Ngày 20-8-2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ thị tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Nam bộ, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết xuyên tạc khi cho rằng quân đội là chỉ phải canh gác bảo vệ biên giới, rằng đối diện với công an, quân đội là dân chứ có phải là giặc đâu mà cầm súng giương nòng lên, rằng cho quân đội vào là để trấn áp dân ra đường"(!?)…
Ngày 20-8-2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ thị tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Nam bộ, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết xuyên tạc khi cho rằng quân đội là chỉ phải canh gác bảo vệ biên giới, rằng đối diện với công an, quân đội là dân chứ có phải là giặc đâu mà cầm súng giương nòng lên, rằng cho quân đội vào là để trấn áp dân ra đường”(!?)…
Hình ảnh những anh bộ đội với những túi hàng đang đi trao cho người dân khiến nhiều người xúc động (Nguồn: Báo Tin tức) |
Đây thật sự là những luận điệu xuyên tạc của những người không chỉ bất nhân mà còn độc ác, bởi họ chỉ mong chúng ta sẽ thất bại trong chống dịch để xã hội bạo loạn, người dân lầm than.
1. Trong lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn nhất quán chính sách “ngụ binh ư nông”. Đó là việc liên kết hài hòa giữa việc quân sự và nông nghiệp, giữa kinh tế và quân sự, chuyển hóa nhanh từ thời bình sang thời chiến khi cần. Nhờ chính sách này, triều đình có được lực lượng quân đội hùng mạnh, đông đảo trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì.
Có lẽ bắt nguồn từ lịch sử và chiều sâu văn hóa ấy nên ở Việt Nam quân đội có truyền thống gắn bó mật thiết với nhân dân. Mối quan hệ keo sơn, gắn bó này được bồi đắp và hun đúc qua quá trình lịch sử. Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh, vì vậy tình quân dân được ví như cá với nước.
Có lẽ vì vậy mà quân đội không những chỉ làm nhiệm vụ chính yếu của mình là huấn luyện, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn thường xuyên giúp đỡ nhân dân khi đối mặt với thiên tai, thảm họa. Hình ảnh quân đội gặt lúa giúp dân trong bão lũ, sơ tán người dân đến các điểm an toàn trong mưa bão, tìm kiếm người dân gặp nạn, mất tích là những hình ảnh quen thuộc ở Việt Nam. Và, việc quân đội tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam lần này cũng chính là sự tiếp nối của tinh thần gắn bó mật thiết giữa quân và dân.
Việc bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân, đương nhiên quân đội là lực lượng nòng cốt. Thế nhưng, không phải như các luận điệu xuyên tạc nêu trên, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn tham gia giúp dân phòng, chống dịch, song chắc chắn việc nắm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc nơi biên cương, hải đảo vẫn không bị buông lỏng và xem nhẹ.
2. TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã trải qua mấy tháng oằn mình chống dịch nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị cho tới mỗi người dân đều đã và đang đối diện với những khó khăn chồng chất. Các lực lượng tuyến đầu ở thành phố và các tỉnh đã và đang làm việc hết sức mình không quản ngày đêm.
Áp lực giữ cho số ca nhiễm không tăng nhanh, giảm thiểu người tử vong, giúp dân không bị đói và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội đang là một thách thức đặt lên vai tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Việc thực hiện giãn cách dài ngày nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn đã làm cho một bộ phận người dân rất lo lắng, thậm chí có trường hợp rơi vào khủng hoảng tâm lý. Hình ảnh từng đoàn người ở TP.HCM và các tỉnh liều mình chạy hàng ngàn km bằng xe máy về quê với bao gian nan đã phản ảnh được sự khốc liệt của dịch bệnh và sự lo lắng ấy.
Vì vậy, mệnh lệnh sống còn trong lúc này là phải quyết khống chế được dịch bệnh. Đó không chỉ là quyết tâm và mục tiêu cao nhất của TP.HCM, của các tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh mà còn của cả đất nước.
Vì vậy, quyết định đưa lực lượng quân đội để cùng phối hợp với các địa phương tham gia chống dịch ở TP.HCM và các tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa giãn cách xã hội, khống chế dịch bệnh, ngăn ngừa những yếu tố bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là vô cùng đúng đắn và cần thiết.
3. Trong thực tế, chỉ những quân nhân được giao nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn xã hội mới đeo súng bên mình. Tất cả những quân nhân thực hiện các nhiệm vụ khác như: khám chữa bệnh, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân; phụ trách việc hỏa táng, nhang khói và vận chuyển tro cốt nạn nhân mất vì Covid-19 thì không mang súng. Những quân nhân mang súng là những người đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt - nhiệm vụ chống “giặc” Covid-19.
