Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải qua thiết bị giám sát hành trình

10:03, 09/03/2022

Từ kết quả truy cập dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) gắn trên xe kinh doanh vận tải, các cơ quan chức năng đã phát hiện các vi phạm như: phương tiện không truyền dữ liệu, lái xe vượt quá thời gian quy định, vi phạm tốc độ…

Từ kết quả truy cập dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) gắn trên xe kinh doanh vận tải, các cơ quan chức năng đã phát hiện các vi phạm như: phương tiện không truyền dữ liệu, lái xe vượt quá thời gian quy định, vi phạm tốc độ…

Lắp thiết bị giám sát hành trình cho phương tiện kinh doanh vận tải. Ảnh: T.Hải
Lắp thiết bị giám sát hành trình cho phương tiện kinh doanh vận tải. Ảnh: T.Hải

Tình trạng nhiều phương tiện là xe kinh doanh vận tải vi phạm không truyền dữ liệu hoạt động qua hộp đen về các cơ quan quản lý diễn ra còn phổ biến với số lượng vi phạm lớn.

* Giám sát vi phạm qua hộp đen

Phương tiện khi gắn hộp đen, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể theo dõi hoạt động của phương tiện 24/24 giờ, giám sát lộ trình xe chạy, quản lý các điểm đón - trả khách, quản lý lái xe, quản lý nhiên liệu, giám sát được tốc độ xe chạy, thời gian xe chạy, hành trình xe chạy… Nhờ đó, chủ doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh hành vi của lái xe; tối ưu hóa hành trình chạy xe, hạn chế tình trạng xe chạy rỗng, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, hộp đen được gắn trên phương tiện vận tải cũng là công cụ hữu hiệu để phục vụ lực lượng chức năng, cơ quan quản lý kiểm tra, truy xuất dữ liệu phương tiện trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Quan trọng hơn, khi có sự cố hay các vụ tai nạn giao thông xảy ra, lực lượng chức năng truy xuất các thông tin từ thiết bị này để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện đã cấp tài khoản cho Sở GT-VT các địa phương, các bến xe để khai thác, kiểm tra, giám sát, sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý vận tải tại địa phương và tra cứu các phương tiện trong toàn quốc. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cung cấp tài khoản truy cập vào hệ thống để chia sẻ dữ liệu cho cảnh sát giao thông theo dõi, kiểm tra trong quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên đường, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Văn Long, lái xe khách dịch vụ tuyến Đồng Nai - Cà Mau cho biết, từ thời điểm bắt buộc lắp hộp đen, lái xe không dám chạy quá tốc độ, vì toàn bộ các lỗi đều được thiết bị này truyền về trung tâm. Nếu có lỡ vượt quá tốc độ, lái xe sẽ bị bộ phận kỹ thuật nhắc nhở ngay. Nếu cố tình vi phạm nhiều lần sẽ bị công ty trừ lương. Trường hợp bị Sở GT-VT xử lý lỗi vi phạm đối với doanh nghiệp, lái xe phải chịu liên đới trách nhiệm.

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã quy định đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn hộp đen thì dữ liệu từ hộp đen phải được truyền dẫn liên tục về hệ thống giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GT-VT các địa phương.

Sau đó, hệ thống này tiếp nhận, phân tích và cung cấp công cụ giám sát trực tuyến trên bản đồ số toàn bộ phương tiện trên toàn quốc theo thời gian thực. Hệ thống cung cấp công cụ để phân loại trạng thái của phương tiện đảm bảo dễ dàng trong quá trình theo dõi, giám sát. Từ đó, thông qua hộp đen để kiểm soát tốc độ phương tiện, thời gian lái xe.

* Tăng cường giám sát, xử lý phương tiện vi phạm

Nếu kiểm soát chặt việc truyền dữ liệu, cơ quan quản lý sẽ biết phương tiện nào không phải tuyến cố định nhưng đón trả khách lặp đi, lặp lại tại một điểm hoặc liên tục xảy ra vi phạm về chạy quá tốc độ quy định, thời gian lái xe trong 1 ngày… Việc xác định xe kinh doanh vận tải vi phạm sẽ dễ dàng hơn để từ đó có thể “phạt nguội” lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, qua đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vẫn còn không ít doanh nghiệp vận tải, lái xe thực hiện quy định này một cách đối phó. Thậm chí, một bộ phận lái xe, chủ xe có nhiều mánh khóe sử dụng công tắc hoặc đấu nối dây điện để tắt thiết bị, sử dụng thiết bị phá sóng để vô hiệu hóa hộp đen. Hành vi vi phạm này được quy định rõ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt về mức xử phạt tiền đối với những vi phạm liên quan đến việc lắp đặt và sử dụng dữ liệu hộp đen từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Đại diện Sở GT-VT cho biết, đơn vị vừa có văn bản chấn chỉnh và khắc phục hành vi vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình. Cụ thể, chỉ riêng trong tháng 12-2021 đã có trên 15 ngàn phương tiện không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình về trang web của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, gần 600 phương tiện trong tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/ngàn km xe chạy theo quy định, lái xe của hơn 3,5 ngàn phương tiện vi phạm về thời gian lái xe liên tục từ 10% số ngày xe hoạt động trong 1 tháng.

Dựa vào số liệu trên, Sở GT-VT đề nghị các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải khẩn trương kiểm tra, rà soát các lái xe của phương tiện vi phạm để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo và có biện pháp xử lý vi phạm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thực hiện nghiêm các điều kiện về hoạt động kinh doanh vận tải khi tham gia hoạt động theo quy định. Đồng thời, các đơn vị có báo cáo kết quả khắc phục và giải trình về xử lý vi phạm gửi về Sở. Nếu đơn vị không báo cáo và khắc phục sẽ bị xem xét xử lý theo quy định.

Thanh Hải

Tin xem nhiều