Để truy vết, sàng lọc, bóc tách các ca nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng, tiến tới sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, Đồng Nai đang triển khai các đợt xét nghiệm diện rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những nơi có số ca nhiễm tăng cao. Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn e ngại vì sợ lây nhiễm trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ đó né tránh, không tham gia xét nghiệm.
Để truy vết, sàng lọc, bóc tách các ca nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng, tiến tới sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, Đồng Nai đang triển khai các đợt xét nghiệm diện rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những nơi có số ca nhiễm tăng cao. Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn e ngại vì sợ lây nhiễm trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ đó né tránh, không tham gia xét nghiệm.
Người dân có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia xét nghiệm sàng lọc Covid-19 theo yêu cầu của ngành Y tế. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân P.Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hạnh Dung |
Luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, hành vi không thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay hình sự.
* Hành vi bị luật cấm
Ông Nguyễn Vân (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, nơi ông sinh sống hiện được xem là “vùng xanh”. Mặc dù vậy, cơ quan y tế phường vẫn triển khai test nhanh diện rộng theo chủ trương của tỉnh để tìm F0. Tuy vậy, vẫn có người e ngại không muốn đi test vì sợ tập trung đông người dễ lây bệnh. Nhiều người cho rằng, họ có quyền từ chối không đi xét nghiệm. Quan điểm này của họ có đúng không và nếu những người này không đi, liệu họ có bị xử lý gì không?
Luật sư Cao Sơn Hà giải thích, điều ông Vân thắc mắc cũng là tâm lý chung của nhiều người khi một cá nhân nào đó không chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng xấu, liên đới tới cuộc sống, sinh hoạt bình thường của những người xung quanh và gây trở ngại cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cộng đồng dân cư, khu phố, địa phương.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là hành vi bị nghiêm cấm. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát. Do đó, căn cứ theo Điểm a, Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (gọi tắt Nghị định 117) thì hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Cũng theo luật sư Cao Sơn Hà, người có hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chỉ bị xử hình sự khi người đó bị nhiễm bệnh, làm lây bệnh Covid-19 cho người khác. Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Theo các khoản 2, 3, 4, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5-12 năm: dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; làm chết người. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
* Những điều cần biết để tránh vi phạm pháp luật
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 còn nghiêm cấm các hành vi như: cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của luật này.
Luật sư Cao Sơn Hà cho hay, nếu vi phạm các điều cấm nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 117. Do đó, mọi người dân cần hiểu biết, nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc chấp hành, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Một khi vi phạm không những ảnh hưởng xấu tới kinh tế gia đình (nộp tiền phạt) mà còn tác động tiêu cực rất lớn tới công tác khống chế, dập dịch của cơ quan có thẩm quyền.
Nghị định 117 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm (Khoản 1, Điều 6). Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân (Điểm c, Khoản 2, Điều 7). Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điểm b, Khoản 1, Điều 11). Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (Điểm a, Khoản 1, Điều 12)…
Đoàn Phú