Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại đề xuất chuyển đào tạo, sát hạch lái xe về Bộ Công an

10:02, 16/02/2022

Việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) mới đây lại được Bộ Công an kiến nghị chuyển từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an. Vấn đề được nhiều người quan tâm là việc sát hạch, cấp GPLX sắp tới sẽ do ngành Công an hay GT-VT quản lý.

Việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) mới đây lại được Bộ Công an kiến nghị chuyển từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an. Vấn đề được nhiều người quan tâm là việc sát hạch, cấp GPLX sắp tới sẽ do ngành Công an hay GT-VT quản lý.

Học viên học thực hành lái xe tại Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe loại 1 (Sở GT-VT)  tại TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Nguyên
Học viên học thực hành lái xe tại Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe loại 1 (Sở GT-VT) tại TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Nguyên

Người dân mong muốn, cơ quan quản lý cần chú trọng nâng cao chất lượng và giám sát chặt chẽ hoạt động này.

* Thực hiện ổn định trong nhiều năm

Trước đây, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được giao cho Bộ Công an quản lý, nhưng từ năm 2001 đến nay, công tác này đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, nghĩa là do Bộ
GT-VT phụ trách và được thực hiện ổn định.

Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia qua 2 giai đoạn. Đồng Nai là một trong 12 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm công tác này.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra tháng 10-2020, đa số đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 ra thành 2 luật Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cũng như không đồng ý chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an. Trong đó, thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX có 77% không đồng ý, hơn 21% đồng ý, còn lại là ý kiến khác.

Theo Sở GT-VT, thực hiện bổ sung bộ thủ tục hành chính theo Thông tư 01/2021/TT-BGTVT ngày 27-1-2021 của Bộ GT-VT thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính trong hệ thống phần mềm cấp đổi GPLX mức độ 4, Sở đã bổ sung hệ thống phần mềm dịch vụ công quốc gia về cấp đổi GPLX, đăng tải tài liệu hướng dẫn sử dụng lên hệ thống đổi GPLX mức độ 4 cho người dân. Đồng thời, cập nhật tài khoản nghiệp vụ dành cho cán bộ duyệt hồ sơ cấp đổi dịch vụ công trực tuyến về đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân dễ dàng thực hiện.

Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Văn Đông cho biết, Sở GT-VT thực hiện hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về đầu tư mua sắm trang thiết bị, phần mềm mô phỏng về đào tạo lái xe theo đúng lộ trình. Thực hiện quản lý và cấp GPLX tập lái trên phần mềm quản lý xe tập lái; kiểm tra thực tế xe tập lái, hồ sơ xe tập lái theo quy định; kiểm tra hồ sơ giáo viên, cập nhật vào phần mềm theo quy định. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện tổ chức lớp tập huấn nâng cao trình độ giáo viên dạy lái xe theo chương trình quy định.

Đến nay, sau thời gian triển khai, trên địa bàn có 10 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 11 cơ sở đào tạo lái xe mô tô. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp phép 3 trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động (gồm 2 trung tâm loại 1 và 1 trung tâm loại 2); Sở GT-VT cấp phép 4 trung tâm sát hạch lái xe loại 3. Công tác tổ chức các kỳ sát hạch lái xe đều được thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Sở GT-VT và phần mềm sát hạch lái xe truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trong năm 2021, Sở GT-VT đã cấp hơn 60,5 ngàn GPLX gồm: cấp mới hơn 32 ngàn GPLX, cấp đổi hơn 28 ngàn GPLX. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trên địa bàn tỉnh thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

* Cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng

Bộ Công an vừa tổ chức hội thảo khoa học về những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp GPLX cơ giới đường bộ từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an. Đại diện Bộ Công an cho rằng, người lái xe vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Do đó, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX.

Ngoài ra, việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là một khâu của công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông và có quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau với quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, việc này lại không được giao trách nhiệm chính cho Bộ quản lý chuyên ngành về bảo vệ trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông đảm nhiệm mà đang do cơ quan quản lý về kinh tế - kỹ thuật thực hiện dẫn đến hiệu quả quản lý sau khi cấp GPLX rất hạn chế, không quy được trách nhiệm chính cho cơ quan nào, việc kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông gặp nhiều khó khăn.

Bộ Công an đề xuất chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX  từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Dư luận cho rằng, thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX do Bộ GT-VT thực hiện và quản lý ổn định và mang lại hiệu quả nhất định. Vẫn còn một số bất cập chưa xử lý, giải quyết triệt để, song về cơ bản hoạt động này đã đi vào nền nếp.

Đại diện một cơ sở đào tạo lái xe ô tô ở TP.Biên Hòa cho rằng, hoạt động đào tạo, sát hạch GPLX đã được xã hội hóa mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp. Dù Bộ Công an nhiều lần đề xuất nhưng đến nay chưa có cơ sở, báo cáo đánh giá việc chuyển sang Bộ Công an quản lý sẽ tốt hơn Bộ GT-VT quản lý. Vì thế, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để tránh phát sinh các thủ tục hành chính rườm rà, thẩm quyền chồng chéo... gây phiền hà cho người dân.

Võ Nguyên

Tin xem nhiều