Báo Đồng Nai điện tử
En

Bổ sung nhiều biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình

09:10, 18/10/2021

Sau 14 năm ban hành, đến nay Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2007 đã có một số bất cập, không còn sát thực tế. Do đó, Bộ VH-TTDL đã xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp mới để ngăn chặn BLGĐ và bảo vệ người bị bạo hành.

Sau 14 năm ban hành, đến nay Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2007 đã có một số bất cập, không còn sát thực tế. Do đó, Bộ VH-TTDL đã xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp mới để ngăn chặn BLGĐ và bảo vệ người bị bạo hành.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Bộ VH-TTDL đang lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, tầng lớp nhân dân đóng góp cho dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi từ ngày 1-10 đến hết ngày 1-12.

* Thêm nhiều biện pháp bảo vệ

Dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi gồm 9 chương, 80 điều (tăng 34 điều so với Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành). Cụ thể, đã sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 47 điều. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung 18 điều của Chương IV (về báo tin, ngăn chặn; bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ và người tham gia phòng, chống BLGĐ) và 10 điều của Chương V (về xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống BLGĐ và các biện pháp hỗ trợ, kiểm soát hành vi BLGĐ).

Tại 2 chương nêu trên đã sửa đổi, bổ sung các quy định điều kiện, thẩm quyền và thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa nạn nhân và người bạo hành. Đồng thời, bổ sung quy định mới về báo tin BLGĐ; nguyên tắc ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ; quy định về giám sát người có hành vi BLGĐ; sử dụng phương tiện, thiết bị hỗ trợ để xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ…

Theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5-2022 và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10-2022.

Điển hình như tại Điều 29 nêu rõ hình thức báo tin là gọi điện, nhắn tin, gửi đơn thư hoặc báo qua ứng dụng internet tới chủ tịch UBND cấp xã, công an cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, đường dây nóng tiếp nhận tin BLGĐ, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương. Đồng thời, đặt ra các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ là: đảm bảo an toàn; đưa đi cấp cứu, chăm sóc sức khỏe tại cơ sở khám, chữa bệnh; hỗ trợ khẩn cấp nơi ở và các nhu cầu thiết yếu; hỗ trợ tư vấn pháp lý, tâm lý; hỗ trợ trong quá trình xét xử; hỗ trợ các kiến thức, kỹ năng ứng phó BLGĐ; hỗ trợ sinh kế (Điều 32). Đặc biệt, dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi đã yêu cầu mọi cá nhân có mặt tại nơi xảy ra vụ BLGĐ chủ động phối hợp bảo vệ và hỗ trợ đưa người bị BLGĐ đến nơi an toàn (Điều 32).

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phân tích, so với Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, dự thảo đã quy định cụ thể nhiệm vụ giám sát người có hành vi BLGĐ thuộc về trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; thành viên ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố; chi hội trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; công an cấp xã. Và cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống BLGĐ, người chứng kiến hành vi BLGĐ được sử dụng điện thoại, camera an ninh và các phương tiện hỗ trợ khác để ghi âm, ghi hình làm chứng cứ. 

* Nâng cao trách nhiệm chính quyền cơ sở

Các sửa đổi trong dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi đã quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống BLGĐ; nhất là việc quy định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã nói riêng và UBND các cấp nói chung trong việc chỉ đạo, tổ chức các nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ, bố trí người thực hiện nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ tại địa phương…

Theo lãnh đạo UBND P.Hố Nai (TP.Biên Hòa), Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành không nêu rõ vai trò của chủ tịch UBND cấp xã trong việc tiếp nhận tin báo mà chỉ nêu chung chung là UBND cấp xã. Việc đưa vai trò chủ tịch UBND cấp xã vào dự thảo sẽ giúp người đứng đầu chính quyền địa phương buộc phải quan tâm, có trách nhiệm và trực tiếp đứng ra chỉ đạo giải quyết các tình huống BLGĐ xuất hiện trên địa bàn quản lý.

Ngoài ra, việc nêu rõ cho phép dùng điện thoại, camera an ninh ghi âm, ghi hình hành vi bạo lực để làm chứng cứ là một trong những thay đổi rõ rệt, phù hợp với tình hình hiện nay (khi các thiết bị trên phổ biến trong mỗi gia đình, khu dân cư). Qua đó, người xung quanh, cơ quan chức năng cũng dễ dàng thu thập, củng cố chứng cứ để phát hiện, ngăn chặn hành vi BLGĐ phát sinh.

Lãnh đạo UBND xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) nhận định, dù người bạo hành ép nạn nhân phải im lặng nhưng người xung quanh cũng có thể tố giác với chứng cứ từ hình ảnh, ghi âm. Việc này giúp ích cho chính quyền cấp xã trong việc xử lý dứt điểm các vụ việc BLGĐ, hạn chế nguy cơ nạn nhân bị dồn nén từ bạo lực có thể bừng phát thành các hành động vi phạm pháp luật khác.

Minh Thành

Tin xem nhiều