"Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào...". Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18-11-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã lẩy Kiều để nhắc nhở cán bộ phải tỉnh táo, giữ mình trong sạch.
“Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào...”. Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18-11-2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã lẩy Kiều để nhắc nhở cán bộ phải tỉnh táo, giữ mình trong sạch.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18-11-2021. Ảnh: TTXVN |
Cách nói tu từ, dân dã, có ý nghĩa sâu sắc của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta được nhiều người trong giới chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý... học tập, vận dụng để tự răn mình, góp phần nâng cao công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái..., thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
* Lợi dụng tiêu cực của cán bộ để xuyên tạc hình ảnh quốc gia
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đời sống kinh tế - xã hội của cả nước đã có sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 mang lại khí thế, diện mạo mới cho môi trường sản xuất, kinh doanh, tái hoạt động các đường bay quốc tế, từng bước đón du khách từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.
Hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương, vùng kinh tế trọng điểm đã tăng tốc ngay từ đầu năm mới. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2-2022 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17-2 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2022 có sự phục hồi tích cực. Dù xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2022 giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD. Cam kết và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiến triển tích cực.
Việt Nam thu hút 2,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1-2022, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, việc chăm lo an sinh xã hội cho đồng bào trước, trong và sau Tết Nguyên đán đã trở thành phong trào thiện nguyện, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào yêu nước. Những thành tích, dấu ấn tích cực ấy đã thể hiện rõ nét tính ưu việt của văn hóa Việt Nam, bản chất nhân văn xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó giữa Đảng với dân.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế - xã hội đất nước đầu năm 2022 vẫn có những mảng tối, tiêu cực. Và đây chính là cái cớ để các phần tử cực đoan chính trị, có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác, khoét sâu, tăng cấp độ, quy mô, tính chất xuyên tạc, chống phá.
Vụ việc tiêu cực từ Công ty Việt Á, vụ việc nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), việc kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị... đã bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bóp méo, bôi đen, nhằm ý đồ lèo lái dư luận, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Trên một số trang mạng xã hội như: “Việt Tân”, “RFA Tiếng Việt”, “Tiếng dân”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Diễn đàn dân chủ”... và tài khoản của một số đối tượng cực đoan, có tư tưởng thù địch xuất hiện nhiều bài viết, clip có nội dung xuyên tạc.
Chúng bám vào những vụ việc tiêu cực đó để chỉ trích Chính phủ và hệ thống chính trị, quy kết lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh quốc gia, vị thế dân tộc, kêu gọi các nhà đầu tư và du khách quốc tế tẩy chay Việt Nam. Với chiêu bài lấy hiện tượng quy kết bản chất, lấy cái cá thể chụp mũ tổng thể, các thế lực thù địch và đối tượng phản động cho rằng, “Việt Nam là đất nước của tham nhũng, tiêu cực”, rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng vì Việt Nam chỉ do một đảng lãnh đạo, một đảng thì không thể có dân chủ, không thể chống được tham nhũng”...
Trước những luận điệu xuyên tạc ấy, công chúng yêu nước dễ dàng nhận ra bản chất, bộ mặt của những đối tượng, tổ chức mang tư tưởng thù địch với đất nước. Mấy tháng trước, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng đã kích động, rêu rao rằng “công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã thất bại”, “Việt Nam chống dịch kém nhất thế giới”...
Đến khi chúng ta khống chế dịch thành công, chuyển sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội thì chúng chuyển sang bám vào những vụ việc tiêu cực, những mảng tối của “hậu Covid-19” để xuyên tạc, kích động chống phá. Không ít đối tượng nhân danh hoạt động “phản biện”, “góp ý”, “đấu tranh”... ra sức bôi đen hình ảnh đất nước, hạ thấp uy tín quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Mục đích của chúng hòng làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên méo mó, lệch lạc trong mắt kiều bào và bạn bè quốc tế, phá hoại công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước.
Bổn phận công bộc trong giữ gìn “phương diện quốc gia”
Từ điển tiếng Việt giải thích “phương diện quốc gia” từ ý thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều là: “Vị quan đảm đương công việc một vùng đất nước”. Trong thời đại ngày nay, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị đều có một phần “phương diện quốc gia” trên cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, mọi việc làm, hành vi ứng xử của cán bộ, nhất là trong môi trường có yếu tố nước ngoài, đều có ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh đất nước, vị thế quốc gia, dân tộc. Cán bộ giữ cương vị càng cao, sự ảnh hưởng càng lớn. Cán bộ tốt thì dân được nhờ, đất nước được tiếng thơm. Cán bộ tiêu cực, không biết giữ mình thì đất nước mang tiếng xấu. Sự lợi dụng của các thế lực thù địch, phần tử phản động nhằm mưu đồ chống phá Đảng, chống phá đất nước cũng từ những hành vi tiêu cực đó mà ra.
Chính vì vậy, để giữ “phương diện quốc gia”, mỗi cán bộ, đảng viên phải có sự thống nhất cao về mặt nhận thức, có thái độ đấu tranh kiên quyết, bài trừ những thông tin tiêu cực về tình hình đất nước trên không gian mạng, nêu gương và dẫn dắt quần chúng. Cần nhận thức một cách thấu đáo và khách quan, việc đấu tranh phát hiện, xử lý những vụ việc tiêu cực vừa qua là sự thể hiện thái độ kiên trì, kiên quyết, không có vùng cấm của Đảng, Nhà nước ta đối với tham nhũng, tiêu cực.
Việc các cơ quan chức năng điều tra, khám phá thành công những vụ án, vụ việc tiêu cực trong nội bộ chính là kết quả, thành công của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lấy những vụ việc, biểu hiện tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, quy chụp, lên án cả hệ thống chính trị, bôi nhọ đất nước... là thủ đoạn võ đoán, quy chụp, thể hiện rõ ý đồ thù địch.
Để giữ “phương diện quốc gia”, bên cạnh tập trung các giải pháp đấu tranh phản bác, phủ nhận, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, cần đặc biệt coi trọng việc củng cố trận địa từ bên trong. Đó chính là ý thức trách nhiệm, bổn phận của đội ngũ công bộc trước lợi ích quốc gia, dân tộc. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên...”.
Như vậy, văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ... chính là những nhân tố cốt lõi để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là công bộc của dân, là đại diện cho vị thế quốc gia. Trong có ấm thì ngoài mới êm. Nếu mỗi công bộc của dân có ý thức, bổn phận giữ “phương diện quốc gia” đúng mực thì chúng ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong bộ máy công quyền, các thế lực thù địch khó tìm cớ để chống phá Đảng, chống phá đất nước. Đó cũng là phương châm lấy xây để chống trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đạo đức công vụ phải gắn liền với xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp. Đó chính là phương châm của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế, nhất là cán bộ, doanh nhân trong các ngành liên quan đến ngoại giao, du lịch, thương mại... Trong từng môi trường, hoàn cảnh có yếu tố quốc tế, chính họ là cầu nối, là “sứ giả” của văn hóa dân tộc, thể hiện phong cách, thái độ, trình độ văn hóa, văn minh của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè. Hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cũng đến từ những ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam thông qua những hình ảnh thân thiện ấy.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Quan điểm của Đại hội XIII của Đảng và thông điệp từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 phải được thể hiện, tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống xã hội. Chúng ta xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Đó là cách thiết thực để giữ “phương diện quốc gia” trong ý thức, hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên, để khi “quan trên trông xuống người ta trông vào” không hổ thẹn với lương tâm.
Theo qdnd.vn