Tất nhiên, mỗi nước có cách chống dịch riêng bởi sự khác nhau về thể chế chính trị, ý thức cộng đồng và sự tuân thủ của người dân. Thế nhưng, ngay từ ngày 2-8-2021, khi TP.Sydney của Australia thực hiện lệnh phong tỏa, quân đội Australia đã huy động lực lượng để tuần tra tại Sydney sau khi nhiều người dân phớt lờ lệnh phong tỏa. Theo Vnexpress.net, giải thích về việc quân đội tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo cảnh sát bang New South Wales David Elliott đã nói: “Chúng tôi cần sự hỗ trợ của quân đội trong thực thi lệnh hạn chế vì một bộ phận nhỏ cư dân nghĩ rằng các quy định không áp dụng cho họ”. Theo baoquocte.vn, Australia thực hiện việc này khi cả TP.Sydney mới chỉ có 2 ngàn ca nhiễm.
4. Thông tin từ các cơ quan truyền thông cho thấy, chỉ mới trải qua 1 ngày với sự vào cuộc của quân đội cùng với việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, nhất là việc người dân viện lý do để ra đường đã giảm hẳn. Không những vậy, hình ảnh những chiến sĩ quân đội, công an, dân quân cùng các lực lượng khác xuất hiện ở những con hẻm phân phát lương thực, thực phẩm cho người dân đã giúp cho mọi người cảm thấy an tâm hơn.
Sự vào cuộc và có mặt của quân đội chắc chắn, trước hết là một điểm tựa tinh thần rất lớn đối với người dân. Không biết những luận điệu xuyên tạc kia có biết rằng trong số 16 tỉnh, thành tự điều tiết được ngân sách và nộp về Trung ương (số liệu năm 2019) thì lần lượt 6 tỉnh, thành đứng đầu danh sách là: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc và Bà Rịa - Vũng Tàu (theo thuvienphapluat.vn). Họ biết, chắc chắn biết và biết rất rõ, chỉ có điều họ chỉ muốn cho TP.HCM và các tỉnh, thành thất bại trong chống dịch để xã hội bạo loạn.
Giả sử chúng ta bất lực và không khống chế được dịch bệnh thì chuyện gì sẽ xảy ra? Không chỉ các tỉnh, thành có dịch suy yếu mà cả thế và lực của đất nước sẽ suy sụp và nguy cơ nằm bên bờ vực thẳm của thảm họa và phá sản quốc gia là điều không xa. Các tỉnh, thành đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 hiện nay không chỉ là những tỉnh, thành nằm trong số những địa phương đóng góp ngân sách lớn cho đất nước mà còn là nơi tập trung nhiều nhất các khu công nghiệp, nơi thu hút lớn nhất vốn đầu tư nước ngoài. Nếu dịch bệnh không được khống chế, công nhân mất việc, bạo loạn nổ ra, các nhà đầu tư nước ngoài rút đi…
Nếu xảy ra điều này, chưa nói hệ lụy lớn đến tầm quốc gia, chỉ nói đến sự ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của đông đảo công nhân, lao động, thử hỏi số phận hàng triệu con người và đi kèm với họ là hàng triệu gia đình sẽ lâm vào hoàn cảnh bi đát ra sao?
Ngày 23-8-2021, ngay khi đặt chân xuống TP.HCM, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cùng Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng đã đi kiểm tra Bệnh viện Dã chiến số 5 đặt tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. Phát biểu tại đây, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng đã khẳng định đây như là trận chiến và “không thắng không về”. Sự vào cuộc của quân đội lần này được xem là trận đánh cuối cùng. Đã xác định là trận đánh cuối cùng bao giờ cũng được chuẩn bị công phu, bài bản, chính xác đến từng chi tiết với những hợp đồng tác chiến nhuần nhuyễn và không cho phép sai sót. Với truyền thống gắn bó mật thiết với nhân dân, hy sinh phấn đấu vì nhân dân, sự có mặt của quân đội đã và sẽ góp phần nâng cao tính kỷ luật trong chống dịch, người dân sẽ tuân thủ và chấp hành tốt hơn. Bằng kinh nghiệm dày dạn của mình, chắc chắn lực lượng quân đội sẽ cùng các lực lượng khác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, điều tiết và cung cấp lương thực, thực phẩm để người dân an tâm chống dịch, để TP.HCM và các tỉnh phía Nam sớm khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Có thể khẳng định rằng, tất cả các luận điệu xuyên tạc về sự vào cuộc của quân đội trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay không chỉ là những luận điệu xuyên tạc với những âm mưu thâm độc mà còn là tội ác.
Trung Ngôn