Khoảng 5,3 triệu người Việt Nam (trong đó trên 30 ngàn kiều bào Đồng Nai) đang sinh sống, làm việc, học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù ở đâu, làm gì, tuyệt đại bộ phận đồng bào vẫn chảy trong huyết quản nòi giống Lạc Hồng, gắn bó máu thịt, là bộ phận không tách rời của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước ta.
Khoảng 5,3 triệu người Việt Nam (trong đó trên 30 ngàn kiều bào Đồng Nai) đang sinh sống, làm việc, học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù ở đâu, làm gì, tuyệt đại bộ phận đồng bào vẫn chảy trong huyết quản nòi giống Lạc Hồng, gắn bó máu thịt, là bộ phận không tách rời của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước ta.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến việc tiếp nhận vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 do kiều bào ủng hộ tại buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ tháng 9-2021. Ảnh: TTXVN |
Nhạy bén với thời cuộc, ứng với mỗi bối cảnh, bà con có những cách làm riêng, thiết thực, gửi trọn tình cảm thân thương về quê hương, bản quán, tích cực đóng góp nguồn lực quan trọng xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
* Nhiều tấm lòng hướng về Tổ quốc
Cùng chung cảnh ngộ đối mặt với khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 ập đến, nhưng ở thời điểm các tỉnh, thành phía Nam căng mình chống dịch, kiều bào ta vẫn tỏa sáng tinh thần đùm bọc, nhường cơm sẻ áo với người dân trong nước. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Tấm lòng thơm thảo, hành động tử tế của bà con dệt nên những câu chuyện lay động lòng người. Đó là, vợ chồng cụ Phó Đức Hân, tuổi ngoài 80, rời khỏi nhà từ 5 giờ sáng, vượt hơn 300km từ San Antonio đến Houston, trụ sở của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Texas, Hoa Kỳ, tận tay trao 2 ngàn USD ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid 19, với niềm tin Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch bệnh để họ sớm được trở về thăm quê. Thậm chí, có cô bé mới hơn 10 tuổi, người Việt sống ở Anh, đã lên mạng kêu gọi quyên góp ủng hộ, tự vẽ tranh, may quần áo và gửi về nước 125 triệu đồng…
Bước vào giai đoạn cam go nhất của “cuộc chiến”, lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát đi đúng lúc, chạm vào trái tim mỗi người dân yêu nước. Truyền thống đoàn kết được phát huy cao độ ngay cả bên ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam. Tính đến cuối năm 2021, thông qua các kênh chính thức, cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới đã kịp thời ủng hộ hơn 70 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19, cùng số trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm tổng trị giá khoảng 10 triệu USD. Những việc làm quý báu này thể hiện nỗ lực đồng hành siết chặt tay nhau vượt qua gian khó, mang lại hiệu quả từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh ở nước ta. Đây chính là những bằng chứng đanh thép nhất bác bỏ mớ luận điệu xuyên tạc trơ trẽn từ phía những kẻ bất mãn chính trị nuôi thái độ thù địch đã cố tình gợi lại quá khứ rồi hùa sức kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, phân biệt, chia rẽ vùng miền hòng phá hoại, phủ nhận thành quả phòng, chống dịch của Việt Nam. Tinh thần “tụ tâm” dân tộc (theo cách nói của nhà sử học Dương Trung Quốc) bùng lên mạnh mẽ như ngọn lửa thiêu đốt, tẩy chay những tiếng nói vô cảm, lạc lõng mà đối tượng xấu gieo rắc với rắp tâm sâu xa là gây suy yếu sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”.
Tại buổi gặp gỡ thân mật cộng đồng người Việt nhân chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ tháng 9-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm kích trước tình cảm sâu nặng, chân thành hòa hợp, đoàn kết của kiều bào ta ở nước ngoài. Trong sức mạnh nước nhà chiến thắng đại dịch, có sức mạnh của bà con Việt kiều trên toàn thế giới, Chủ tịch nước cho rằng tình yêu ấy, trách nhiệm ấy của bà con thân thương, xa nhà, xa Tổ quốc rất cảm động.
* Vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Nghĩa cử cao đẹp bà con Việt kiều hướng về quê nhà không chỉ dừng lại ở các hoạt động từ thiện - xã hội mà bao gồm cả trí lực và vật lực tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tuy đại dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu đến công việc làm ăn nhưng năm 2021 bà con vẫn gửi về nước lượng kiều hối 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020, đưa Việt Nam nằm trong tốp 10 những nước nhận được kiều hối nhiều nhất thế giới. Con số 90 tỷ USD kiều hối chảy về Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm qua, cho thấy cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã dành một phần không nhỏ mồ hôi, công sức để giúp đỡ cho gia đình cũng như quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Không chỉ đầu tư kinh doanh trong nước, các chuyên gia, doanh nhân, các bạn trẻ tài năng còn nhiệt tâm đóng góp trí tuệ, ý kiến tư vấn phản biện, góp phần xây dựng chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Đó thực sự là hành trình tiếp nối mạnh mẽ được khơi thông từ những cuộc trở về gây tiếng vang của một số tên tuổi trước đây đứng bên kia chiến tuyến và có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Ngược dòng thời gian, sự kiện đột phá được xem là tháo mở nút thắt cho công cuộc đại đoàn kết dân tộc, phải nhắc đến lần tìm lại quê hương đầu tiên của nguyên Phó tổng thống chế độ Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ, năm 2004. Ngay lúc nhìn thấy TP.HCM từ trên máy bay, người đàn ông 75 tuổi khi ấy đã khóc vì xúc động lẫn chất chứa bao nỗi niềm của một đứa con lạc lối xa quê cách nửa vòng trái đất suốt hơn 30 năm... Để rồi, ông đã có chuyến thứ hai hồi hương chỉ trong vòng 1 năm sau đó. Nhiều chuyến cập bến quê nhà năm tháng cuối đời của ông Nguyễn Cao Kỳ đã truyền đi bao thông điệp hào hứng, thuyết phục, hình thành lối mở cho những cuộc trở về thành công của nhiều người Việt ở hải ngoại sau này. Một trường hợp khác là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy, người từng rời bỏ Tổ quốc ra đi nhưng sau về Việt Nam ở hẳn, đã không giấu giếm trải lòng: “Cuối cùng Việt Nam mới là nơi để tôi về, sống chết với quê hương, với tất cả đồng bào”.
Và, có những “cuộc trở về” thai nghén ngay trong lòng đất Mẹ. Câu chuyện về cuộc đời GS-BS Trần Đông A là một minh chứng sống động. Từng phục vụ bên kia chiến tuyến, nhưng sau ngày giải phóng, ông không di tản qua Mỹ như nhiều đồng nghiệp cùng thời, mà lựa chọn ở lại bởi lẽ “niềm hạnh phúc đất nước hòa bình thống nhất lấn át tất cả”. Bằng kiến thức uyên bác cộng với bàn tay vàng, suốt hơn 4 thập kỷ gắn bó hết mình, ông đã mang lại hàng loạt thành công xuất sắc cho ngành ngoại Nhi và sớm được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XI, XII. Nhìn nhận quyết định ở lại của bản thân là hoàn toàn đúng đắn, Giáo sư lan tỏa quan điểm “hãy bình thường hóa về thăm Việt Nam, đã là trí thức thì cần phải góp phần làm cho đất nước phát triển bằng chính công sức của mình”.
Có nghĩa rằng, dù đi đâu, làm gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những con người có chung dòng máu Lạc Hồng vẫn luôn nhớ mình là người Việt Nam, sống xứng đáng là con cháu vua Hùng. Ngự trị sâu trong tâm khảm họ, đây là đất nước của tổ tiên, của văn hóa gốc và dải đất hình chữ S sau hơn 35 năm đổi mới đã tuyệt vời hơn rất nhiều.
Bài viết này hy vọng truyền cảm hứng, xây dựng niềm tin vững chắc cho những ai yêu nước và nhiệt tâm phấn đấu vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Ai đó nếu lòng lấn cấn lý do này khác hoặc còn giữ tâm thế chia cắt, đoạn tuyệt với chốn chôn nhau cắt rốn, nên sớm ngộ ra rằng “hòa hiếu”, “hòa hợp” chưa bao giờ là muộn. Hãy gạt bỏ định kiến bằng cách gieo hạt giống tâm hồn thiện lành, thiện chí gác lại quá khứ, hàn gắn đau thương đã lùi vào dĩ vãng 47 năm, cởi mở, chân thành, hướng tới mẫu số chung là chung tay vun đắp tương lai tươi sáng của đất nước, dân tộc.
“Rồi chim lại bay về tổ”, tôi mượn lời ông Nguyễn Cao Kỳ chiêm nghiệm trước báo giới trong một đợt về thăm quê hương, để làm nhan đề và cũng là thông điệp khép lại bài viết này.
Không thể làm vẩn đục suối nguồn yêu thương trong trẻo, dạt dào, mãnh liệt trong trái tim nóng của những người Việt Nam yêu nước chân chính, rốt cuộc, mấy kẻ xấu rêu rao luận điệu bóp méo, bôi đen sự thật, kích động thù hận, chia rẽ, phá hoại đất nước tự khắc lu mờ, chìm nghỉm như “đá ném ao bèo”. |
Vĩnh Thắng