Những năm gần đây, tình trạng các đối tượng dùng vũ lực hoặc lập nhóm, tạo thanh thế uy hiếp các chủ cơ sở kinh doanh, công ty, doanh nghiệp (DN)... để kiếm tiền vẫn xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh.
Những năm gần đây, tình trạng các đối tượng dùng vũ lực hoặc lập nhóm, tạo thanh thế uy hiếp các chủ cơ sở kinh doanh, công ty, doanh nghiệp (DN)... để kiếm tiền vẫn xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh.
Các đối tượng trong vụ bảo kê tại xã Long Hưng (TP.Biên Hòa) bị bắt giữ cùng tang vật. Ảnh: Công an cung cấp |
Hoạt động “bảo kê” là một trong những hành vi manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật của các đối tượng tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, các chủ cơ sở kinh doanh. Tình trạng “bảo kê” tạo ra những hệ lụy cho xã hội.
* “Bảo kê” các hoạt động kinh doanh
Theo cơ quan công an, hoạt động “bảo kê” thường là do các đối tượng cộm cán, đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng ma túy... tại các địa bàn đứng ra tổ chức, cấu kết, lôi kéo nhiều đối tượng cùng tham gia. Những đối tượng này thường dựa vào “uy” trong giới giang hồ để hoạt động và thường nhắm đến những người dân làm ăn kinh doanh, các công ty, DN hoạt động trên một số lĩnh vực sản xuất, dịch vụ để uy hiếp buộc họ phải chung chi để đổi lại sự yên ổn làm ăn.
Khi gặp phải những cá nhân, DN “cứng” không “hợp tác”, các đối tượng sẽ sử dụng vũ lực để uy hiếp hoặc kéo người gây sự làm cho nạn nhân phải chấp nhận chi tiền để được “bảo kê”. Hoạt động này nếu không được đấu tranh, xử lý sẽ gây ra những hệ lụy trong đời sống xã hội, gây bức xúc, hoang mang cho người dân.
Thời gian qua, tại một số địa phương, lực lượng công an đã triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng trong các băng nhóm hoạt động bảo kê gây bức xúc cho nhiều người dân, gây mất an ninh trật tự (ANTT).
Gần đây nhất là vụ bắt nhóm 4 đối tượng bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của một số DN khai thác cát xây dựng công trình tại dự án AquaCity (trên địa bàn xã Long Hưng, TP.Biên Hòa).
Cụ thể vào ngày 26-3, tại địa bàn xã Long Hưng, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa bắt quả tang nhóm đối tượng gồm: Trịnh Hoàng Phước (38 tuổi, ngụ xã Long Hưng), Mai Vũ Lộc (42 tuổi, ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa), Lê Văn Tấn (36 tuổi, ngụ xã Long Hưng) và Nguyễn Tiến Đạt (36 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) khi các đối tượng này vừa nhận số tiền 80 triệu đồng từ anh N.H.L. (người chuyên cung cấp cát cho dự án AquaCity).
Theo cơ quan công an, Mai Vũ Lộc đã có 4 tiền án về tội cưỡng đoạt tài sản và cố ý gây thương tích. Thời gian qua, Lộc đã cùng với các đối tượng còn lại tìm cách tiếp cận các DN làm ăn trên địa bàn để đòi bảo kê.
Khi biết được DN của anh N.H.L. trúng gói thầu cung cấp cát xây dựng tại công trình tại dự án AquaCity, Lộc và các đối tượng còn lại đã nhiều lần tìm gặp anh này để đe dọa, yêu cầu phải chung chi cho chúng. Không những thế, các đối tượng còn đến tận công trình nơi các công nhân đang tập kết cát đe dọa công nhân, yêu cầu gặp anh L. để thương lượng mới được làm.
Trước sự đe dọa liên tục của các đối tượng, do lo sợ bị ảnh hưởng đến công việc và tính mạng của những công nhân, anh L. chấp nhận chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản cho các đối tượng này.
