Báo Đồng Nai điện tử
En

Công tác tư pháp hướng tới sự hài lòng của người dân

10:07, 28/07/2021

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm 2021, ngành Tư pháp tỉnh đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm 2021, ngành Tư pháp tỉnh đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhờ Sở Tư pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đến nay nhiều người dân đã quen với việc đăng ký làm lý lịch tư pháp và trả kết quả qua bưu điện. Trong ảnh: Nhân viên Bưu điện tỉnh trả kết quả cấp lý lịch tư pháp cho một người dân ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa) vào tháng 6-2021. Ảnh: Phương Liễu
Nhờ Sở Tư pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đến nay nhiều người dân đã quen với việc đăng ký làm lý lịch tư pháp và trả kết quả qua bưu điện. Trong ảnh: Nhân viên Bưu điện tỉnh trả kết quả cấp lý lịch tư pháp cho một người dân ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa) vào tháng 6-2021. Ảnh: Phương Liễu

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào bày tỏ, ngay từ đầu năm 2021, ngành Tư pháp tỉnh đã xác định rõ những nhiệm vụ, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm phải thực hiện. Trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng của người dân.

* Đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Một trong những kết quả nổi bật trong công tác của ngành Tư pháp 6 tháng đầu năm 2021 chính là công tác cải cách hành chính nhờ Sở Tư pháp triển khai đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục triển khai đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến thông qua internet và hệ thống bưu điện; tăng cường thực hiện quy trình quản lý, vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; nhận, trả hồ sơ thông qua hệ thống bưu chính; tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, tra cứu thủ tục hành chính, gửi thông báo, thư xin lỗi qua tin nhắn SMS, Zalo...

Kết quả, từ ngày 15-12-2020 đến 31-5-2021, Sở Tư pháp tiếp nhận và xử lý hơn 8,2 ngàn hồ sơ, 100% hồ sơ đều được thực hiện trên phần mềm một cửa hiện đại Egov (tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 99,41%), tỷ lệ hài lòng của người dân đạt gần 100%.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn cho biết, Sở Tư pháp đang trong quá trình nghiệm thu phần mềm giao dịch đảm bảo và số hóa dữ liệu hộ tịch điện tử. Việc đi vào vận hành 2 ứng dụng nêu trên sẽ góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tư pháp, hộ tịch sẽ đạt hiệu quả cao hơn nữa.

* Làm tốt công tác xây dựng văn bản

Bên cạnh công tác cải cách hành chính, công tác xây dựng văn bản cũng được Sở Tư pháp đặc biệt quan tâm. Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho biết thêm, công tác xây dựng văn bản được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo trình tự, thủ tục ban hành văn bản. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Theo Sở Tư pháp, 6 tháng cuối năm 2021, ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện cho nhân dân; tăng cường tổ chức triển khai tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tiến hành rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành 21 quyết định quy phạm pháp luật, thực hiện góp ý gần 500 dự thảo văn bản (văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật khác), thẩm định 24 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật...

Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng thực hiện kiểm tra 22 văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành. Qua kiểm tra phát hiện 1 văn bản có sai sót về kỹ thuật trình bày hiệu lực thi hành, đã phối hợp với cơ quan soạn thảo kiến nghị UBND tỉnh xử lý kịp thời.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được Sở Tư pháp thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện những văn bản trái pháp luật, văn bản hết hiệu lực, văn bản không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hoặc không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nhất là về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư như: các thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh, chính sách hỗ trợ, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho hay, nâng cao nhận thức pháp lý, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; khắc phục tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật, chính sách hỗ trợ do địa phương ban hành được Sở Tư pháp xem là nhiệm vụ quan trọng cần phải làm tốt, chất lượng khi được UBND tỉnh giao. Từ đó, Sở chủ động phối hợp và gắn kết với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan trong việc truyền thông, tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh hoàn thiện văn bản, chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT nhằm thu hút đầu tư, rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính không cần thiết và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều