Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các vi phạm liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh hiện còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, có không ít vụ việc vì tranh chấp đất mà vướng vòng lao lý.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các vi phạm liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh hiện còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, có không ít vụ việc vì tranh chấp đất mà vướng vòng lao lý.
Các bị cáo phạm tội hủy hoại tài sản chỉ vì tranh chấp đất đai sai cách tại phiên tòa xét xử của TAND tỉnh. Ảnh: T.Tâm |
Việc lợi dụng lòng tin trong giao dịch mua bán đất đai để chiếm đoạt tài sản hoặc tranh chấp sai cách đều dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.
* Nhiều vụ án hình sự liên quan đến đất đai
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều trường hợp người dân vướng vòng lao lý chỉ vì tranh chấp đất đai sai cách hoặc lợi dụng tình trạng “sốt” đất để có hành vi lừa đảo, lạm dụng lòng tin người khác khi thực hiện các giao dịch mua bán đất hòng chiếm đoạt tài sản cũng khá phổ biến. Trong đó, có nhiều bị hại vì tin tưởng lời giới thiệu có cánh của “cò đất” mà rơi vào “bẫy” của kẻ lừa đảo khiến cho bản thân mất đi số tiền lớn.
Điển hình, ngày 18-1-2022, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Trịnh Minh Châu (42 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền Châu chiếm đoạt lên đến hơn 7,3 tỷ đồng.
Luật sư VŨ VĂN TĂNG, Đoàn Luật sư tỉnh khuyến cáo, người dân phải sáng suốt và tìm hiểu kỹ đất đai cũng như các quy định pháp luật trước khi thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, cần phải thực hiện các thủ tục khiếu kiện, tranh chấp theo đúng quy định pháp luật; tránh trường hợp chưa đòi được đất đã vướng vào vòng lao lý. |
Theo nội dung vụ án, thông qua mối quan hệ trong công tác, bị cáo Châu quen biết bà Đ.T.H. (54 tuổi) và bà Đ.T.K.P. (54 tuổi). Khoảng tháng 5-2018, bị cáo Châu giới thiệu với 2 bà H. và P. về dự án nhà ở tại TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trên thực tế, bị cáo không phải là chủ đầu tư dự án, cũng không phải là người được các đơn vị có thẩm quyền ủy quyền để bán các lô đất nền tại các dự án này. Nhưng sau khi tìm hiểu thông tin liên quan đến dự án, bị cáo đã đưa ra thông tin gian dối là bản thân đang hợp tác thực hiện dự án trên. Tin tưởng, bà H. và P. đã đưa tổng số tiền hơn 7,3 tỷ đồng nhờ Châu mua đất và bị chiếm đoạt.
Đáng chú ý, có những vụ án vì giao dịch mua bán đất bằng giấy tay, từ những tranh chấp về dân sự đã dẫn đến xô xát đôi bên khiến cho một số người bị xử lý hình sự. Như ngày 19-1, TAND tỉnh tuyên phạt các bị cáo Phạm Thị Hương (45 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa), Mai Trọng Nam (45 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) lần lượt 14 tháng và 12 tháng tù; riêng 4 bị cáo khác liên quan cũng phải nộp phạt 30 triệu đồng cùng về tội hủy hoại tài sản.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.Biên Hòa, vào ngày 20-7-2016, bà Cao Thị Lụa (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) mua diện tích đất hơn 5,2 ngàn m2 tại hẻm 1, tổ 39C, KP.11A, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) và chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, bà Lụa ủy quyền cho con trai chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Toán (ngụ P.Tân Phong) 3 ngàn m2 đất với giá 1,3 tỷ đồng/ngàn m2.
Sau khi đặt cọc được 1 tỷ đồng, bà Toán đã tự ý phân chia đất thành các lô nhỏ để bán lại cho 30 hộ dân khác nhau. Điều này đã gây ra tranh chấp giữa gia đình bà Lụa với những hộ dân mua đất của bà Toán. Trong quá trình tranh chấp, do bức xúc nên các bị cáo đã hủy hoại tài sản của bà Lụa và phải lãnh án.
* Cần giải quyết tranh chấp đất đúng quy định pháp luật
Theo ngành Tòa án, Đồng Nai đang phát triển nhiều dự án kinh tế lớn nên đã trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản. Điều này kéo theo tình trạng người dân đổ xô đi mua đất để đầu tư, từ đây dẫn đến xảy ra nhiều vụ tranh chấp liên quan đến đất đai. Thông qua công tác hòa giải, nhiều vụ việc tranh chấp đất đai đã được giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, có những vụ dân sự khiếu kiện, tranh chấp kéo dài hoặc người dân tự ý hành xử mang tính cá nhân dẫn đến những xô xát, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong khi đó, cơn “sốt đất” thời gian qua cũng là cơ hội để nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin hoặc tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật của người dân thực hiện các hành vi lừa đảo, gian dối hòng chiếm đoạt tài sản. Ngoài các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai trong năm 2021 chiếm hơn 70% các vụ án ngành Tòa án thụ lý thì các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội phức tạp.
Một thẩm phán TAND tỉnh phân tích, nguyên nhân chính để xảy ra các vụ án hình sự do các vấn đề về đất đai chủ yếu là từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, trình độ hiểu biết pháp luật liên quan đến đất đai còn hạn chế. Trong đó có một bộ phận người dân dù biết mua bán đất sang tay là không đúng nhưng vẫn chấp nhận rủi ro vì ham rẻ. Đặc biệt cũng có những vụ việc, nhiều đối tượng bất chấp quy định pháp luật, thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách bán một thửa đất cho nhiều người hoặc tự ý vẽ ra dự án “ma” để thu hút đầu tư khiến cho tình trạng tranh chấp, kiện tụng, xô xát diễn ra rất phức tạp, kéo dài.
Ngoài ra, để xảy ra tình trạng trên còn do những bất cập trong chính sách pháp luật về đất đai, kéo theo các cơ quan Nhà nước lúng túng trong việc quản lý và tạo khe hở pháp luật cho nhiều đối tượng phạm pháp. Do đó, người dân cần nhận thức đúng về các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho bản thân, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng xấu và những tranh chấp pháp lý không đáng có liên quan đến đất đai.
Luật sư Vũ Văn Tăng (Đoàn Luật sư tỉnh) cũng cho biết, thực tế hiện nay, đã có rất nhiều vụ án như: cố ý gây thương tích, giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… xuất phát từ việc mua bán, tranh chấp đất đai. Do đó, ngoài công tác tuyên truyền pháp luật thì các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường giám sát tình trạng xây dựng không có giấy phép, xây dựng trên khu quy hoạch các công trình công cộng, tự ý tách thửa không phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch…
Tố Tâm