và nhắn tin thách thức, kéo bè, kết phái đánh nhau với hành vi coi thường pháp luật, thích thể hiện bản thân trước đám đông. Nhiều vụ tụ tập, ẩu đả đánh nhau, gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua xuất phát từ những kích bác, thách thức trên MXH.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm có xu hướng tăng sau dịch Covid-19 nhất là các loại tội phạm xâm hại sở hữu (trộm cắp, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen…); thành phần tội phạm đa dạng, có xu hướng trẻ hóa, hoạt động liên tỉnh, tội phạm mạng. Để thực hiện mục tiêu giảm tội phạm và các điều kiện nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, cần các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và linh hoạt phù hợp với đặc điểm tội phạm trong tình hình mới.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, từ năm 2020 đến hết quý I-2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 234 vụ, 457 đối tượng vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện. Cơ quan công an đã điều tra, làm rõ 190 vụ, 340 đối tượng, xử lý hình sự 107 vụ, 210 đối tượng; xử lý hành chính 83 vụ, 130 đối tượng; giáo dục tại gia đình 78 đối tượng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn 78 đối tượng; biện pháp khác (phạt tiền, cảnh cáo, nhắc nhở) 28 đối tượng; đang điều tra xác minh 42 vụ.

Đặng Ngọc - Trần Danh - Tố Tâm

Bài 3: Giải pháp mạnh, hành động ngay

Tin xem nhiều