Không dừng lại đó, các đối tượng tiếp tục uy hiếp anh L. để đòi thêm số tiền cao hơn. Đến trưa 26-3, khi các đối tượng hẹn anh L. đến một quán cà phê ở xã Long Hưng để nhận 80 triệu đồng từ anh này thì bị công an bắt quả tang.
Không chỉ có vụ việc nói trên, trước đó, tại địa bàn TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu, lực lượng công an đã triệt phá các băng nhóm bảo kê khu chợ công nhân tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) do Lý Thị Loan (thường gọi “Loan cá”, 41 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) và Nguyễn Quốc Tuấn (thường gọi “Tuấn cá”, 45 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) cầm đầu.
Mới đây, TAND H.Vĩnh Cửu đã đưa các đối tượng trong băng nhóm này ra xét xử và tuyên phạt các bị cáo Lý Thị Loan 5 năm tù, Hoàng Thị Tuyết Nhung (37 tuổi, ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) 3 năm 3 tháng tù, Trần Công Đại (24 tuổi, ngụ H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) 3 năm tù cùng về tội cưỡng đoạt tài sản. Trước đó vào năm 2021, liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn tại chợ Hóa An (TP.Biên Hòa), TAND TP.Biên Hòa đã tuyên phạt bị cáo Tuấn 2 năm 6 tháng tù.
* Để nạn “bảo kê” không còn đất sống
Nói về công tác điều tra, xử lý các băng nhóm hoạt động bảo kê trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh trước đây có rất nhiều băng nhóm tội phạm hình sự, đặc biệt là các băng nhóm hoạt động cho vay lãi nặng, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, chiếm đoạt đất đai của người dân.
Lãnh đạo Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho Công an tỉnh, trong năm 2020 phải giải quyết được tình hình ANTT; lực lượng công an phải đấu tranh làm tan rã hoặc triệt xóa hết các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê...
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban TVTU và Bộ Công an, thời gian qua, Ban giám đốc Công an tỉnh đã quyết tâm, triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh. Lực lượng công an đã làm tan rã, triệt xóa hết các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tại một số địa bàn, vẫn còn một số băng nhóm tội phạm hoạt động mang tính tự phát, nhỏ, lẻ tìm cách hoạt động. Do đó, Ban giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương, các phòng nghiệp vụ tiếp tục rà soát, phát hiện, xử lý triệt để đối với các băng nhóm hoạt động trên lĩnh vực này.
Theo cán bộ chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa, việc phát hiện xử lý các đối tượng hoạt động bảo kê trên địa bàn thành phố lâu nay gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để khống chế buộc nạn nhân phải chấp hành theo yêu cầu của chúng mà không dám tố cáo.
Bên cạnh đó, một số nạn nhân trong các vụ cưỡng đoạt, bảo kê thường chấp nhận chi một phần tài sản để đổi lại sự yên ổn làm ăn, nhiều nạn nhân chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” và không tố cáo đến cơ quan công an. Không những thế, khi công an vào cuộc điều tra, nhiều người là nạn nhân trong các vụ việc tương tự đã không hợp tác, né tránh hoặc từ chối làm việc.
Tuy nhiên, theo cán bộ trên, trước tình hình phức tạp của nạn bảo kê gây mất ANTT, gây hoang mang cho người dân, lực lượng công an quyết tâm điều tra đến cùng khi phát hiện vụ việc. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các trinh sát vẫn bằng mọi cách, bám sát địa bàn, thu thập, củng cố chứng cứ để đấu tranh, làm rõ thủ đoạn của từng đối tượng trong các vụ việc.
Cũng theo vị cán bộ này, để tình trạng “bảo kê” không còn tồn tại, khi phát hiện có đối tượng hoạt động, người dân cần phải báo ngay cho cơ quan công an, hợp tác với lực lượng chức năng để xử lý triệt để. Trong quá trình làm ăn, người dân chấp hành đúng quy định pháp luật, không để các đối tượng lợi dụng để làm ăn phi pháp.
Trần Danh